Dân Việt

Khế cổ công tử Bạc Liêu từng chơi, trả hơn 6 tỷ không bán

Hồng Phú 01/01/2018 11:19 GMT+7
Cây khế thân mốc, các cành đan xen vào nhau nhìn như một ngọn núi, từng được công tử  Bạc Liêu sở hữu, được đại gia cây cảnh đất Bắc trưng bày tại Hà Nội khiến nhiều du khách thèm muốn.

Hiện tác phẩm độc đáo này của anh Phan Văn Toàn (Toàn "đô la") ở TP. Việt Trì (Phú Thọ), anh Toàn được xem là một trong những đại gia chơi ngông nhất trong giới chơi cây cảnh. Chưa đầy 8 năm, đại gia này đã bỏ 120 tỷ để… chơi cây.

Theo chủ nhân của tác phẩm, cây khế này là dòng khế ta chứ không phải là dòng khế gân. Khế gân có một số cây ở Việt Nam có tuổi đời trên 300 năm nhưng khế ta thì cây này là số 1.

Vị đại gia cây cảnh chia sẻ: "Người xưa có câu “cây đi tìm chủ, quý vật tìm quý nhân”, từ cái duyên, cái nghiệp đưa đẩy mà anh vợ chồng tôi đã sưu tầm được những cây cảnh vô cùng độc đáo. Nhiều loại cây cảnh quý ở Việt Nam trước đây thuộc sở hữu của vua, chúa, tôi đã kỳ công đưa chúng hội tụ tại vườn “thượng uyển” của mình.

Điển hình như cặp khế của vua Gia Long (khoảng 400 tuổi), cây tùng La Hán của vua Quang Trung (600 tuổi), và những cây sanh có tuổi đời trên 300 năm, cây Đề, Bằng Lăng từ cung đình Huế mang ra, cây duối hàng trăm năm tuổi được uốn theo hình chữ tâm".

img

Tác phẩm “kết mộc vi sơn” – đây là một cây khế ta có tuổi đời hơn 200 năm đang được trưng bày tại một hội chợ cây cảnh ở Hà Nội. Theo chủ nhân của cây, cây có nguồn gốc từ Bạc Liêu và từng được công tử Bạc Liêu sở hữu.

Chị Thu (vợ anh Toàn) cũng cho biết, phải mất rất nhiều công sức mới sở hữu được cây khế ta quý hiếm như vậy.

“Cây khế này đã qua rất nhiều chủ. Rất vất vả mới mua được cây khế này, mình là người rất may mắn, người ta gọi là quý vật gặp quý nhân, thực sự cây cũng như con người cũng có linh hồn nên cây chọn chủ", chị Thu nói.

"Nguồn gốc của cây khế ta này đến bây giờ không ai rõ nhưng nó đã từng thuộc sở hữu của công tử Bạc Liêu. Ngưỡng mộ Bạch công tử, tôi tìm đọc thấy ngưỡng mộ nên quyết tâm mua bằng được",  chị Thu cho hay.

Dòng khế rất giòn, không như những loại cây khác, muốn có một cây đẹp như vậy thì những nghệ nhân xưa phải kì công chế tác. Cây khế thân mốc xù xì, u nổi, các cành đan xen vào nhau nhìn như một ngọn núi nên nó có tên "Kết mộc vi sơn". 

"Đã có một số người trong giới chơi cây biết đến, trả hơn 6 tỷ đồng nhưng tôi không bán vì mình có duyên với cây nên không muốn bán. Muốn đem trưng bày cho mọi người chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây, để biết thời xưa các cụ chơi cây kì công như thế nào", anh Toàn nói.

img

Gốc cây to một người lớn ôm không xuể, xù xì, nổi u cục . Phần gốc cây và phần thân cây phía trên được phân rõ ràng bởi các cành cây mọc chìa ra xung quanh

img

Đây là điểm nối giữa phần gốc và phần thân cây, các cành mọc u xù xì, uốn lượn, xoắn vào nhau

img

Phần ngọn cây nhỏ dần trông giống một ngọn núi

img

Thân mốc xù xì chứng tỏ cây đã nhiều năm tuổi

img

Các cành mọc ra từ thân cây phân phối hợp lý chứng tỏ các nghệ nhân xưa mất rất nhiều công sức chế tạo, uốn nắn

img

Ông Phan Văn Toàn (TP Việt Trì, Phú Thọ), chủ sở hữu cây khế cho biết, khế rất giòn nên uốn nắn rất khó. Để có được cây khế như thế này thì cây phải được trồng, uốn nắn từ khi mới trồng

img

Để uốn các cành khế, các nghệ nhân phải dùng dây sắt, nhôm bọc vải từ phần gốc cành đến phần ngọn của cành cây

img

Theo chủ nhân của cây, đây là cây số 1 ở Việt Nam khi nhắc đến dòng khế ta

img

Những mầm xanh nhỏ mọc trên thân mốc trắng

img

Nhiều du khách đứng ngẩn ngơ ngắm nhìn một tuyệt tác hiếm có ở Việt Nam. Cây chỉ đem trưng bày, đã có người trả 6 tỷ đồng nhưng chủ nhân của cây không bán

Cây ổi “vạn người mê”, trả hơn 2 tỷ đồng chủ vẫn không bán

Cây ổi hồng đào 75 năm tuổi cho ra quả chi chít, thế song hoành khiến nhiều người mê mẩn.