Tại sao ông lại cho rằng công tác hậu giám sát của chúng ta vẫn còn bị bỏ ngỏ?
- Theo quan sát của tôi, nhiều vấn đề sau giám sát gần như không tạo ra được sự chuyển biến đáng kể nào. Chẳng hạn, đối với các khoản chi từ nguồn ngân sách, cần phải xem khoản chi này thực hiện có đúng như lúc lập dự toán không?
Thường khi làm dự toán chi, người ta lên một bảng dự toán và đơn vị nào cũng tính hiệu quả hệ số icor, hiệu quả sử dụng vốn để mà được duyệt. Nhưng sau đó quá trình triển khai có được không, đúng kế hoạch không... thì chúng ta giám sát chưa tốt.
Một số đại biểu Quốc hội nhận xét hoạt động giám sát vừa qua chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa". Còn đánh giá của ông?
- Hiện nay giám sát của chúng ta chưa phát huy hết hiệu quả. Muốn giám sát có hiệu quả thì cần phải có sự chuyên sâu, hiểu biết cụ thể và quá trình giám sát phải liên tục trong suốt một quá trình liên tục. Chẳng hạn muốn giám sát một vấn đề phải có sự kế thừa xem quá trình giám sát của Quốc hội kỳ trước đã đến đâu, những vấn đề nào liên quan đến công tác giám sát được chuyển giao Quốc hội kỳ sau... kỳ này, quá trình giám sát mới liên tục, hiệu quả.
Theo ông, vấn đề nào Quốc hội cần giám sát hiện nay?
- Trong tổng chi ngân sách của chúng ta, chi cho đầu tư phát triển chỉ mới 20%, 80% còn lại là chi thường xuyên hầu như ít ai giám sát. Từ trước tới giờ chúng ta chỉ lo giám sát chi đầu tư phát triển, nhưng thực sự, điều tôi ưu tư và lo lắng nhiều ở chi thường xuyên. Đây mới là khoản chi khổng lồ cần tăng cường giám sát.
Phương Hà (ghi)