Theo ông Phan Đăng Long, việc đổi giờ này thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo TP.Hà Nội và đã được nghiên cứu kỹ. Khác với đề xuất trước đó của Bộ GTVT, đề xuất này không phân chia giờ học của nhóm học sinh, sinh viên các trường ĐH - CĐ, trung học chuyên nghiệp - dạy nghề và THPT theo quận, mà được áp dụng chung một múi giờ; giờ làm việc của cán bộ, công chức cũng không thay đổi.
Ông Phan Đăng Long cho biết thêm: “Việc đổi giờ này cũng chỉ là một trong nhiều biện pháp để giảm ùn tắc giao thông. Điều quan trọng là phải cải thiện được cơ sở hạ tầng. Theo tôi, chia thành ba nhóm là hợp lý bởi nếu khoảng cách thời gian giữa các nhóm chỉ là 30 phút thì không giải quyết được gì mà ít nhất chênh lệch phải là 1 giờ. Ngoài ra, sự thay đổi này cũng kéo theo sự điều chỉnh về giờ và lượng xe buýt để việc vận chuyển đạt hiệu quả”.
Cùng ngày, Thành ủy Hà Nội ra Thông báo kết luận về việc điều chỉnh giờ làm, giờ học và giờ kinh doanh trên địa bàn thành phố. Theo đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất đề xuất của UBND thành phố xác định 3 nhóm đối tượng chủ yếu để điều chỉnh là hợp lý. Ba nhóm đối tượng gồm:
Nhóm thứ nhất gồm học sinh, sinh viên các trường ĐH - CĐ, trung học chuyên nghiệp - dạy nghề và THPT, bắt đầu học từ 7 giờ, tan học lúc 18 giờ.
Nhóm thứ 2 gồm các trung tâm thương mại, cơ quan dịch vụ, tài chính ngân hàng, bắt đầu mở cửa từ 9 giờ, đóng cửa sau 22 giờ.
Nhóm thứ 3 gồm công chức, viên chức, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS… cùng làm việc và học tập từ 8 giờ, kết thúc lúc 17 giờ, nghĩa là vẫn giữ nguyên khung giờ như cũ.
Thành ủy yêu cầu UBND thành phố cần khẩn trương hoàn chỉnh phương án, mời các bộ, ngành liên quan cho ý kiến, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi của người dân. Nếu hoàn thành sớm, Thành ủy đề nghị Chính phủ cho thực hiện từ 1.12.2011 hoặc 1.1.2012. Ngoài ra, Thành ủy cũng yêu cầu UBND thành phố tiếp tục đề xuất với T.Ư về các giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, vấn đề nhập cư, mức phí giao thông...
Long Nguyên