Trồng rau nợ 3 tỷ
Sinh ra trong gia đình thuần nông có 8 anh chị em, ông Phạm Văn Hát (Tứ Kỳ, Hải Dương) phải nghỉ học từ lớp 7 để phụ giúp gia đình. Khi đó, cậu bé Hát khi được gửi vào học nghề ở 1 xưởng cơ khí.
Để có thêm thu nhập, năm 2007, ông Hát thuê 3 hec-ta đất để trồng rau an toàn nhưng vì “non” kinh nghiệm, không tìm được đầu ra cho sản phẩm, ông Hát và gia đình lâm cảnh nợ nần với số tiền hơn 3 tỷ. “Lúc đó tôi nghĩ, với số nợ này có lẽ đến đời con may ra mới trả hết được”- ông Hát nói.
Không chịu cảnh nghè khó, ông Hát vay thêm tiền bạn bè, người thân để xuất khẩu lao động sang Isarel vừa làm trả nợ vừa học cách trồng rau an toàn. Ngày đầu làm việc trên cánh đồng rộng hàng trăm hec-ta, mọi thứ hoạt động bằng máy móc còn ông Hát vẫn phải cuốc đất và đi theo xe kéo phân.
Khi gặp chủ lao động, ông Hát lấy gậy vẽ vài nét nguệch ngoạc lên nên đất. “Họ rất thông minh, hiểu ngay ý tôi muốn chế cái máy để tăng năng suất lao động. Họ cho tôi giấy, thước kẻ, bút để vẽ ý tưởng. Tôi giao tiếp với họ chủ yếu nhờ công cụ dịch của Google” – ông Hát nói.
Sau nhiều ngày tháng làm việc miệt mài, ông Hát hoàn thiện thiết bị rải phân tự động. “Ông chủ rất vui và lấy bình sơn xịt lên máy dòng chữ “máy của Hát”. Sau đó, máy được nhiều người tìm mua, ông chủ người Isarel đã bán bản quyền máy và thu về 4 tỷ, ông Hát được thưởng 200 triệu”- ông Hát kể.
Ông Hát bên chiếc máy gieo hạt xuất khẩu đi 14 quốc gia.
Những ngày sau, ông Hát sáng chế ra nhiều loại máy khác giúp ích cho trang trại. Làm tốt, ông Hát được đề nghị ở lại làm việc lâu dài nhưng từ chối. “Tôi sang nước họ làm thuê nhưng không học được gì cả, chủ lại làm giàu từ những cỗ máy mình tạo ra. Vì thế, tôi nên quyết định về nước, mở xưởng chế tạo máy, kinh doanh để trả nợ” – ông Hát nói.
Ước mơ làm chủ doanh nghiệp
Về quê, ông Hát bỏ tiền túi đầu tư vào việc sáng chế máy móc phục vụ nông nghiệp. “Tôi đã làm những thứ không ra tiền khiến gia đình lục đục, vợ chồng cãi nhau như cơm bữa. Số tiền ít ỏi trong gia đình lần lượt không cánh mà bay” – ông Hát chia sẻ.
Lận đận nhiều năm, đến 2012, ông Hát tình cờ nhận được đơn đặt hàng sáng chế chiếc máy gieo hạt tự động. Sau gần một năm nghiên cứu và thực nghiệm, ông Hát đã chế tạo thành công robot đặt hạt tự động. Robot nặng 20 kg có khả năng gieo các loạt hạt rau, mỗi lần gieo 40 hạt/luống, khoảng cách 3-4 cm, tiết kiệm từ 20% đến 30% hạt giống so với phương pháp thủ công, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư tới 600.000 đồng một sào. Nhờ giá bán rẻ, robot này trở thành “vị cứu tinh” giúp gia đình ông Hát trả được dần số tiền nợ.
“Đã có nhà khoa học của Úc sang xem máy và đề nghị tôi sang nước họ nghiên cứu, làm việc với mức lương khởi điểm 7.000 USD/tháng nhưng tôi từ chối vì không muốn làm thuê. Tôi đã bán cho họ chiếc máy đó với giá 3.000 USD. Đến nay, chiếc máy gieo hạt tự động này đã được bán cho 14 quốc gia như Mỹ, Isarel, Úc… và người dân ở 64 tỉnh thành cả nước” – ông Hát chia sẻ.
Ông Hát cho biết thêm: “Ở Việt Nam tôi chỉ bán 35 triệu/máy nhưng tôi đang tìm cách để làm sao rẻ đi vì muốn 100 người nông dân tìm đến thì ai cũng mua được. Hiện nay, 100 người đến chỉ 80 người mua. Tôi cũng là nông dân nên hiểu số tiền đó là không nhỏ”.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến – Chủ tịch UBND xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương): “Bản thân ông Hát là người nông dân đã trải qua thất bại, phải trả giá không nhỏ. Từ đó, ông Hát hiểu rõ được nỗi khổ của người dân. Việc ông Hát sáng chế ra các máy móc như máy phun thuốc trừ sâu, máy đặt hạt đã giải phóng được sức lao động, tăng năng suất cho bà con nông dân. Ví dụ như máy phun thuốc, người dân không phải cả ngày cầm bình thuốc đi phun từng luống rau, giờ nhờ chiếc máy ấy chỉ mất vài giờ. Địa phương cũng đã ghi nhận, Hội nông dân chúng tôi đã tặng bằng khen, giấy khen ghi nhận những đóng góp của ông ấy”.
Ông Thuyền – một người dân xã Ngọc Kỳ (Hải Dương) chia sẻ: “Máy của anh Hát đơn giản, gọn nhẹ, dễ sử dụng, hiệu quả cao, giá rẻ hơn các loại máy khác trên thị trường. Hi vọng ông Hát làm thêm nhiều máy khác nữa để giúp bà con nông dân đỡ khổ”.
Cuộc sống ổn định, ông Hát ấp ủ ước mơ xây dựng doanh nghiệp tư nhân có tên “Hát sáng chế” nhưng chưa thực hiện được vì tiền vốn, và lo ngại về việc chưa được đăng ký bản quyền cho các cỗ máy mình làm ra. “Từ năm 2013, tôi đã kiến nghị nhiều lần lên Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ để đăng ký bản quyền nhưng chưa được. Tôi phải chấp nhận sản phẩm trôi nổi, tự tìm cách giữ “miếng” cho mình. Trên mỗi loại máy, tôi cố làm 1-2 linh kiện đặc biệt để nếu ai tháo ra định ăn cắp ý tưởng thì sẽ hỏng, khi lắp lại năng suất máy sẽ giảm” – ông Hát cho biết.
Đã có rất nhiều sáng chế độc đáo được “ra lò“ từ những nông dân không bằng cấp.