Dân Việt

Được tự do, người chém tài xế liên quan đến BOT Cai Lậy nói gì?

CÔNG TUẤN 21/12/2017 14:28 GMT+7
"Tôi cũng là người làm mướn giống như nhân viên bán vé, nhân viên bảo vệ trạm BOT Cai Lậy mà thôi" - ông Lê Tấn Tú nói

img

Ông Lê Tấn Tú lúc ở cơ quan điều tra

Sau khi được Cơ quan CSĐT Công an quận Cái Răng (TP Cần Thơ) ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án cố ý gây thương tích và trả tự do, ông Lê Tấn Tú (36 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cứu hộ vận tải Tú Anh) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động liên quan đến động cơ gây thương tích đối với anh Vương Quốc Tân (34 tuổi; ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).

Tại họ hăm dọa giết vợ con tôi

- Phóng viên: Lý do nào dẫn đến việc ông dùng rựa chém gây thương tích anh Tân?

- Ông Lê Tấn Tú: Tôi sẽ không bao giờ trả thù ai hết. Tôi đâu có ăn ở không rồi đi chọc ghẹo người ta. Tự nhiên kéo lại nhà tôi năm bảy chục người rồi dọa giết vợ con tôi, đốt nhà tôi. Giả sử nếu nằm trong trường hợp của tôi thì anh sẽ làm sao? Việc tôi chém gây thương tích thì đấy là lỗi của tôi. Tôi không quan tâm đến việc ai xử công bằng hay không, tôi chỉ mong luật nhân quả sẽ "xử" hành động của nhóm tài xế đó. Tại họ ép vào đường cùng nên tôi phải "xử" lại thôi, đó là chuyện bình thường. Tự nhiên nhắn lên facebook, đưa số điện thoại tôi vô và nói nào là "ổ mại dâm", bán xe này nọ, đưa hình vợ con tôi lên rồi dọa giết. Nếu là người đàn ông, khi thấy vợ con mình bị đe dọa như thế thì anh cũng làm như vậy, đúng không? Bản năng của người đàn ông là để bảo vệ gia đình, bảo vệ vợ con. 

img

Anh Vương Quốc Tân bị thương tích 9%

- Những thông tin vừa nêu, ông có cung cấp cho cơ quan điều tra chưa?

- Ông Lê Tấn Tú: Tôi đã cung cấp đầy đủ chứng cứ, hình ảnh chứ đâu thể nói chuyện không được.

- Người bị ông chém gây thương tích có từng nhắn tin xúc phạm hay đe dọa gì ông không?

- Ông Lê Tấn Tú: Tôi không biết số điện thoại của người đó. Một ngày tôi nhận cả ngàn tin nhắn nên không biết số điện thoại nào của anh Tân, số nào của người khác. Tuy nhiên, tôi xác định anh Tân là người đi chung nhóm tài xế đến nhà tôi hôm đó.

- Kể từ khi bị khởi tố, bắt giam thì công việc kinh doanh của ông thế nào rồi?

- Ông Lê Tấn Tú: Tôi nghỉ cứu hộ luôn rồi. Mai mốt mấy ông tài xế nhóm đó bị hư xe hay bị tai nạn ngoài đường thì tự đem người, đem xe xuống kéo về đi. Tôi không làm việc này thì cũng còn nhiều công việc để làm lắm, chứ đâu phải sống chết với nghề cứu nạn xe. Tại vui, thích nên tôi mới làm cái nghề này thôi. 

Tôi chỉ là người làm mướn

- Ông có thể nói rõ hơn việc cẩu xe tại BOT Cai Lậy hôm đó?

