Dân Việt

Lo rừng chỉ còn trên giấy

02/11/2011 16:22 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm qua (1.11), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án “Trồng mới 5 triệu ha rừng”, đồng thời cho ý kiến về “Kế hoạch phát triển và bảo vệ rừng giai đoạn 2011-2020” theo đề nghị của Chính phủ. Không ít đại biểu đã phải thốt lên: “Rừng của ta còn ít thật!”.

Quy hoạch 3 loại rừng còn bất cập

Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội ngày 31.10 chỉ rõ, thực hiện Dự án (DA) 5 triệu ha rừng, các địa phương đã tiến hành sắp xếp, quy hoạch 3 loại rừng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều đại biểu, công tác quy hoạch vẫn còn nhiều bất cập.

img
Không trông được vào nghề rừng, người dân phải phá rừng để trồng ngô. Ảnh chụp tại Lâm Đồng.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nêu ý kiến: “Chúng ta đã có chính sách giảm khai thác gỗ trong tự nhiên, nhưng lại không có chính sách quy hoạch vùng rừng sản xuất, rừng nguyên liệu thay thế, dẫn đến cung vượt cầu, từ đó làm gia tăng số vụ vi phạm về bảo vệ rừng như tình hình chặt, phá rừng trái phép diễn ra ngày càng nghiêm trọng”.

Đại biểu Đồng cho rằng: “Quy hoạch 3 loại rừng còn rất nhiều bất cập, khi chúng ta bố trí diện tích rừng phòng hộ nhiều quá, trong khi rừng đặc dụng và rừng sản xuất lại bố trí thấp. Vì thế, cần phải tăng diện tích rừng sản xuất lên”.

Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) đề xuất: “Trong giai đoạn tới, Chính phủ cần có giải pháp toàn diện hơn để phát triển rừng, trong đó đặc biệt chú ý đến vấn đề quy hoạch, phải chia lại 3 loại rừng, đặc biệt phải quy hoạch vùng nào không được làm các dự án thủy điện”.

Xác định lại con số báo cáo

Theo báo cáo của Chính phủ, độ che phủ rừng cả nước đã đạt 39,5% vào năm 2010. Con số này đã bị một số đại biểu đặt câu hỏi nghi vấn có phải là con số thực không?

Đại biểu Nguyễn Văn Hiện (Sơn La) nhận xét: “Báo cáo cho rằng độ che phủ rừng đạt gần 40%, nhưng tôi nghĩ cần phải xem lại con số này, xem liệu việc tổng kết, báo cáo có đúng không. Nói là che phủ, nhưng phải xem thế nào là che phủ? Như các anh ở bên Ủy ban Quốc phòng- An ninh nói, bây giờ đi máy bay, cứ chỗ nào rừng xanh thì của nước ngoài trồng và quản lý, tôi cũng đi máy bay nhiều lần và quan sát thấy đúng là rừng của ta còn ít thật”.

Hầu hết các đại biểu Quốc hội đồng ý với Chính phủ về đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết kết thúc DA 5 triệu ha rừng. Song theo đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh): “Chúng ta kết thúc DA, nhưng phải có đánh giá kết quả, rồi xem có phải tiến hành kiểm toán DA không. Việc phát triển, bảo vệ rừng cần được tiến hành như thế nào. Một vấn đề nữa là kiểm kê rừng, hiện chúng ta vẫn ít chú trọng đến việc kiểm kê các diện tích rừng bị chặt, phá”.

Đại biểu Y Mửi (Kon Tum) thì lo ngại về vấn đề xâm lấn diện tích rừng hiện nay. “Công ăn việc làm của nông dân rất khó khăn, nên họ phá rừng để trồng cây nông sản, bởi chúng ta chỉ chi cho mỗi hộ gia đình có 200.000 đồng để giao khoán cho việc khoanh nuôi là quá thấp. Để xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng giai đoạn tới, theo tôi cần phải thực hiện theo cơ chế Chương trình Mục tiêu quốc gia” - đại biểu Y Mửi nêu rõ.

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) đề xuất: “Trong chương trình về bảo vệ, phát triển rừng tiếp theo cần phải tính toán xem nguồn vốn có tương xứng không. Đồng thời, cũng nên “cắt khúc” chương trình ra thành 2 giai đoạn, chứ không nên để cả một giai đoạn dài từ 2011-2020”.

ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam): Dứt khoát không cho thuê

Ở Quảng Nam đã từng cho nước ngoài thuê đất trồng rừng ở huyện Tây Giang, nhưng sau khi có chủ trương của Chính phủ, Quảng Nam đã dừng lại ngay. Theo tôi, đối với người nước ngoài thuê đất trồng rừng, dứt khoát không cho. Đối với 289.000ha đã lỡ cho thuê rồi đành thôi, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ diện tích này. Còn hiện tại, sau này và cả thế hệ mai sau cũng dứt khoát, không được cho người nước ngoài thuê đất trồng rừng.

ĐB Nguyễn Văn Hiện (Sơn La): Phải báo cáo việc cho nước ngoài thuê rừng

“Tôi thấy, vừa qua chúng ta cho nước ngoài thuê đất trồng rừng với giá chỉ có 180.000 đồng/ha là quá bất bình thường. Theo báo cáo thẩm tra, việc này là quá sai, nếu như vậy Chính phủ phải trả lời trước Quốc hội về việc này, bởi đây đúng là những vấn đề rất bất thường. Hôm ở trong Quốc hội, tôi có hỏi một thành viên Chính phủ bảo vì sao không báo cáo Quốc hội việc này, vị đó nói là rất khó báo cáo, để tôi báo cáo riêng với anh, nhưng đến nay đã hơn 1 tuần, tôi vẫn chưa nhận được ý kiến của thành viên đó. Chúng ta cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân của việc trên và phải có ai chịu trách nhiệm về việc này chứ, nếu là chủ trương đúng thì phải có lý giải cho Quốc hội hiểu, còn nếu sai thì phải xử lý”.

ĐB Lê Hiền Vân (Hà nội) - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh thủ đô: Nên ưu tiên doanh nghiệp trong nước

“Theo tôi được biết, tất cả những dự án cho nước ngoài thuê đều qua Bộ Quốc phòng thẩm định, cái nào liên quan đến an ninh quốc phòng đều không được triển khai. Nó cũng có cái lợi là giải quyết được khâu vốn, phát triển rừng, giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, các hộ nghèo. Tuy vậy, ta không nên triển khai ồ ạt, cho nước ngoài thuê rừng tràn lan như hiện nay với số lượng hiện đã lên tới gần 290.000ha trên khắp cả nước. Nội lực mình cũng có, tại sao không ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước trước đã.