Dân Việt

Dở khóc dở cười với vịt... nuôi mãi không lớn

02/11/2011 13:52 GMT+7
(Dân Việt) - Giống vịt này suốt ngày chạy như bị ma đuổi, ăn thì rất khỏe nhưng không chịu lớn. Sau nhiều tháng chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nhiều con mới chỉ được 5 lạng.

Hàng nghìn hộ dân ở Thừa Thiên - Huế đang rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì bị lừa mua vịt giống với giá rẻ nhưng... nuôi mãi không chịu lớn.

Nuôi vịt ra... cò

Cơn mưa như trút nước giội xuống mái tôn gỉ sét của một quán nước bên đường qua thôn 9, xã Hương Hòa, huyện Nam Đông, cũng không át được lời bàn tán ỏm tỏi về giống vịt lạ của một nhóm người ngồi trong quán. Người bảo lỡ “dính chưởng” rồi thì ráng chịu chứ than trách gì nữa, người khác thì luôn miệng chửi rủa bọn thương lái làm ăn thất đức, lừa cả những nông dân nghèo khổ.

img
Sau hơn 3 tháng chăm sóc với chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nhưng vịt của gia đình chị Hồ Thị Hương (thôn 9, xã Hương Hòa) mỗi con chỉ nặng dăm lạng.

Câu chuyện cứ kéo dài bằng điệp khúc như thế khiến chúng tôi - những vị khách vào trú mưa - không khỏi tò mò. Lắng nghe một lúc, chúng tôi biết những người bức xúc kia là nông dân bị những kẻ buôn vịt giống lừa gạt.

Tháng 7 vừa qua, từng đoàn thương lái người Bắc chạy xe máy chở những lồng vịt giống đầy ắp mà họ bảo là giống vịt siêu nạc vượt núi lên huyện Nam Đông tiêu thụ. Những người này chở vịt đến khắp các ngõ ngách của các bản làng rao bán, thuyết phục, hứa hẹn để người dân mua.

Thấy hàng trăm hộ dân ở địa phương hào hứng mua vịt, chị Nguyễn Thị Hương ở thôn 9, xã Hương Hòa, cũng dùng 750 nghìn đồng tằn tiện dành dụm được để mua 50 con vịt thả nuôi. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 3 tháng dày công chăm sóc, đàn vịt của chị vẫn bé như hồi mới mua.

Dẫn chúng tôi ra xem đàn vịt giống như bầy chim cuốc đang chạy hỗn loạn sau vườn, chị Hương cười như mếu: “Giống vịt này lạ lắm, suốt ngày chạy như bị ma đuổi, ăn thì rất khỏe nhưng không chịu lớn. Sau nhiều tháng chăm sóc bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nhiều con mới chỉ được 5 lạng”.

Chị Hương kể, khi mua từ các thương lái, những con vịt này nom rất giống vịt siêu nạc với các đặc điểm như mỏ hồng, chân và lông màu vàng… Nhưng càng nuôi, đàn vịt càng không giống với bất cứ giống vịt nào chị từng nuôi.

Nghe hỏi chuyện vịt lạ, anh Lợi sống gần đó bảo rằng ở Hương Hòa người dân mua phải giống vịt này nhiều lắm và nhà nào cũng đang trong cảnh cười ra nước mắt. Riêng gia đình anh mua nuôi 30 con từ hơn 3 tháng nay giờ đang trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

“Vịt siêu nạc nuôi 3 tháng đã nặng 3-4 kg/ con, nhưng loài vịt này nuôi chừng ấy thời gian mà có con chỉ mới nặng… 2 lạng. Không chỉ nuôi mãi không lớn, giống vịt này còn có đặc điểm là gầy đét và có chân và cổ dài như… loài cò”- anh Lợi kể.

Ăn không được, bán không xong!

Chị Trần Thị Hải ở thôn 11, xã Hương Hòa kể, ban đầu thấy nhiều người mua giống vịt này nuôi, chị cũng mua 20 con với giá 13 nghìn đồng/con, rẻ hơn vịt siêu nạc thật 5-7 nghìn đồng/con. Vài ngày sau, nhiều thương lái chở vịt giống đến tận nhà gạ chị mua tiếp, chị bảo không có tiền thì những người này liền hạ bán cho chị 60 con chỉ với giá 30 nghìn đồng. Mừng vì mua được giống vịt “siêu nạc” giá rẻ bất ngờ, được vài tháng gia đình chị mới biết mình bị lừa.

img
 

Theo tính toán của chị Hải, mỗi ngày tiền thức ăn cho đàn vịt 50 con mất từ 40-50 nghìn đồng, nên tổng cộng 3 tháng gia đình chị đã mất hơn 4 triệu đồng tiền thức ăn cho đàn vịt, chưa kể công sức bỏ ra hàng ngày. Vậy nhưng đến nay, do con vịt nào cũng bé xíu, da bọc xương nên chị đem bán không ai mua mà giết thịt thì chưa ăn được.

