Ngày 30.10, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, mực nước thực đo tại trạm Phú An (trên sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (trên kênh Đồng Điền) đạt 1m57 - cao hơn dự báo 8cm và vượt mức đỉnh triều lịch sử trong vòng 50 năm qua (1m56, năm 2009) đã tiếp tục gây bể bờ bao và ngập úng nhiều nơi.
Tại hầu hết các quận của TP.HCM như 2, 6, 8, 7, Bình Thạnh, Thủ Đức đều xuất hiện các điểm ngập trên diện rộng, sâu từ 20-50cm. Trên tuyến đường lớn và đường hẻm như Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Lương Đình Của (quận 2), bến Phú Định, Phạm Thế Hiển (quận 8), Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân (Thủ Đức), nước tràn vào nhiều nhà dân gây thiệt hại lớn về tài sản. Hàng loạt cửa hàng, quán ăn phải đóng cửa sớm hoặc rơi vào tình trạng ế khách.
Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cho biết, đợt triều cuối tháng 10.2011 đã làm xuất hiện 28 điểm ngập. Trong đó có 19 điểm ngập do cao trình thấp hơn đỉnh triều trên đường Mai Xuân Thưởng, An Bình, Bình Tiên, Ngô Tất Tố... Còn 9 điểm ngập còn lại nặng nhất là Lương Đình Của (quận 2), Bến Phú Định (quận 8), Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), Nguyễn Thị Thập (quận 7).
Trước mắt, trung tâm đã lắp hơn 500 cửa van ngăn triều tại các cửa xả và đang tiếp tục rà soát các cửa xả thuộc các dự án mới hoàn thành để lắp van đồng bộ. Đồng thời, xây dựng các bờ kè, tường ngăn triều tại các khu vực trũng thấp, có nguy cơ nước tràn gây ngập như khu vực đường Huỳnh Tấn Phát, Quốc lộ 50, Thảo Điền. Vận hành 50 máy bơm cố định và di động với công suất từ 200- 4000m3/giờ để bơm nước xâm nhập.
* Ngày 30.10, thị xã Thuận An (Bình Dương) đã xuất gần 2.000 thùng mì gói và hàng ngàn chai nước sạch để cứu trợ các gia đình trong vùng ngập, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Trước đó, hôm 28.10, đợt triều cường lịch sử đã làm vỡ đoạn đê tại phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An khá bất ngờ khiến 1.885 nhà ở bị ngập sâu từ 1-2m, người dân trở tay không kịp để di dời tài sản nên thiệt hại lên đến nhiều tỷ đồng.
Nhiều hộ dân ở khu phố Phú Hội cho biết, họ không ngờ nước tràn vào quá nhanh, quá bất ngờ, sau đó mới biết là vỡ đê. Khu phố Phú Hội bị thiệt hại khá nặng nề, hàng chục ha hoa màu, ao cá, vườn mai, lan phục vụ Tết bị ngập sâu trong nước… và nguy cơ mất trắng.
Sáng 30.10, thị xã Thuận An đã huy động hơn 100 dân phòng, lực lượng thanh niên cùng nhiều phương tiện cơ giới dùng gần 10.000 bao cát, 100 cây dừa để vá lại đoạn đê bao trên Kênh tiêu thoát nước Sóng Thần - Đồng An (phường Vĩnh Phú) bị vỡ và gia cố gần 2km đê bao còn xung yếu để đối phó các đợt triều cường mới.
Minh Châu - Lộc Hưng