Người dân có thể bảo vệ nhà cửa chống bão bằng một số biện pháp sau:
- Giảm thiểu tốc mái bằng bao cát. Đối với nhà có độ dốc mái lớn, dùng các bao cát đóng lỏng có trọng lượng từ 15 - 20kg, nối với nhau bằng dây và đặt vắt qua mái nhà sao cho các bao cát nằm sát trên đầu tấm lợp hoặc mép tiếp giáp của các tấm lợp. Khoảng cách giữa các bao cát là 1,5m ở vùng giữa mái và 1m ở phần mép mái. Đối với nhà có độc dốc mái nhỏ, làm tương tự như trên nhưng không cần dùng dây nối các bao cát với nhau.
- Giảm thiểu tốc mái tôn, fibroximang bằng thanh nẹp: Đặt lên mái các thanh nẹp cách nhau khoảng từ 1,5 - 2m tại mép chồng lên hai tấm lợp. Đục lỗ tại các đỉnh mút tấm lợp, dùng thép đường kính 2mm buộc thanh nẹp vào xà gồ, đòn tay. Dùng vữa xi măng hoặc keo chống dột để bít lỗ đục tấm lợp.
- Giảm thiểu tốc mái, đổ mái bằng giằng chữ A kết hợp dây neo xuống đất: Với mái nhà tôn, fibroximang, đặt các thanh chặn ngang bằng cây, gỗ, thép lên mái cách nhau khoảng 1m. Đặt tiếp các giằng chữ A, đỉnh chữ A nằm tại nơi tiếp giáp giữa hai mái nhà, cách nhau khoảng 2,5m lên thanh chặn. Cột chặt thanh chặn và thanh giằng bằng dây thép hoặc các loại dây khác, sau đó dùng dây thép hoặc dây thừng, chão neo giằng chữ A vào các cọc cây đóng sâu xuống đất từ 1 - 1,5m.
- Bịt kín cửa và các khe hở chống gió lùa vào nhà. Cài chặt chốt cửa ra vào, cửa sổ neo cửa bằng đòn cây vào từng nhà để phòng gió lùa làm bung cửa. Dán cửa kính bằng băng keo bản rộng để giảm thiểu vỡ kính. Bịt các khe hở giữa đỉnh tường và mái, những lỗ thông gió trên tường, đầu hồi và trên cửa.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhận định, một vấn đề bất lợi trong công tác ứng phó bão số 16 ở các tỉnh Nam Bộ là địa hình bằng phẳng, bão vào có khả năng gây tổn thương vô cùng lớn. Đây cũng là khu vực từ trước đến nay ít phải đối mặt với bão nên các công trình công cộng, dân sinh, đặc biệt là nhà dân có khả năng thích ứng thấp, rất dễ bị tàn phá bởi bão.