Dân Việt

Những phụ huynh đốt nóng “lò” giáo dục năm 2017

Tùng Anh (t/h) 23/12/2017 07:00 GMT+7
Bất bình trước những nghịch lý xuất hiện trong môi trường giáo dục của con mình, trong năm 2017, một số phụ huynh đã “bất chấp tất cả” nói lên ý kiến của mình và tạo nên những làn sóng phản ứng dữ dội trong cộng đồng.

Ông bố kiên trì tìm sự thật con bị gẫy chân

Cuối năm 2016, gia đình anh Trần Chí Dũng (Hà Nội) nhận được điện thoại của cô giáo trường tiểu học Nam Trung Yên thông báo con trai bị ngã gãy chân, đang cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Quá trình điều trị cho cháu, các bác sĩ khẳng định việc học sinh tự ngã không thể gây ra vết thương nghiêm trọng - gãy xương đùi. Cháu Kiên sau đó kể lại đã va chạm với xe Hyundai màu xanh nước biển đang di chuyển trong sân trường, nhận ra trên xe có cô hiệu trưởng và một giáo viên khác.

img

Anh Trần Chí Dũng (Ảnh: IT)

Nghi ngờ nguyên nhân gây ra chấn thương cho con trai, anh Dũng đã làm việc với nhà trường và Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy. Trong những lần làm việc này, Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc phủ nhận ngồi trên chiếc xe gây tai nạn. Nhà trường còn phát phiếu khảo sát giáo viên và học sinh, kết quả 100% cho biết không nhìn thấy cháu Kiên va chạm với ôtô nào.

Không chấp nhận những lời ngụy biện của cô hiệu trưởng, ông bố trẻ đã âm thầm đi tìm chứng cứ và kiến nghị giải quyết vụ việc lên các cấp có thẩm quyền và nhờ báo chí vào cuộc. Sau quá trình điều tra, Công an Hà Nội xác định thời điểm tai nạn, trên xe có Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và Hiệu phó Nguyễn Thị Hương. Bà Hương mặc dù biết số điện thoại của lái xe taxi, nhưng không cung cấp kịp thời cho cơ quan điều tra, có biểu hiện che giấu vụ việc như: phát phiếu khảo sát về việc không nhìn thấy xe đi trong trường ngày 1.12.2016.

Tháng 2.2017, UBND quận Cầu Giấy đã họp, thống nhất cách chức 2 lãnh đạo Trường Tiểu học Nam Trung Yên là Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và Hiệu phó Nguyễn Thị Hương. Quận cũng lựa chọn một cán bộ thuộc Phòng Giáo dục tạm thời điều hành công việc của trường.

Ông bố đề xuất bỏ Hội phụ huynh lên Chính phủ

Cho rằng Hội phụ huynh học sinh hiện đang “lạm quyền” khi đứng ra thu những khoản tiền vô lý, tháng 9.2017, ông Vũ Quốc Bình (40 tuổi, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, TP.HCM) đã viết đơn kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ đề xuất dẹp bỏ Hội phụ huynh. Ngay sau đó, ông Bình đã nhận được email của Văn phòng Chính phủ về việc đã nhận được ý kiến, sẽ chuyển cho cơ quan chức năng để giải quyết.

img

Phụ huynh Vũ Quốc Bình (Ảnh: IT)

Ông Bình cho biết, trước đó, tại cuộc họp Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 3/2 trường Tiểu học Hòa Bình, do không đủ thời gian thảo luận để thống nhất việc lót sàn gỗ cho lớp học nên ban này gửi thư ngỏ cho phụ huynh. Trong thư, Ban đại diện cha mẹ học sinh cho rằng sàn gỗ đã cũ nên buổi trưa các bé phải ngủ trên ghế. Để các em được ngủ an toàn và ngon giấc, Ban này dự kiến lót sàn gỗ cho lớp với chi phí 14 triệu đồng, chia bình quân mỗi phụ huynh đóng 400.000 đồng.

Thư này được phát cho học sinh và đưa về cho cha mẹ viết ý kiến vào. Ông Bình thẳng thắn phản hồi trong thư ngỏ rằng: "Hội phụ huynh học sinh chứ không phải hội phụ thu học sinh hay hội "họa sĩ". Tiền cơ sở vật chất hàng năm đâu?".

Theo ông Bình, vai trò của hội phụ huynh đang bị biến tướng với mục tiêu "phụ thu học sinh". Ông Bình cũng thẳng thắn ở nhiều trường, phụ huynh đứng ra thu phí thực chất họ là "cánh tay nối dài" của nhà trường nhằm hợp thức hóa các khoản phí ngoài quy định. "Tôi đề nghị nên giải tán hội phụ huynh khi họ không còn làm tốt” – ông Bình nói.

Phụ huynh "quây" hiệu trưởng đòi tiền thu sai

Sự việc diễn ra vào khoảng 9h sáng ngày 15.5 tại Trường Tiểu học Lệ Xá (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên). Theo đó, khoảng 100 phụ huynh đang có con theo học tại trường này đã quây và giữ bà Nguyễn Thị Quyên, hiệu trưởng nhà trường, tại phòng họp hội đồng. Nguyên nhân của vụ việc là do nhà trường đã có một số khoản thu không đúng theo quy định.

img

Trường Tiểu học Lệ Xá nơi diễn ra sự việc phụ huynh giữ hiệu trưởng vì lạm thu (Ảnh minh họa: IT)

Cụ thể, trong năm học 2016 - 2017, trường này đã đưa ra hàng loạt các khoản thu gây bức xúc như: Hỗ trợ tu sửa cơ sở vật chất, Khuyến học, Quỹ Đội, Quỹ Hội phụ huynh học sinh, Hỗ trợ trang thiết bị dạy học, Hỗ trợ tu sửa phòng tin học, Hỗ trợ bảo vệ, Nâng cấp dòng điện 3 pha…Điều đáng nói, phụ huynh đã phản ánh về việc bất hợp lý trong các khoản thu cho nhà trường nhưng ban giám hiệu không tiếp thu ý kiến.