- Ông Lê Tấn Tú: Nếu ô tô của họ đúng thì không có tư cách trạm thu phí nào dám kéo xe hết. Tôi không mang xe lại kéo thì lực lượng chức năng cũng mang xe đến kéo, chứ không ai để xe đó nằm giữa đường. Đâu phải tự nhiên đậu xe mà người ta mang cẩu đến kéo. Quốc lộ 1 là đường của chung, tự nhiên anh mang xe ra đậu, gây ách tắc giao thông, gây cản trở việc cứu thương… thì có đúng không? Mặc dù xe cứu hộ của tôi có lấy tiền nhưng nhằm mục đích phục vụ công cộng. Cũng giống như xe chữa cháy người ta cũng lấy tiền, bác sĩ trị bệnh cũng lấy tiền… Tuy nhiên, nghề đó và nghề cứu hộ như tôi thì mục đích công cộng cao hơn mục đích bản thân. Tôi làm nghề này từ năm 1997 đến nay chứ đâu phải mới làm gần đây đâu.

Tôi mang xe cẩu lên chỉ mới 1 ngày nhưng thấy nhiều người phản đối tại BOT Cai Lậy quá nên rút về. Nếu có phản đối thì phản đối trạm, sao lại tìm đến "xử lý" tôi. Tôi cũng là người làm mướn giống như nhân viên bán vé, nhân viên bảo vệ trạm BOT Cai Lậy mà thôi. Tôi đâu có "xung phong" lên bảo vệ trạm BOT Cai Lậy mà kiếm chuyện với tôi. Mình nói cái gì ra cũng phải đúng pháp luật, chứ không phải hành động côn đồ, đi hăm dọa giết người khác. Tôi không có băng nhóm, bè phái. Tôi làm ăn thì đâu có rảnh mà đi làm chuyện đó.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau khi đã hẹn trước với vợ ông Tú, khoảng 10 giờ ngày 3-12, anh Tân cùng một nhóm tài xế tìm đến trụ sở Công ty Dịch vụ cứu hộ Tú Anh để gặp ông Tú nói chuyện về việc cẩu ô tô của ông Trịnh Hồng Phương, người đã đậu xe để phản đối tại trạm BOT Cai Lậy vào ngày 1-12. Tại đây, ông Tú đã lấy cây rựa chém tài xế Tân khiến cánh tay của nạn nhân bị thương, phải vào Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cấp cứu. Điều đáng nói là ông Tú chém anh Tân ngoài đường, phía trước công ty chứ không phải trong công ty của ông Tú.

Theo trình bày của ông Tú, công ty của ông có hợp đồng với BOT Cai Lậy cho thuê xe để xử lý những xe gây ách tắc tại BOT Cai Lậy. Ngày 30-11, tài xế Phương điều khiển o tô đến BOT Cai Lậy thì dừng lại đôi co với nhân viên thu phí. Thấy ách tắc, lực lượng làm nhiệm vụ yêu cầu cho xe cứu hộ vào kéo xe của ông Phương ra ngoài.

Sau đó, ông Tú liên tục nhận được những tin nhắn đe dọa của nhóm tài xế lạ mặt, trong đó có tin nhắn mang nội dung xúc phạm. Vì thế, khi thấy nhóm tài xế đến công ty, ông Tú sợ bị đánh nên đã dùng cây rựa chém vào tay, gây trọng thương anh Tân. Ông Tú bị tạm giữ hình sự ngay sau đó.

Ngày 5-12, anh Tân xuất viện và làm đơn yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Tú.

Ngày 12-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cái Răng (TP Cần Thơ) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Lê Tấn Tú.

Ngày 20-12, Cơ quan CSĐT Công an quận Cái Răng đã ra quyết định đình giải quyết vụ án và trả tự do cho ông Tú. Lý do là vì kết quả giám định thương tích của anh Tân là 9%. Trước đó, vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại (anh Tân) theo khoản 1, điều 104 Bộ Luật Hình sự. Do anh Tân rút đơn yêu cầu khởi tố nên vụ án được đình chỉ.

Anh Tân khẳng định bản thân không nhắn tin gì với ông Tú. Còn việc ai đã nhắn tin như lời ông Tú trình bày với cơ quan điều tra thì anh Tân không biết.