Dân Việt

Những đề xuất cải cách giáo dục “đình đám” năm 2017

Tùng Anh (t/h) 20/12/2017 09:02 GMT+7
Cải cách tiếng Việt, giải tán phòng giáo dục, bỏ tác phẩm “Chí Phèo” khỏi sách giáo khoa, xóa sổ Hội phụ huynh... đó là những đề xuất táo bạo nhận được không ít “gạch đá” của dư luận trong năm 2017.

Gửi kiến nghị dẹp Hội phụ huynh lên Chính phủ

Cho rằng Hội phụ huynh học sinh hiện đang “lạm quyền” khi đứng ra thu những khoản tiền vô lý, tháng 9.2017, ông Vũ Quốc Bình (40 tuổi, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, TP.HCM) đã viết đơn kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ đề xuất dẹp bỏ Hội phụ huynh. Ngay sau đó, ông Bình đã nhận được email của Văn phòng Chính phủ về việc đã nhận được ý kiến, sẽ chuyển cho cơ quan chức năng để giải quyết.

img

Sau phản hồi này, ông Bình đã làm kiến nghị gửi lên Văn phòng Chính phủ đề xuất giải tán Hội phụ huynh. Ảnh: IT.

Ông Bình cho biết, trước đó, tại cuộc họp Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 3/2 trường Tiểu học Hòa Bình, do không đủ thời gian thảo luận để thống nhất việc lót sàn gỗ cho lớp học nên ban này gửi thư ngỏ cho phụ huynh. Trong thư, Ban đại diện cha mẹ học sinh cho rằng sàn gỗ đã cũ nên buổi trưa các bé phải ngủ trên ghế. Để các em được ngủ an toàn và ngon giấc, Ban này dự kiến lót sàn gỗ cho lớp với chi phí 14 triệu đồng, chia bình quân mỗi phụ huynh đóng 400.000 đồng.

Thư này được phát cho học sinh và đưa về cho cha mẹ viết ý kiến vào. Ông Bình thẳng thắn phản hồi trong thư ngỏ rằng: "Hội phụ huynh học sinh chứ không phải hội phụ thu học sinh hay hội "họa sĩ". Tiền cơ sở vật chất hàng năm đâu?".

Theo ông Bình, vai trò của hội phụ huynh đang bị biến tướng với mục tiêu "phụ thu học sinh". Ông Bình cũng thẳng thắn ở nhiều trường, phụ huynh đứng ra thu phí thực chất họ là "cánh tay nối dài" của nhà trường nhằm hợp thức hóa các khoản phí ngoài quy định. "Tôi đề nghị nên giải tán hội phụ huynh khi họ không còn làm tốt vai trò chủ yếu của mình nữa"-  ông Bình nói.

Ý kiến của ông Bình đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều phụ huynh trên cả nước. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng việc giải tán Hội phụ huynh không khả thi khi Hội này vẫn còn những nhiệm vụ không thể thay thế trong việc liên kết giữa gia đình và nhà trường.

Giải tán phòng giáo dục

Đưa kiến nghị của mình lên báo chí, thầy giáo Bùi Nam – một giáo viên tâm huyết với nghề cho rằng, để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 19 của Hội nghị Ban Chấp Hành Trung ương là giảm 10% biên chế trong sự nghiệp công lập trong đó có ngành giáo dục, bên cạnh việc giảm các chức danh kế toán, y tế học đường, lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ thì một nhóm đối tượng khác cũng cần được giảm đó là các... phòng giáo dục.

img

Thầy giáo Bùi Nam cho rằng nên giải tán các phòng giáo dục quận, huyện (ảnh minh họa: IT)

Thầy Bùi Nam phân tích: Hiện, lực lượng cán bộ quản lý chỉ tính riêng từ mầm non đến THPT (bao gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và cán bộ Phòng/ Sở GD) trên giáo viên đứng lớp là khá lớn: Mầm non là 35.833/132.294 viên chức (chiếm 27,08%), tiểu học 35.010/363.249 (chiếm tỉ lệ 9,64%), THCS là 24.627/207.085 (chiếm 11,9%), THPT là 8.351/119.826 (chiếm gần 7%).

Tính chung trên cả nước cán bộ quản lý từ mầm non đến THPT là 103.821/ 822.454 viên chức (chiếm 12,6%). Con số này chưa kể đến lực lượng viên chức tăng cường về thực hiện nhiệm vụ tại Sở/Phòng GD nhưng vẫn nhận lương tại các trường. Thầy Nam cho rằng đó là con số quá lớn và cồng kềnh, nó làm tăng thêm sự ngột ngạt cho bức tranh biên chế đang ngày càng phình to.

