Dân Việt

Cải cách của PGS Bùi Hiền kỳ quái: Trần Thanh Tài thành Cần Qan' Tài

Nguyễn Sương 27/12/2017 09:12 GMT+7
Nhiều người tỏ ý trân trọng thành quả nghiên cứu suốt 40 năm của PGS.TS Bùi Hiền, nhưng không đồng tình với đề xuất này vì nó tạo ra các biến tấu kỳ cục.

PGS.TS Bùi Hiền - nguyên phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại Ngữ - vừa công bố bản nghiên cứu trọn vẹn về cải tiến tiếng Việt. Tương tự với việc công bố bản phụ âm kiểu mới cách đây một tháng, bản đầy đủ tiếp tục khiến dư luận xôn xao.

Hầu hết người đọc phản đối, nhưng cũng có không ít người bày tỏ sự trân trọng tâm huyết suốt 40 năm qua của ông.

Tiếng Việt mới kỳ quặc, lai căng

Phần lớn độc giả của Zing.vn không đánh giá cao bản cải tiến tiếng Việt cùng tính khả thi của nó.

Nhiều dân mạng cảm thấy không hài lòng khi tác giả Bùi Hiền căn cứ vào cách nói của miền Bắc, cụ thể là Hà Nội, để giải thích việc rút gọn một số phụ âm thường gây nhầm lẫn như "tr/ch", "s/x".

img

Bảng chữ cái mới theo cải cách của PGS.TS Bùi Hiền. Đồ hoạ: Minh Trí. 

Trong khi đó, người dân vùng miền khác cùng những người miền Bắc phân biệt rất rõ sự khác biệt của các âm này.

Vì thế, Thu Hương nhận định bản cải tiến tiếng Việt chưa bao quát và lý do tránh nhầm lẫn trong phát âm không đủ sức thuyết phục.

Ngoài ra, lập luận tiếng Việt mới dễ nhớ, dễ đọc của PGS.TS Bùi Hiền cũng không nhận được sự ủng hộ từ dư luận. Không ít người cho rằng việc sử dụng một phụ âm thay thế cho hai hoặc ba phụ âm ban đầu sẽ khiến người đọc mất thời gian suy luận xem từ đó biểu thị nghĩa nào.

Ví dụ, khi bắt gặp từ "za", người đọc sẽ phải suy nghĩ thêm nó là "da" (da dẻ), "ra" (ra vào) hay "gia" (gia đình).

Bên cạnh đó, cách viết mới dễ gây nhầm lẫn ở một số từ và khó đánh vần. Mặc dù PGS.TS Bùi Hiền giải thích tiếng Việt do ông đề xuất chỉ ảnh hưởng đến cách viết còn cách phát âm vẫn được giữ nguyên, nhiều người vẫn không hài lòng khi hàng loạt từ, bao hàm tên riêng của họ, bị biến tấu một cách kỳ cục.

"Em không phải nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, cũng không có kiến thức về hệ thống chữ viết, phát âm. Nhưng em thấy hệ thống ngôn ngữ mới có vấn đề nên sẽ không ủng hộ. Ví dụ, Trần Thanh Tài = Cần Wan' Tài; khúc khích = xúk xík = xúc xích…", một độc giả bày tỏ.

img

Nhiều người không chấp nhận cách viết mới vì nó biến tấu từ ngữ vốn có thành những từ kỳ quái. Ảnh chụp màn hình.

Không ít người cho biết họ phản cảm với tiếng Việt mới khi việc sửa đổi hệ thống chữ cái khiến cách viết có vẻ "lai căng", đánh mất tính thẩm mỹ vốn có.

Yếu tố văn hóa cũng là nguyên nhân dân mạng phản đối việc sửa đổi quốc ngữ. Với họ, tiếng Việt đã thấm nhuần vào máu thịt, cần được giữ gìn.

Không những thế, việc sửa hệ thống chữ viết dẫn đến nhiều hệ lụy, tiêu tốn không ít để biên soạn lại hệ thống văn bản, sách, tư liệu. Do đó, dù cách viết mới tiết kiệm 8% giấy, mọi người vẫn cho rằng đổi chữ viết sẽ mất nhiều hơn được.

Phần lớn dân mạng phản đối đều kêu gọi tác giả "nghĩ lại" vì không phải ngẫu nhiên hơn 90% người phản đối đề xuất của ông. Họ khẳng định đề xuất thiếu thực tiễn và chắc chắn không thể được áp dụng.

Không 'ném đá' thành quả nghiên cứu suốt 40 năm

Nhiều người không ủng hộ nghiên cứu của PGS.TS Bùi Hiền, cho rằng việc ông làm hoàn toàn lãng phí thời gian. Tuy nhiên, thay vì miệt thị hay xúc phạm tác giả, họ trân trọng những trăn trở của ông với tiếng Việt cũng như thành quả nghiên cứu suốt 40 năm qua.

"Dù cháu thấy đề xuất của bác có nhiều điểm bất hợp lý, cháu tin bác dành 40 năm nghiên cứu, cải tiến chữ quốc ngữ vì muốn tốt cho dân tộc. Cảm ơn bác!", Phương Thảo chia sẻ.

img

Nhiều người bày tỏ sự trân trọng trước thành quả nghiên cứu của PGS.TS Bùi Hiền. Ảnh: Quyên Quyên.

Đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền cũng nhận được sự ủng hộ từ không ít người. Họ cho rằng cách viết mới phần nào khắc phục những tồn tại của hệ thống chữ viết hiện nay.

Leo Vũ cho rằng cách viết mới "không đến nỗi nào". Nó không chỉ giúp tiết kiệm giấy mà còn hỗ trợ việc ghi chép nhanh hơn. Điều này đặc biệt có ích trong quá trình học sinh chép bài hay các trường hợp tốc ký khác.

Người này thừa nhận việc áp dụng hệ thống chữ cái mới sẽ không dễ dàng nhưng trước mắt, nó có thể được áp dụng cho việc ghi chép cá nhân.

Ngoài ra, cách viết mới giúp đơn giản hóa tiếng Việt, hỗ trợ người nước ngoài học tập nhanh hơn.

Về phần đề xuất của ông Bùi Hiền bị phản đối gay gắt, một số người lý giải vì tâm lý người Việt đã quen với cách việc hiện tại, khó chấp nhận cái mới.

Bùi Mạnh Cường cho rằng nếu cho trẻ con mới học chữ và người nước ngoài mới học tiếng Việt sẽ thấy chữ này dễ học và đỡ khổ hơn rất nhiều. Bùi Mạnh Cường hy vọng mọi người đặt mình vào vị trí của người chưa biết chữ để đánh giá ý kiến cải tiến của ông Hiền.

Một số dân mạng tin tưởng xã hội cần có thời gian để cảm nhận và trải nghiệm kiểu viết mới trước khi đánh giá hệ thống chữ cái này.

Họ nhận định việc thay đổi chữ viết sẽ rất khó khăn, song không phải không có khả năng xảy ra. Bởi vận động và thay đổi cũng là bản chất của ngôn ngữ, tương tự như chữ quốc ngữ đã thay thế chữ Nôm.