Chiều nay, Bộ Công an, Công an Đà Nẵng đã làm việc, khám xét nhà riêng ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm"). Một cán bộ Công an Đà Nẵng cho hay, việc khám xét do phía cơ quan điều tra Bộ Công an thực hiện, vì vậy hiện chưa thể tiết lộ điều gì.
Theo tài liệu của chúng tôi, việc mua bán nhà đất công sản ở Đà Nẵng mà Bộ Công an đang điều tra, thông tin, về hàng chục dự án, nhà đất có biểu hiện sai phạm đều dẫn tới đại gia Vũ "nhôm".
Hana Kim Đình - đấu giá duy nhất 1 lần
Những năm trước 2008, người Đà Nẵng không ai không biết nhà hàng Hana Kim Đình bởi vị trí tuyệt đẹp của nó vươn ra sông Hàn ngay dưới chân cầu Sông Hàn. Trước những năm 2005, đa phần người dân không dám bước vào Hana Kim Đình bởi giá cả ở nhà hàng này rất đắt đỏ. Năm 2009, Hana Kim Đình được đem ra bán đấu giá.
Được biết, năm 2008, do hết thời hạn hoạt động, sau khi thẩm định giá khu nhà hàng Hana Kim Đình, UBND TP.Đà Nẵng đã cho tổ chức bán đấu giá. Theo tài liệu, tháng 7.2009, Sở Xây dựng xác định tổng giá trị khu nhà, đất ở số 7 Bạch Đằng (tức Hana Kim Đình, trên thực tế, đây cũng là số lẻ duy nhất đến thời điểm này của đường Bạch Đằng, cung đường đẹp, đắt nhất Đà Nẵng) là 10,1 tỷ, trong đó, nhà hơn 600 triệu, số còn lại 9,5 tỷ là đất.
Ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm").
Ngày 10.9.2009, Hội đồng bán đấu giá nhà công sản tổ chức phiên đấu giá. Tại đây, theo đăng ký có 18 đơn vị tham gia nhưng đến phiên đấu giá chỉ còn 10 đơn vị đăng ký và nộp tiền.
Tại buổi đấu giá, mặc dù có tới 10 đơn vị tham gia nhưng ngay sau khi ông Phan Văn Anh Vũ hô 1 lần duy nhất là 10,7 tỷ (tăng 600 triệu so với giá thành phố), 9 thành viên còn lại không còn ý kiến gì khác (?).
Một chuyên gia BĐS phân tích, với vị trí đắc địa, diện tích cũng như khả năng sinh lợi nếu đem vào kinh doanh, khu đất nhà Hana Kim Đình có giá trị thực tế thời điểm đó (2009) cao gấp nhiều lần so với số tiền 10,7 tỷ. Hiện khu đất này là quán cà phê - bar Memory khá đẹp mắt thường xuyên được người dân và du khách ghé thăm.
Nhà hàng cà phê Memory.
3 năm lãi 500 tỷ
Đó là khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng. Sai phạm của dự án này đã được Thanh tra Chính phủ (TTCP) kết luận từ năm 2012 nhưng cho đến nay vẫn chưa khắc phục.
Theo tìm hiểu, khu đất có diện tích 21,5 ngàn m2 do UBND thành phố chuyển nhượng cho ông Hoàng Hải và 1 người nữa vào năm 2005 với giá 84 tỷ đồng. Đến năm 2008, ông Hải và bà Ngọc ủy quyền cho ông Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Quan khu đất trên với số tiền 581,526 tỷ. Như vậy, chỉ sau 3 năm, người được mua khu đất trên đã lãi số tiền khủng gần 500 tỷ đồng.
Theo kết luận của TTCP, việc giao đất nêu trên tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển nhượng qua lại, thu lợi hàng trăm tỷ đồng. Việc xác định giá đất thấp hơn bảng giá, không tính hệ số ngã tư làm thất thoát ngân sách hơn 28 tỷ.
Cùng với 2 kết luận trên, TTCP cũng kết luận giao Bộ Công an xác minh làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái quy định của pháp luật về đất đai và đầu tư xây dựng; hành vi chuyển nhượng trái pháp luật gây thất thu ngân sách nhà nước. Ngoài ra, nếu có dấu hiệu tội phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tại công văn (2013) phản hồi kết luận của TTCP do ông Văn Hữu Chiến (Chủ tịch UBND thành phố thời điểm đó, đã nghỉ hưu, cho rằng: ông Phan Văn Anh Vũ là người đứng ra chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Hải, bà Ngọc theo hợp đồng ủy quyền; không phải là người nhận chuyển nhượng đất của ông Hải, bà Ngọc.
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các cá nhân, tổ chức nêu trên là quan hệ dân sự giữa các bên, được cơ quan công chứng chứng thực hợp đồng, trước bạ sang tên theo quy định của pháp luật. Vấn đề này không thuộc quyền hạn và trách nhiệm của UBND thành phố Đà Nẵng.
Chỉ điểm qua vài dự án, nhà đất công sản ở Đà Nẵng đã cho thấy nhiều nghi vấn, thậm chí đã được Thanh tra Chính phủ kết luận sang nhượng trục lợi hàng chục, hàng trăm tỷ. Các dự án, nhà đất khác sẽ như thế nào, Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.