Dân Việt

Bình Định: Bức xúc vì gần 100km trên quốc lộ “cõng” 3 trạm BOT

Dũ Tuấn 19/12/2017 13:00 GMT+7
3 trạm thu phí BOT được đặt trên quốc lộ (QL) 1 và QL19 ở Bình Định khiến người dân bức xúc vì phí thu quá cao, trong khi chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng, vị trí đặt trạm chưa hợp lý.

Đề nghị giảm phí cả 3 trạm BOT

Ngày 19.12, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Minh Hoàng - Phó giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định (Trạm thu phí BOT Nam Bình Định) cho biết, đơn vị thi công vẫn đang tiến hành khắc phục những vị trí hư hỏng trên QL1.

“Nếu thời tiết thuận lợi, trong tuần này sẽ hoàn thành việc khắc phục hư hỏng. Riêng những vị trí hư hỏng lớn, ổ gà đã được khắc phục tạm thời, chúng tôi sẽ đào lên để thay bằng bê tông nhựa. Việc giảm phí qua trạm, chúng tôi vẫn đang chờ Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi văn bản để tiến hành việc giảm giá vé, dự kiến sẽ áp dụng vào ngày 1.1.2018”, ông Hoàng cho hay. 

img

Thời gian qua, đường QL1 qua địa bàn tỉnh Bình Định bị hư hỏng khiến người dân bức xúc.

Theo Sở GTVT Bình Định, khoảng cách giữa 2 trạm thu phí BOT Bắc Bình Định và BOT Nam Bình Định trên QL1 chưa tới 70km. Do đó, theo quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC, Bộ GTVT phải có ý kiến thỏa thuận của UBND tỉnh và Bộ Tài chính về vị trí đặt trạm thu phí (UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đồng ý khoảng cách giữa 2 trạm thu phí này là 64km theo văn bản số 3915/UBND-KTN năm 2014). Tuy nhiên, thông tư trên chưa quy định khoảng cách tối thiểu cho 2 trạm thu phí trên 2 tuyến đường cạnh nhau. Thực tế, tại Bình Định, khoảng cách giữa trạm thu phí BOT trên QL1 (TX.An Nhơn) và trạm BOT trên QL19 (huyện Tây Sơn) là 34km. Vì vậy, sau khi các trạm BOT đi vào hoạt động, có nhiều ý kiến trái chiều của người dân về khoảng cách trạm thu phí trên cùng tuyến đường và vị trí đặt trạm chưa hợp lý.

Câu chuyện phí qua trạm BOT quá cao, đường QL “tan nát” đã làm nóng hội trường kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định vừa qua. Theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Định trong một buổi làm việc với Tổng cục Đường bộ, nhà đầu tư BOT, việc giảm giá cần thiết phải thực hiện ở cả 3 trạm: BOT Nam Bình Định, BOT Bắc Bình Định trên QL1 và Trạm BOT QL19.

Tại kỳ họp này, ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Định - nhìn nhận, trong quá trình sử dụng, các tuyến đường QL1, QL19 đã xuất hiện hư hỏng, chất lượng đường xuống cấp nhanh. Việc QL phát sinh hư hỏng, trong khi giá thu phí tại 3 trạm BOT quá cao đã được người dân, cử tri bức xúc phản ánh tại các cuộc họp. Ông Hoàng lưu ý, trong đó nhiều nhất là QL1 nhưng việc khắc phục của các đơn vị thuộc Bộ GTVT chưa kịp thời và hiệu quả chưa cao.

Do mưa, đường hỏng?

Ông Nguyễn Đăng Thuấn - Phó giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 (Trạm thu phí BOT tại QL19) cho biết: “Chúng tôi đang chờ quyết định từ Bộ GTVT để tiến hành theo đúng quy trình. Thực tế, trước đây có 2 loại xe (loại 4, loại 5) qua trạm đã được giảm giá. Việc hư hỏng vẫn đang được khắc phục khẩn trương”.

Ông Phan Thế Thịnh - Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Bắc Bình Định (Trạm thu phí BOT Bắc Bình Định) thừa nhận, trên đường BOT đã xuất hiện hư hỏng, ổ gà… ở nhiều vị trí nhưng nguyên nhân chính là do mưa kéo dài(?).

img

Trạm thu phí BOT Bắc Bình Định.

Trong khi đó, trung tá Ngô Đức Hoài - Phó trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh Bình Định) cho rằng, chất lượng mặt đường QL1 quá kém, đã có không ít trường hợp người điều khiển phương tiện bị sụp ổ gà, ổ voi dẫn tới té ngã, chấn thương. Mặt đường vừa sửa chữa được một thời gian đã lại bong tróc, hư hỏng.

“Dư luận địa phương phản ứng rất gay gắt về việc hư hỏng QL1. Chưa cần biết vì sao đường hư hỏng nhiều, nhưng nhà đầu tư thu tiền phí BOT của người dân phải có trách nhiệm sửa chữa. Nếu trời mưa chưa thể sửa, phải tìm biện pháp khác, không thể để đường hư hỏng mà vẫn vô tư thu phí. Thời gian qua, để đảm bảo an toàn giao thông, chúng tôi còn chủ động thuê xe mua bao cát lấp chỗ hư hỏng lớn, thường xuyên cảnh báo người dân nhưng phía BOT chưa có động thái vào cuộc khắc phục quyết liệt”, trung tá Hoài nói.