Dân Việt

Nghi phạm phân xác chồng ở Bình Dương có thể chịu hình phạt nào?

Đình Việt 18/12/2017 14:57 GMT+7
Luật sư nhận định, hành vi phạm tội của đối tượng đã phạm tội Giết người và có thể phải chịu khung hình phạt cao nhất.

Như Dân Việt đã thông tin, ngày 18.12, Công an tỉnh Bình Dương tạm giữ nghi can Hoàng Thị Hồng Diễm (32 tuổi, quê Hậu Giang) để điều tra về việc chị này có hành vi liên quan đến cái chết của chồng là L.T.T (37 tuổi, quê Sóc Trăng).

Tại cơ quan công an, nữ nghi can tỏ ra bình tĩnh và trả lời rành mạch các câu hỏi của cán bộ điều tra. Người này thừa nhận đã ra tay sát hại chồng rồi phân xác thành nhiều mảnh để phi tang.

Theo đó, đêm 15.12, sau khi nhậu, anh T về nhà trọ thì xảy ra mâu thuẫn với vợ. Tại đây, giữa hai người xảy ra cự cãi và ẩu đả.

img

Nghi phạm Hoàng Thị Hồng Diễm tại cơ quan công an.

Lúc này, Diễm cầm dao chém vào người anh T làm nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau khi gây án, nghi phạm dùng dao phân thi thể chồng thành nhiều mảnh rồi bỏ vào các túi nylon, ba lô sau đó dùng xe máy chở đến bỏ ở các điểm tập kết rác gần nhà trọ để phi tang.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Đoàn luật sư TP Hà Nội dưới góc độ nhận định, theo những thông tin ban đầu từ cơ quan công an, nếu hành vi phạm tội của nghi phạm chỉ vì mâu thuẫn  trong sinh hoạt vợ chồng mà đã sát hại người chồng, sau đó tiếp tục chặt xác nạn nhân đem vứt đi nhằm mục đích che dấu hành vi phạm tội, trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật thì cho thấy hành vi không còn tính người.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết: "Phương thức thực hiện của nghi phạm như thời trung cổ. Dù đã hoàn thành hành động giết người, nhưng vẫn tiếp tục có hành động ghê sợ tiếp theo". 

img

Hiện trường nơi phát hiện sự việc.

Theo luật sư Thơm, hành vi phạm tội của đối tượng không những đã tước đoạt đi quyền được sống của người khác mà còn gây mất trật tự trị an trên địa bàn, gây hoang mang lo sợ bởi trong quần chúng nhân dân bởi sự dã man, tàn bạo, không còn tính người khi sát hại chính người chồng của mình.

"Quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người đã được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo qui định của Pháp luật.

Hành vi phạm tội của đối tượng đã phạm tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm i, n khoản 1 Điều 93 BLHS với hình phạt cao nhất là tử hình.

Xét tính chất mức độ hành vi và hậu quả gây ra cho nạn nhân, cũng như hậu quả về mặt xã hội là đặc biệt nghiêm trọng thì nghi phạm phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất đến tử hình nếu đối tượng đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự", luật sư Thơm phân tích.