Cả nước có 698 đơn vị hành chính cấp huyện, mỗi phòng có trên dưới 10 người, nếu tinh giản hoặc điều chuyển thì mục tiêu 10% sẽ không thành vấn đề. Từ những dẫn chứng đó, thầy giáo Nam đề xuất nên xóa bỏ các phòng GD ĐT, thay vào đó tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường.

Đáp lại ý kiến này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đề xuất của thầy Nam là tùy tiện. TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội bày tỏ: “Ở mỗi nước khác nhau, hệ thống giáo dục cũng được sắp xếp khác nhau để đảm bảo việc vận hành được thuận lợi. Có nước bỏ Bộ GD nhưng giáo dục địa phương lại quan trọng. Đó là vấn đề hệ thống quản lý Nhà nước của nước họ phải thay đổi chứ không phải tự nhiên bỏ chỗ này bỏ chỗ kia như bạn Bùi Nam nói. Đề xuất của anh Nam là tùy tiện, suy nghĩ không có cơ sở khoa học về mặt quản lý hệ thống”.

Cải tiến tiếng Việt

Đây có thể coi là đề xuất cải tiến gây nhiều tranh cãi và nhận được nhiều “gạch đá” nhất trong năm 2017. Theo đó, trong một cuốn sách giới thiệu tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội đã đưa ra đề xuất cần phải cải tiến tiếng Việt để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư.

img

Đề xuất cải tiến chữ viết của PGS Bùi Hiện đã nhận được nhiều "gạch đá" từ dư luận. Ảnh minh họa: IT.

Theo đề xuất này, cách viết chữ tiếng Việt sẽ được thay đổi như sau: "giáo dục" phải viết là "záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"...

Ngay sau khi thông tin về đề xuất cải tiến chữ viết được đăng tải PGS Bùi Hiền đã nhận được rất nhiều ý kiến chỉ trích của dư luận và những nhà chuyên môn. Nhiều người cho rằng đề xuất của PGS là “thừa giấy vẽ voi” sẽ gây tốn kém, lãng phí thời gian và tiền bạc.

Phản hồi về đề xuất này, Bộ GD ĐT cho biết, để đưa một đề xuất liên quan vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ GD ĐT không đủ thẩm quyền và không dự kiến áp dụng bất cứ phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Bất chấm nhiều luồng ý kiến trái chiều, vị PGS vẫn cho biết ông sẽ kiên trì hoàn thiện nốt đề tài nghiên cứu của mình để công bố một cách hoàn thiện nhất.

Bỏ “Chí Phèo” khỏi sách giáo khoa

Cũng trong tháng 12, một đề xuất “đình đám” khác của nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền - Trường ĐH Newcastle (Australia) cũng gây “bão” dư luận. Theo đó, anh Hiền cho rằng nên loại bỏ tác phẩm Chí Phèo khỏi SGK để tránh tác động xấu đến mặt nhận thức của học sinh.

Theo lập luận của anh Nguyễn Sóng Hiền, tác phẩm Chí Phèo mặc dù đã được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 11 từ rất lâu đời và trở thành đề thi ĐH nhiều năm nay, nhưng ở góc độ giáo dục, theo anh Hiền là chưa thỏa mãn và cần cân nhắc lại.

img

Thạc sỹ Sóng Hiền cho rằng tác phẩm Chí Phèo nên được đưa ra khỏi sách giáo khoa lớp 11. Ảnh: minh họa:IT.

Anh Hiền cho rằng, hình ảnh Chí Phèo chỉ là bi kịch của một cá nhân. Chí xuất thân không cha, không mẹ, không nhà, không cửa, không người thân... Hình ảnh này có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào, xã hội nào, không thể điển hình cho một tầng lớp nào trong xã hội, cũng không thể quy chụp rằng Chí bị xã hội phong kiến lưu manh hóa hay bị cường hào ác bá làm hại.

Với những lập luận đó, anh Hiền cho rằng nếu vẫn tiếp tục giữ tác phẩm này trong sách giáo khoa phổ thông có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức cho học sinh. Ngay sau khi ý kiến này được đăng tải trên phương tiện truyền thông, rất nhiều giáo viên văn và học  sinh phổ thông đã bày tỏ quan điểm trái chiều và cho rằng, đề xuất cho tác phẩm này khỏi sách giáo khoa là rất vô lý. Các chuyên gia giáo dục thì bày tỏ cách nhìn của Sóng Hiền là cách nhìn hời hợt, hớt váng.