Dân Việt

“Bỏ rơi” V.League, Toyota ký hợp đồng 454 tỷ đồng với Thai-League

Đông Hưng 26/12/2017 19:06 GMT+7
Toyota quyết định dừng tài trợ cho V.League vì lý do gặp khó khăn về tài chính. Thế nhưng chỉ sau đó ít ngày, họ lại quyết định chi bộn tiền cho Thai-League (giải VĐQG Thái Lan). Rõ ràng, hãng xe hơi của Nhật Bản đã không còn hứng thú với giải đấu số 1 Việt Nam.

Ngày 23.12 vừa qua, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cho biết, Toyota sẽ không còn là nhà tài trợ V.League 2018. Được biết, ngay sau khi tiếp quản vị trí chủ tịch hội đồng quản trị VPF khóa III giai đoạn 2017-2020, ông Tú đã làm việc với đại diện của Toyota về việc gia hạn hợp đồng tài trợ cho V.League. Tuy nhiên, đôi bên đã không tìm được tiếng nói chung và quyết định ngừng hợp tác. Lý do phía Toyota đưa ra là họ gặp khó khăn về mặt tài chính.

img

V.League ngày càng trở nên xấu đi trong mắt NHM. Ảnh: IT.

Thế nhưng, lý do gặp khó khăn về tài chính của Toyota dường như chỉ là cái cớ để “chia tay” V.League khi không tìm thấy nhiều sự hiệu quả. Bằng chứng là hãng xe hơi này vừa quyết định gia hạn hợp đồng tài trợ thêm 4 năm với Thai-League (giải VĐQG Thái Lan) và nâng mức tài trợ hàng năm lên thành 5 triệu USD/năm (khoảng 113 tỷ đồng/năm và 454 tỷ đồng/4 năm). Nên nhớ rằng, trong 3 mùa tài trợ cho V.League, mỗi năm Toyota chỉ bỏ ra khoảng 40 tỷ đồng.

Trước đó, Toyota đã tài trợ cho Thai-League 24 triệu USD – tức 8 triệu USD/mùa (tương đương 171 tỷ/mùa), gấp khoảng 5,7 lần số tiền tài trợ cho V.League trong 3 mùa giải từ 2013 đến 2015.  Chính xác theo thông tin báo chí Thái Lan năm 2013, Toyota ký hợp đồng tài trợ cho Thai Premier League và được khuyến mại thêm giải League Cup (tức Cúp Quốc gia) với tổng số tiền 240 triệu bath (8 triệu USD). Dù lần này giá trị tài trợ có giảm nhưng một lần nữa khẳng định, Thai-League là điểm đến tin cậy của Toyota, trong khi V.League đã bị bỏ qua.

Thực tế trong vài năm trở lại đây, bóng đá Thái Lan đã nâng cấp toàn bộ giải đấu từ mặt sân, công tác tổ chức, hệ thống thi đấu, chất lượng đội bóng chuyên nghiệp và chất lượng cầu thủ cùng sức hút từ phía khán giả đến với Thai-League thì bóng đá Việt Nam lại đi ngược lại. Đến đây có lẽ cần nhắc lại nhận xét và những câu hỏi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về V.League là tại sao đội vô địch lại không được AFC cho đá giải châu Á; còn thứ bóng đá nhường điểm, “vỗ vai” nhau không? Công tác trọng tài, công tác tổ chức đã thực sự nghiêm túc và chuyên nghiệp chưa?…

Sau khi Toyota không còn là nhà tài trợ V.League 2018, VPF hứa hẹn đứng trước nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác mới. Đặc biệt vào thời điểm hiện tại, những doanh nghiệp đủ tiềm lực chi ra 40 tỷ đồng/ năm cho V.League là điều không đơn giản. Những ngày tới đây, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cùng các cộng sự sẽ phải làm việc cật lực để tìm nhà tài trợ mới, đồng thời để giải đấu năm 2018 có thể diễn ra theo đúng lịch dự kiến.