Dân Việt

Vụ "nâng đỡ không trong sáng": Còn ai đứng sau ông Ngô Văn Tuấn?

Thanh Tuấn - Minh Chiến 20/12/2017 08:44 GMT+7
Việc xử lý 2 cán bộ ở Thanh Hóa, trung ương mới làm được một nửa, nửa sau là ở Tỉnh ủy Thanh Hóa. Đây là nửa hết sức quan trọng nhưng cũng rất phức tạp và khó khăn.

Đó là nhận định của ông Lê Khắc Biểu - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý cán bộ các tỉnh đồng bằng Ban Tổ chức trung ương, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa - khi trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 19.12 liên quan đến việc kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Đào Vũ Việt - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa "làm chưa tới"

Trước đó, ông Tuấn bị Ban Bí thư kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng, còn ông Việt bị Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKTTƯ) kỷ luật cảnh cáo. Hai ông này đã có nhiều sai phạm, trong đó có việc ưu ái, nâng đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên Trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Liên quan đến sai phạm của 2 cán bộ này, trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã kỷ luật hình thức khiển trách đối với ông Tuấn và kiểm điểm sâu sắc đối với ông Việt.

Ông Lê Khắc Biểu cho biết trước đây, ông từng có ý kiến về việc Thanh Hóa xử lý quá nhẹ đối với những sai phạm trên. "Cả 2 ông vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, vi phạm các quy định của Đảng và nhà nước về mặt tổ chức cán bộ. Đây là những vi phạm lớn nên Tỉnh ủy Thanh Hóa không thể không biết" - ông Biểu nhận xét.

img

Ông Lê Khắc Biểu trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động. Ảnh: Thanh Phạm

Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý cán bộ các tỉnh đồng bằng nhấn mạnh việc đưa 2 lãnh đạo có nhiều vi phạm từng làm tại một sở vào Tỉnh ủy viên là trường hợp xưa nay chưa từng có ở Thanh Hóa. "Đằng sau đó là cái gì? Tôi cho rằng trách nhiệm chính đưa vào đại hội thì có ban trù bị, Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Việc này là không bình thường, có lý do "tế nhị" nào đây? Cá nhân hoặc "lợi ích nhóm?"- ông Biểu băn khoăn.

Cùng quan điểm, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhận định UBKTTƯ đã làm rất nghiêm, còn trước đó tỉnh Thanh Hóa "làm chưa tới". Ông Phong cho rằng trong vụ "nâng đỡ không trong sáng" đối với bà Quỳnh Anh, dư luận "râm ran" nhiều nghi vấn.

"Nhiều luồng ý kiến cho rằng đằng sau đó còn có vấn đề lớn hơn, phức tạp hơn nhưng chưa được làm rõ. Liệu còn có ai đứng ở phía sau câu chuyện ông Tuấn nâng đỡ bà Quỳnh Anh hay không? Theo tôi, cần làm sáng tỏ vấn đề này, nếu có thì phải xử lý đến nơi đến chốn" - ông Phong nhấn mạnh.

Truy trách nhiệm Bí thư Tỉnh ủy

Nói về trách nhiệm của Tỉnh ủy Thanh Hóa trong vụ việc này, ông Biểu cho rằng trung ương mới làm được một nửa, nửa sau này là trách nhiệm của Tỉnh ủy Thanh Hóa. "Tất nhiên, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính. Nếu như Tỉnh ủy Thanh Hóa nghiêm túc tự phê bình và phê bình thì mới củng cố được lòng tin của đảng viên, cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Nếu kiểm điểm thành khẩn thì trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy là nặng" - ông Biểu nhận định, đồng thời cho rằng nếu vụ việc này xử lý không đến nơi đến chốn thì mọi phong trào ở Thanh Hóa sẽ không có bước đột phá.

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần xem xét trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, làm rõ trách nhiệm cá nhân Bí thư Tỉnh ủy. "Trước đó, báo chí và dư luận đã nói đến vụ việc này có liên quan đến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Vậy phải làm rõ xem liên quan như thế nào, mức độ ra sao để có hình thức xử lý phù hợp" - ông Nhưỡng nói.

Ngày 19.12, phóng viên đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa về các bước xử lý tiếp theo đối với ông Tuấn nhưng không vị nào nghe máy. Theo thông tin được đăng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa về lịch công tác tuần thứ 51 năm 2017 (từ ngày 18 đến ngày 24.12) thì không có tên phó chủ tịch Ngô Văn Tuấn.