“Vịt siêu nạc chỉ sau 2 tháng đã bán được 170-200 nghìn đồng mỗi con, còn vớ phải vịt này thì bán không ai mua, ăn cũng không được”- chị Hải than thở.

Theo nhiều người dân ở huyện Nam Đông, nhiều thương lái chở giống vịt này lên đây bán còn lừa đây là giống vịt xiêm bằng cách… bôi phẩm màu vào lông vịt. Vì vậy, sau khi mua vịt giống được mươi ngày, các hộ dân mới phát hiện giống vịt mình mua không phải là vịt xiêm vì phẩm màu trên lông vịt đã phai hết. Tuy nhiên, khi phát hiện ra sự việc thì những người bán vịt đã… cao chạy xa bay.

Theo số liệu của Trung tâm Khuyến nông huyện Nam Đông, chỉ tính riêng các xã Hương Hòa, Hương Lộc và thị trấn Khe Tre, đã có hơn 2.000 con vịt lạ được thương lái lừa bán cho người dân, còn tính trên toàn huyện thì số lượng này rất lớn. Ông Nguyễn Hữu Ánh - Phó trạm Khuyến nông huyện, cho biết: “Trung tâm đã cử lực lượng chuyên môn đi kiểm tra nhưng chưa thống kê được cụ thể thua lỗ của người dân. Đây là lần đầu tiên lực lượng của trạm phát hiện giống vịt lạ này”.

Cũng như huyện miền núi Nam Đông, tại các huyện Phú Lộc, Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy…, cũng có hàng nghìn hộ dân bị lừa mua giống vịt nuôi mãi không lớn. Đây là những “bãi đáp” đầu tiên của giới thương lái bán vịt lạ nên vịt lạ tại đây đã được người dân thả nuôi một thời gian dài. Tại nhiều chợ khu vực nông thôn ở các địa phương này, hàng ngày có rất nhiều người dân mang những con vịt bé xíu sau nhiều tháng thả nuôi ra chợ bán để vớt vát phần nào thiệt hại, nhưng rồi phải lủi thủi mang trở về vì không ai chịu mua.

Lỗ hổng quản lý

Theo ông Nguyễn Hữu Ánh, nhiều khả năng đây là giống vịt từ Trung Quốc đưa vào nước ta. “Đây có thể là giống vịt siêu trứng của Trung Quốc, con nái người ta giữ lại để sinh sản, còn con đực lẽ ra phải thải đi nhưng họ mang đi bán”.

Ông Ánh cho rằng, việc vịt lạ xâm nhập vào địa bàn gây thiệt hại cho người dân là trách nhiệm của Sở NNPTNT và Phòng NNPTNT huyện. “Chúng tôi không rõ Phòng NNPTNT đã giao trách nhiệm kiểm tra cho lực lượng thú y hay chưa. Riêng trạm thì đang tham mưu UBND huyện yêu cầu các xã khuyến cáo người dân mua giống có nguồn gốc, và các ngành chức năng quản lý vấn đề giống để người dân không bị thiệt hại”- ông Ánh cho biết thêm.

Đây có thể là giống vịt siêu trứng của Trung Quốc, con nái người ta giữ lại để sinh sản, còn con đực lẽ ra phải thải đi nhưng họ mang đi bán.

Để tìm hiểu nguồn gốc cụ thể loài vịt lạ này, phóng viên NTNN đã liên hệ với một số quan chức ngành nông nghiệp cấp huyện và cấp tỉnh ở Thừa Thiên - Huế, nhưng phần nhiều đều “chưa nắm thông tin”. Như ông Bạch Văn Khai - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phú Lộc, khi được hỏi đã nói rằng ông mới nghe thông tin từ phóng viên nên chưa biết cụ thể tình trạng này ở địa phương như thế nào.

Ông Đặng Ái - Trưởng phòng Chăn nuôi Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, giống vịt không rõ nguồn gốc trên không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn. “Hiện chúng tôi vẫn chưa nắm cụ thể đây là giống vịt gì. Vì lực lượng của phòng chỉ có 2 người nên khó đi kiểm tra thực tế”- ông Ái giải thích.

Theo ông Ái, trách nhiệm kiểm dịch các nguồn giống đưa vào địa bàn là của các chốt kiểm dịch của Chi cục, nhưng nếu các thương lái cố tình trốn tránh thì lực lượng kiểm dịch cũng bó tay. Vì vậy, chính quyền các địa phương và thú y cơ sở phải nắm rõ các nguồn giống vật nuôi đưa vào địa bàn.