Ngay sau đó, UBND huyện Tiên Lữ đã phải vào cuộc, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp xuống trường để nắm bắt tình hình.Trao đổi với báo chí sau sự việc, ông Nguyễn Thế Hưng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đã yêu cầu nhà trường trả lại toàn bộ số tiền thu sai quy định cho phụ huynh, lên đến gần 1 tỷ đồng. Các phụ huynh hoàn toàn nhất trí với phương án trên và đã đồng ý thả bà Quyên.

Cũng theo ông Hưng, sau khi kiểm tra làm rõ, huyện đã có quyết định kỷ luật giáng chức đối với bà Quyên từ hiệu trưởng xuống hiệu phó. Cũng từ những bức xúc của phụ huynh, công an huyện đã vào cuộc điều tra những sai phạm của trường này. Tháng 10.2017, vị hiệu trưởng đã bị khởi tố, bắt giam vì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và mua, bán trái phép hóa đơn.

Phụ huynh “mật phục” bắt xe chở thực phẩm bẩn vào trường học

Nghi ngờ trường sử dụng thực phẩm không an toàn cho bữa ăn bán trú, tháng 9. 2017, phụ huynh của trường Tiểu học Lý Nhân (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đã “mật phục” bắt quả tang xe chở thực phẩm bẩn đang được chở vào bếp ăn của con em mình.

Xe thực phẩm bị bắt giữ có rất nhiều củ quả đang trong tình trạng thối rữa, quả bí đã không còn tươi, su su hỏng đã mọc rễ...Thậm chí, có người đã đập thử một quả trứng, bằng mắt thường cũng có thể thấy quả trứng này rất loãng, lòng đỏ đã nát, dấu hiệu của việc trứng đã hỏng.

img

Xe thực phẩm bẩn bị phụ huynh "mật phục" bắt giữ (Ảnh: IT)

Phụ huynh đã quay clip và tung lên mạng yêu cầu báo chí và các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xử lý. Ngay khi nắm được nội dung sự việc trên, UBND huyện Vĩnh Tường đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xuống trực tiếp làm việc. Đoàn đã lấy mẫu thực phẩm mang đi xét nghiệm. Đồng thời, tạm dừng hoạt động đơn vị cung cấp thực phẩm vào các trường tiểu học trên địa bàn. Sáng nay (13.9) đoàn tiếp tục làm việc. UBND huyện Vĩnh Tường cũng yêu cầu các trường trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm túc vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cho con nghỉ học phản đối lạm thu

 Ngày 26.9, phụ huynh có con em học tại trường Mầm non xã Quảng Thái (Quảng Xương, Thanh Hóa) đồng loạt cho con nghỉ học. Trường có 15 lớp với 470 học sinh, nhưng chỉ 180 em đi học. Nguyên nhân của sự việc này là do phụ huynh phản đối  trường thu nhiều khoản không hợp lý.

img

Hàng trăm học sinh đã cho con nghỉ học để phản đối nhà trường thu nhiều khoản không đúng quy định (Ảnh: IT)

Theo nhiều phụ huynh, năm học 2017-2018 trường mầm non Quảng Thái đưa ra 17 khoản thu. Tổng mức thu đối với học sinh cũ là hơn 3,1 triệu đồng, học sinh mới hơn 3,2 triệu đồng. Phụ huynh cho rằng có nhiều khoản bất hợp lý, như tiền nước phải đóng hai lần, tiền bán trú cao hơn so với quy định, tiền ảnh nề nếp... Khoản thu xã hội hóa là tự nguyện, nhưng trường quy định mức thu tối thiểu với mỗi trẻ. Nhiều phụ huynh không đồng tình với khoản thu và chưa đóng thì giáo viên trả lời “nếu không thu được, hiệu trưởng sẽ trừ lương các cô đứng lớp”.

Ngày 19.9, nhà trường và chính quyền địa phương đã tổ chức hội nghị phụ huynh học sinh. Tại đây, cha mẹ các em đề nghị trường chấp hành đúng quy định của nhà nước và của ngành giáo dục khi đưa ra các khoản thu. Phòng GD ĐT huyện Quảng Xương sau đó thông tin, theo kết quả xác minh của Phòng GD thì Trường Mầm non Quảng Thái đã dự kiến một số khoản thu năm học 2017-2018 chưa đúng quy định gồm: Thu tiền hồ sơ trẻ, ảnh nề nếp, thẻ đón trả trẻ, quỹ lớp, trang trí lớp...

Phòng đã yêu cầu Trường Mầm non Quảng Thái không được thu các khoản trái quy định. Trường phải tự kiểm tra, rà soát các khoản thu chồng chéo, thống nhất thành một nội dung sát với yêu cầu thực tế nhà trường, địa phương và đúng công văn hướng dẫn để xin ý kiến cha mẹ học sinh, đảm bảo tính tự nguyện, dân chủ, công khai.