Dân Việt

NS Phạm Tuyên: Tôi viết "Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không" dưới hầm

Thảo Nguyên (tổng hợp) 19/12/2017 19:39 GMT+7
Bồi hồi nhớ lại thời điểm sáng tác ca khúc “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ, lời nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã truyền cho ông niềm xúc động sâu sắc, những nốt nhạc đầu tiên của bài “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” lần lượt vang lên trong trí óc ông.

Hơn bốn thập kỉ đã lùi xa, nhưng mỗi lần nghe lại ca khúc “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, những người yêu Hà Nội như sống lại 12 ngày đêm hào hùng đó.” Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” đã trở thành bài ca bất hủ đi cùng năm tháng, là “ tiếng hát át tiếng bom”, là tiếng kèn xung trận, hun đúc ý chí để quân và dân ta làm nên chiến thắng lẫy lừng ” Điện Biên Phủ trên không”.

Ca khúc như một tượng đài của nền âm nhạc trong trận chiến thắng Điện Biên Phủ trên không mà không phải ai cũng dễ gì sáng tác được. Với nhạc sĩ Phạm Tuyên, khi ông sáng tác ca khúc này, đó là cảm xúc tự nhiên được tuôn trào khi ông chứng kiến Hà Nội rung chuyển trong sự tàn phá của bom Mỹ, chứng kiến lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm khói lửa. Tác phẩm còn là lời động viên tiếp sức cho chiến sĩ, đồng bào cả nước đứng lên, như lời khẳng định cho chiến thắng ắt sẽ đến của quân và dân ta.

img

Chia sẻ về sự ra đời của ca khúc nổi tiếng, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, ca khúc đã được ông viết dưới hầm trú bom của Đài TNVN đêm 27.12.1972 giữa lòng Thủ đô rực lửa chiến đấu. 

 “Cuối năm 1972, tất cả người dân Hà Nội đi sơ tán hết. Tôi và gia đình cũng được lệnh rời Hà Nội, nhưng tôi tình nguyện xin ở lại để chứng kiến cuộc chiến đấu của nhân dân Thủ đô chống lại đế quốc Mỹ, một cuộc chiến mà Mỹ tuyên bố đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”, nhạc sĩ Phạm Tuyên nói.

Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, 4h sáng 19.12, Đài phát sóng lớn nhất của ta ở Mễ Trì (Hà Nội) bị địch đánh sập. Ngày 20.12 địch tiếp tục ném bom Đài phát sóng ở Bạch Mai… bộ đội phòng không ta đánh trả quyết liệt. Đêm 26.12, bộ đội ta bắn rơi 8 chiếc B52. Từ Sở chỉ huy tối cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lời kêu gọi: “Kẻ địch thua đau và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn. Nhưng, chúng vẫn ngoan cố kéo dài cuộc tập kích. Các đơn vị hãy bắn rơi nhiều B52 hơn nữa, hãy giáng cho không quân Mỹ một đòn “Điện Biên Phủ” ngay trên bầu trời Hà Nội”. 

“Lời nói của Đại tướng đã truyền cho tôi niềm xúc động sâu sắc, những nốt nhạc đầu tiên của bài “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” lần lượt vang lên trong trí óc. Khi nghe chữ Điện Biên Phủ tôi có cảm giác rất khác và ngay đêm hôm ấy, ngồi trong hầm tôi viết bài “Hà Nội – Điện Biên Phủ”. Âm điệu ở đây không du dương mà quyết liệt bởi tôi muốn tỏ cho đế quốc Mỹ biết Hà Nội quyết liệt như thế nào. Dẫu bom địch đang ném vào khu nhà tôi ở, chiếc dương cầm bị hỏng, tủ sách của mình yêu quý không còn, nhưng ngay trong sáng 28.12, trên ghế đá, dưới gốc cây đa phố Hàng Trống, tôi đã hát vang “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” với công chúng Thủ đô” nhạc sĩ Phạm Tuyên bồi hồi nhớ lại.

img

Ông kể lại: "Đêm 29.12.1972 bài hát được phát. Căng thẳng như thế mà tiếng hát vẫn vang lên. Anh em trong Sài Gòn bảo Hà Nội vừa đánh vừa hát, dứt khoát Mỹ thua. Quả nhiên ngày hôm sau Mỹ đã xuống thang. Buổi phát thanh đêm 29.12 gây xúc động cho nhiều người. Mặc cho tiếng còi báo động rền vang, ca khúc “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” được vang lên trên sóng Đài TNVN”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ, bài hát “Hà Nội – Ðiện Biên Phủ” cũng gắn với nhiều kỷ niệm thú vị. Sau khi viết xong, nhạc sĩ hát cho các đồng nghiệp nghe: “B52 tan xác cháy sáng bầu trời/Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời/Rồng ta lao vút tới vây bắt lũ hung thần khát máu/Ý chí chúng ta đây mạnh hơn ngàn lần bom súng quân thù/Một trận Ðiện Biên nay sẽ vùi mộng xâm lăng…“. Các đồng nghiệp của ông đã đề nghị thu thanh và phát sóng ngay ca khúc này trên làn sóng Ðài Tiếng nói Việt Nam, để khơi dậy ý chí chiến đấu của quân dân ta. Nhưng lúc đó, cả Ðoàn ca nhạc của Ðài Tiếng nói Việt Nam đã đi sơ tán hết. Vậy là chính nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng các nhạc sĩ Trần Thụ, Văn Ðạt  cùng nhau thể hiện ca khúc này. Ca khúc được phát trong chương trình Tiếng hát gửi về Nam qua sóng phát thanh đến với đồng chí, đồng bào trong những ngày diễn ra trận chiến đấu ác liệt giữa quân dân ta và không lực Hoa Kỳ.

Chiến tranh đã lùi xa, những dấu vết của những ngày khỏi lửa trên bầu trời Thủ đô chỉ còn trong bảo tàng, tượng đài kỷ niệm hay trí óc những người cao tuổi. Nhưng mạch nguồn hào hùng, quyết liệt ở “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn vang mãi. 

Để rồi, trong những ngày này, chúng ta lại nhớ về 12 ngày đêm lịch sử đó, để nhắc cho thế hệ trẻ hôm nay biết ông cha ta đã sống và chiến đấu như thế, để như lời ca ngợi của bạn bè Quốc tế: "Việt Nam đã làm nên một huyền thoại!"