Dân Việt

Trưởng Ban Tổ chức TƯ: Cứ trong sáng, làm Bí thư Tỉnh ủy không khó!

P.Thảo 25/12/2017 17:50 GMT+7
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính chia sẻ, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lâm Phương Thanh khi được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn than “khó lắm”. Ông Chính động viên “cứ vô tư làm bằng cái tâm trong sáng thì không có gì khó, nếu động cơ sai thì mới khó”…

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chia sẻ câu chuyện đó tại hội nghị giao ban công tác dân vận khối MTTQ VN và các tổ chức chính trị xã hội năm 2017, triển khai thực hiện nghị quyết TƯ 6 diễn ra hôm nay, 25.12.

img

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính: "Kiểm soát quyền lực, cách tốt nhất chính là công khai minh bạch".

Không thể đi vay tiền để tăng lương

Nói về vấn đề đổi mới bộ máy cho gọn nhẹ trong thời cách mạng khoa học công nghệ 4.0, ông Phạm Minh Chính kể, thời ông đi học, cả huyện chỉ có 1 kế toán, 1 thủ quỹ để làm toàn bộ công việc tài chính ngành giáo dục.

Ông Chính so sánh, giờ đưa ra mô hình trực thuộc có kế toán, thủ quỹ nhưng ngịch lý khi có những trường tiểu học, chi tiêu có 9-10 triệu đồng/tháng nhưng kế toán trưởng và thủ quỹ lương tháng vẫn phải trả 12 triệu đồng.

“Tôi hỏi vị kế toán, thủ quỹ đó nhà chi tiêu bao nhiêu mỗi tháng thì nhận được câu trả lời là chi tất cả 12-13 triệu cả 4 người. Tôi hỏi vậy có cần kế toán và thủ quỹ không thì kế toán, thủ quỹ… cười. Vậy tại sao một trường chi tiêu ít hơn lại vẫn phải có kế toán, thủ quỹ?” – ông Chính nêu vấn đề.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương băn khoăn, giờ việc trả lương được thực hiện bằng thẻ, chi tiêu mua sắm bằng công nghệ điện tử rồi mà vẫn hình thành bộ máy cồng kềnh, thậm chí nhiều hơn cả thời bao cấp. Kêu gọi sự đổi mới để thích ứng với tình hình, ông Chính nhận định, làm gì mới cũng khó, cái gì cũng có người chống nhưng đổi mới mà không có người chống thì không phải đổi mới mà nhiều khi phải hy sinh.

Đề cập đến việc tinh giản bộ máy theo nghị quyết trung ương 6, Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính cho rằng bộ máy đang tiêu tốn ngân sách rất lớn, chiếm đến 65%.

“Trong 10 năm qua, chi thường xuyên tăng lên và chi cho phát triển giảm xuống, mà chi cho đầu tư giảm thì phải đi vay, dẫn đến tăng nợ công. Chúng ta cứ bàn lương mãi, nhưng không có nguồn để tăng. Nếu chúng ta không giảm chi thường xuyên xuống thì không có nguồn để cải cách tiền lương, chẳng lẽ lại đi vay để cải cách tiền lương” - ông Chính nói.

Ông Chính khẳng định dư địa để tinh giản biên chế còn rất lớn: "Sắp xếp lại đội ngũ văn phòng, nhất định không có phòng trong vụ; cấp phó cũng rà soát lại. Thực tế từ ban tôi cho thấy cũng đơn giản thôi, trước là 7 phó ban, giờ chỉ có 3 cũng thấy ổn cả".

Ban Tổ chức “duyệt” mấy nghìn con người sao được?

Trưởng Ban Tổ chức TƯ “đặt hàng” MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội cùng làm 2 vấn đề mới trong xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức, đó là việc kiểm soát quyền lực và nắm bắt tình hình về công tác các bộ.

Ông cho rằng, vừa rồi để xảy ra các vụ việc “đau xót” là do quyền lực không được kiểm soát.

Theo đó, muốn kiểm soát quyền lực, trước hết phải xây dựng quy định, quy chế. Từ đầu khoá đến giờ, dưới sự chỉ đạo của BCH TƯ, Bộ Chính trị đã xây dựng 7, 8 quy định mới thay quy định cũ về công tác cán bộ, quy trình cán bộ.

Ông dẫn chứng quy định 105 phân cấp, đồng thời xác định luôn trách nhiệm của cơ quan tham mưu, cơ quan thẩm định, cơ quan quyết định công tác cán bộ.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu con số, trước đây, Ban Tổ chức có nhiệm vụ phải xem xét phê duyệt khoảng 12.000 cán bộ cấp uỷ viên và hơn 2.000 là cán bộ thường vụ cấp uỷ. Ông Chính chỉ rõ: “Thế thì làm sao làm được mà chỉ hợp thức hoá cái sai thôi, đúng không sao nhưng sai thì hợp thức hoá. Người tốt họ viết tốt thì đúng, nhưng người tốt họ không thích thì viết xấu thì mình cũng duyệt, mấy nghìn con người sao nắm được”.

Ông đặt câu hỏi, tại sao nhiều nơi đưa con em, cháu chắt của cán bộ lại làm đúng nơi thuộc thẩm quyền quản lý của người đó. Quyền đó có phải của Ban Tổ chức đâu. Ban được giao chức vụ, thay mặt tổ chức, nhà nước nhưng nhiều người cứ nghĩ đó là quyền của cơ quan này, như là của nhà, là tài sản riêng ban phát, xin cho, đưa người nhà vào... Chính vì suy nghĩ thế mà sai phạm.

Vấn đề kiểm soát quyền lực, cách tốt nhất theo Trưởng Ban Tổ chức TƯ chính là công khai minh bạch.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng chia sẻ chuyện, nguyên Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Lâm Phương Thanh khi được phân công làm Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn than “khó lắm”. Ông Chính động viên “cứ vô tư làm bằng cái tâm trong sáng thì không có gì khó, nếu động cơ sai thì mới khó”…