Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh) phát biểu: “Theo con số mà các địa phương đưa lên hiện nay thì, diện tích đất lúa chỉ còn 3,6 triệu ha, trong khi điều hành vĩ mô ở T.Ư, chúng ta yêu cầu giữ 3,8 triệu ha. Vậy vấn đề ở đây là, cần phải rà soát xem 3,8 triệu ha là ở đâu, chỗ nào là đất nông nghiệp, rồi đất xen với nông nghiệp. Chúng ta cứ quy hoạch rồi giao cho các địa phương quản lý, sau này đất sẽ rất manh mún”.
Trong khi đó, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) nói: “Tôi đã đi đồng bằng sông Cửu Long và Nam Định, đi đến đâu họ cũng đề nghị chỉ nên giữ 3,6 triệu ha, nhưng chúng ta cứ yêu cầu 3,8 triệu ha, chắc chắn các địa phương có nhiều đất lúa sẽ phản đối và có ý kiến. Theo tôi, chúng ta vẫn nên giữ 3,8 triệu ha, nhưng phải xem xét lại cơ cấu sử dụng đất”.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, chúng ta không nên nhượng bộ các địa phương, bởi nếu giảm diện tích lúa nữa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) nhận định: “Theo kịch bản nước biển dâng, đất lúa nước ta sẽ mất rất nhiều, trong khi dân số thế giới đã đạt 7 tỷ người, Việt Nam sắp tới sẽ đạt 100 triệu người và dự kiến giữ vững 120 triệu. Vì vậy, phải đảm bảo cho đủ lương thực cho ăn uống, chăn nuôi. Ngay cả 3,8 triệu ha rồi cũng thiếu, nên dứt khoát không thể hạ xuống 3,6 triệu ha được, hạ nữa sau này con cháu chúng ta sẽ đói”.
Về giải pháp giữ đất lúa, đại biểu Nguyễn Văn Hiện (Sơn La) cho rằng, nên học tập kinh nghiệm của châu Âu. “Nhiều nước châu Âu dù diện tích đất họ còn rộng, nhưng họ vẫn có kế hoạch bảo vệ đất rất chặt chẽ. Chẳng hạn như doanh nghiệp muốn lấy đất nông nghiệp thì phải có trách nhiệm cải tạo một diện tích tương đương, thậm chí gấp 2 lần diện tích thu hồi để bù đắp. Còn ở nước ta, việc lấy đất nông nghiệp quá dễ dàng, đã đến lúc chúng ta cũng phải có giải pháp bảo vệ đất lúa nghiêm ngặt hơn”.
Ngọc Lê