Theo một nghiên cứu mới đây của iPrice (một đơn vị chuyên phân tích thị trường Đông Nam Á), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đang ở mức cao nhất nhì trong khu vực. Cụ thể, trong năm 2017, chỉ số tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam đang tăng nhanh, ở mức 30% - tỉ lệ này cao hơn cả Thái Lan và Malaysia (2 quốc gia Đông Nam Á có đặc thù dân số trẻ, số lượt người dùng và những khởi đầu tương tự Việt Nam).
Phân loại doanh nghiệp thương mại điện tử theo ngành hàng, xuất xứ và loại hình tại Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Dự báo tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Malaysia, Thái Lan và Việt Nam từ năm 2015 tới năm 2025.
Tuy nhiên, theo đánh giá của iPrice, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang mắc phải tình trạng chưa định hình rõ ngôi thứ mô hình kinh doanh B2C (doanh nghiệp với khách hàng) và C2C (khách hàng với khách hàng). Cụ thể, nhiều trang thương mại điện tử đang phải kiêm cả hai vai: Vừa đảm nhận việc thanh toán và vận chuyển hàng hoá thường thấy ở những website thương mại điện tử B2C, vừa tranh thủ mở rộng mô hình cho người bán hàng nhỏ lẻ tự đăng sản phẩm và rao bán. Qua đó cho thấy, những website thương mại điện tử tại Việt Nam đang trong “cơn khát” lượng truy cập.
Theo iPrice, điều đáng nói là các trang thương mại điện tử Việt Nam có bán các sản phẩm nước ngoài chỉ chiếm 14%, còn lại 86% các mặt hàng được bán trực tuyến đều có nguồn gốc trong nước. Trong khi đó, các website mua bán trực tuyến của nước ngoài thường làm việc rất chặt chẽ với nhà cung cấp để lượng hàng có sẵn luôn chiếm tỉ lệ cao. Việc hàng hoá trực tuyến có sẵn được xem là điều hiển nhiên tại Thái Lan và Malaysia, theo đó chỉ 34% người dùng tại Thái Lan và 40% tại Malaysia quan tâm việc hàng hoá có sẵn hay không. Riêng tại Việt Nam, có đến 52% người mua trực tuyến thường phải đặt câu hỏi "còn hàng không?" với nhà cung cấp.
Nền tảng thanh toán trực tuyến cũng là một ảnh hưởng gián tiếp đến việc mua hàng trực tuyến từ các trang web bán hàng nước ngoài. Người Việt chuộng hình thức thanh toán khi nhận hàng tới mức tỉ lệ này chiếm 65% số đơn hàng trực tuyến, cao hơn 8 lần so với con số 8% của thế giới. Ngoài ra, theo thống kê của Google, mặc dù người dùng Việt có niềm tin hàng ngoại luôn tốt hơn, nhưng các trang thương mại điện tử nước ngoài lại gặp khó khăn khi kinh doanh tại Việt Nam vì nhiều lý do, trong đó rào cản ngôn ngữ chiếm 33%.
Hà Nội và TP.HCM có nhiều đặc trưng khác biệt, từ phong tục, tập quán cho đến thói quen mua sắm.