Xóa khát
Bà Nguyễn Thị Thương ở thôn 1, xã Hải Phong (Bắc Bình) cho biết: “Mùa khô ở đây kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, vì thế, không làm được nông nghiệp hoặc có thì chỉ trông chờ vào… ông trời”.
Nước sạch đã xóa khát cho hàng trăm hộ gia đình xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình (Bình Thuận). |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều năm vào mùa khô, nước sinh hoạt thiếu khiến người dân phải vật lộn chống khát. Hàng trăm hộ gia đình ở xứ sở "sa mạc" này thường phải đi hàng chục cây số để mua nước. Để xóa khát trên mảnh đất này, Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Bình Thuận đã xây dựng công trình cấp nước Hồng Phong để phục vụ bà con 2 xã là Hồng Phong và Hòa Thắng.
Theo ông Phan Văn Trúc - Trạm trưởng Trạm cấp nước Hồng Phong, từ khi có nước sạch, bà con không còn phải chịu cảnh thiếu nước vào mùa khô, cuộc sống từng bước được nâng cao.
Ông Mai Chí - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Phó Thường trực Ban Điều hành Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết, Bình Thuận là địa phương có điều kiện địa chất, thuỷ văn phức tạp; trữ lượng nước dưới đất kém phong phú và phân bố không đồng đều, khí hậu đặc biệt khô hạn...
"Nhờ mạnh dạn đầu tư, đến nay, Bình Thuận là một trong những tỉnh được đánh giá là đi đầu trong lĩnh vực cấp nước nông thôn"- ông Chí cho hay.
Đẩy nhanh tiến độ các công trình
Đến cuối năm 2011, tỉnh Bình Thuận phấn đấu giải quyết cấp nước thêm cho 37.721 người, nâng tỷ lệ dân nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 89%. Số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được dùng nước sạch hoặc có cơ hội sử dụng nguồn nước sạch từ các hệ thống nước trên địa bàn toàn tỉnh vào cuối năm nay sẽ đạt trên 90%.
Ông Lý Hữu Phước - Giám đốc Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận cho biết, trong lĩnh vực cấp nước, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng nông thôn khó khăn luôn được ưu tiên. Riêng khu vực đồng bào dân tộc ít người với 15 xã thuần và 32 thôn xen ghép (có 16.011 hộ với 72.050 người, chiếm 6% dân số toàn tỉnh), đã có gần 90% số hộ được tiếp cận và được sử dụng nguồn nước sạch, trong đó có 65% số hộ dân tộc ít người được lắp đồng hồ nước tận nhà. Hiện nay chỉ còn 1 xã thuần và 8 thôn đồng bào dân tộc ít người sống xen ghép là chưa được đầu tư hệ thống nước.
"Năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hệ thống nước chuyển tiếp để có thể hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy kịp thời hiệu quả đầu tư, đồng thời đầu tư nâng cấp, mở rộng về quy mô, công suất hiện có, hạn chế tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trong mùa khô và cải thiện chất lượng nước cấp đạt tiêu chuẩn nước sạch"- ông Phước khẳng định.
Ninh Thuận: 300 tỷ đồng xây hệ thống cấp nước sạch
Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Ninh Thuận đầu tư 300 tỷ đồng, xây dựng 38 hệ thống cấp nước sạch tập trung với hơn 20.000 điểm đấu nối để đưa nước sạch vào tận nhà hàng chục nghìn hộ dân ở các vùng nông thôn. Theo ông Bùi Văn Định - Phó Giám đốc Trung tâm NSVSMTNT Ninh Thuận, tỉnh hiện có 47 xã nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới, thực tế đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Hiện trung tâm đang kiến nghị tỉnh chỉ đạo hệ thống Ngân hàng Chính sách thẩm tra và cho người dân vay tiền để cuối năm 2011, toàn tỉnh có hơn 1.000 hộ dân đưa được nước sạch về tận nhà.
Nguyễn Hữu
Hữu Thông