Dân Việt

Năm mới, nghĩ về hàng dừa soi bóng nước: Nhớ quê đến quay quắt

Cúc Tần 01/01/2018 07:05 GMT+7
Mỗi lần nghe câu hát: “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió. Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre” là tôi nhớ tới hàng dừa của nhà tôi ở quê vào những năm xưa. Hàng dừa đó được ông nội tôi trồng dọc bờ sông nên khi càng lớn dừa càng nghiêng ra dòng nước, soi bóng tha thướt vô cùng quyến rũ. Đó cũng là lúc dừa cao lớn, có thể cao tới trên hai chục thước, mà má tôi nói là “cao trật ót”, ba tôi bảo “cao mút ót”. Nơi mút ót, trật ót đó là chùm lá dừa rậm rạp tỏa ra trên thân dừa có nhiều ngấn. Ông tôi nói mỗi ngấn như vậy biểu thị cho một năm sinh trưởng của dừa, là do tàu dừa già cỗi rụng xuống lưu dấu vết.

img

Hàng dừa nghiêng nghiêng là nét đẹp miền thôn dã.  Ảnh: TL

Hàng dừa soi bóng nước là nơi tôi thường dựa lưng vào thân nó để ngắm nhìn dòng sông lơ lửng trôi trong trời chiều bảng lảng hoàng hôn. Hay những trưa hè oi ả, tôi thường mắc võng giữa hai thân dừa nằm học bài rồi thiu thỉu ngủ lúc nào không biết trong ngọn gió trời hiu hiu thổi. Để rồi giật mình thức dậy khi nghe tiếng lá dừa khô rụng cái phạch xuống gần bên. Tôi vội vàng lượm tàu dừa ấy, vô nhà rủ đứa em cùng nhau chơi trò kéo xe. Một trò chơi mà trẻ em vùng quê nầy đứa nào cũng thích.

Dừa trồng lâu năm thường bị sâu bọ, nhất là những con kiến dương làm ổ. Nên lâu lâu ba tôi kêu người “thợ” leo dừa tới làm vệ sinh cho dừa. Leo dừa bình thường rất khó, dù thân dừa có nhiều ngấn. Người kha khá, biết leo, thường dùng cái “nài” để lên tới ngọn dừa. Đó là cuộn dây dừa quai thành vòng tròn đủ đút hai chân vào kẹp chặt vừa một phần thân dừa. Cứ vậy mà người ta leo lên tới ngọn dừa. Nhưng với người “thợ”, chuyên nghiệp thì chỉ leo dừa bằng chân không.

Xa quê lâu rồi, nhưng dừa không chỉ soi bóng nước sông quê mà còn soi cả trong tâm tưởng tôi nữa, khiến tôi nhớ xứ sở quay quắt!