Dân Việt

Sẽ đào tạo những nông dân chuyên nghiệp

Đình Thắng 28/12/2017 16:46 GMT+7
Sau 7 năm thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ và hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 971, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT) đã đạt được kết quả nhất định, mạng lưới cơ sở tham gia đào tạo nghề cho LĐNT phát triển rộng khắp cả nước. Để hiểu rõ hơn về kết quả này, NTNN đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Hoàng Yến (ảnh) - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) về chương trình này.

Thưa bà, bà có thể cho biết, đến thời điểm này, chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT đã đạt được những kết quả như thế nào?

- Kết quả giai đoạn 2011-2017, đã có 1,6 triệu LĐNT được hỗ trợ học nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Sau đào tạo, có trên 80% lao động có việc làm hoặc tiếp tục làm nghề cũ hiệu quả, năng suất tăng nhanh, nhiều người sau khi học nghề đã thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả tốt nhờ học nghề. Kết quả, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 28% năm 2009 lên 53% năm 2016; thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội từ 51,5% làm nông nghiệp năm 2009 xuống còn khoảng 44% năm 2015 (giảm 7,5%). Đã biên soạn được 136 chương trình, giáo trình nghề nông nghiệp làm cơ sở tài liệu giảng dạy cho các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 971 sửa đổi, khắc phục những khó khăn trong triển khai thực hiện theo Quyết định số 1956. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, những nội dung điều chỉnh sát với yêu cầu đào tạo nghề hiện nay và là cơ sở quan trọng để đào tạo nghề sát với thực tiễn yêu cầu như biến đối khí hậu, sản xuất sản phẩm hàng hóa, công nghệ cao, nâng cao chất lượng...

Phương pháp đào tạo được điều chỉnh theo hướng đào tạo lấy thực hành là chính, đào tạo tại nơi sản xuất, gắn với quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng vật nuôi, phù hợp với thực tiễn sản xuất, điều đó sẽ thiết thực với người nông dân.

Nội dung đào tạo nghề nông nghiệp bắt đầu được điều chỉnh theo hướng phù hợp với yêu cầu sản xuất hiện nay và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua đã tập trung đào tạo nghề nông nghiệp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, lao động trong vùng sản xuất hàng hóa và an sinh xã hội nông thôn. Qua quá trình đào tạo nghề, nhiều nông dân đã được trang bị kiến thức cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội, góp phẩm giảm tỷ lệ đói nghèo, tăng tỷ lệ khá giàu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp có những khó khăn, tồn tại gì, thưa bà?

- Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đạt chỉ tiêu đề ra như việc hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT mới đạt trên 91,5% chỉ tiêu chung, đào tạo nghề nông nghiệp đạt 82% kế hoạch đề ra, riêng năm 2016 chỉ đạt trên 75% kế hoạch, năm 2017 đào tạo vượt 7,2% kế hoạch đề ra. Nhiều địa phương chưa chủ động gắn đào tạo nghề với phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm; chưa tổ chức điều tra, khảo sát hoặc khảo sát không chính xác nhu cầu và không tư vấn học nghề cho LĐNT. Một số địa phương có tỷ lệ lao động có việc làm mới sau học nghề hoặc tiếp tục làm nghề cũ có hiệu quả thấp.

Tỷ lệ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề còn thấp, nhất là lao động là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề chỉ chiếm khoảng 3% so với tổng số lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động. Chỉ tiêu đào tạo nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp nghề còn rất thấp, chủ yếu tập trung vào trình độ sơ cấp và ngắn hạn dưới 3 tháng.

Hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên có số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề thấp hơn các vùng khác.

Việc xác định danh mục nghề nông nghiệp vẫn còn dàn trải, chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp dẫn đến hiệu quả không cao; một số nội dung đào tạo theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện nay như sản xuất công nghệ cao, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu chưa có trong danh mục đào tạo các chương trình, tài liệu còn thiếu, nội dung còn nặng về lý thuyết, chưa phù hợp với đối tượng đào tạo nghề là nông dân.

Nguồn kinh phí vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách của T.Ư hỗ trợ. Nhiều đối tượng sau học nghề chưa được vay vốn hoặc được vay rất ít từ quỹ quốc gia về việc làm nên còn khó khăn cho việc mở rộng sản xuất.

img

  Học viên thực hành về quản lý dịch hại tổng hợp tại lớp đào tạo nghề ở xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà,
tỉnh Hải Dương. ảnh: Internet

Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với hệ thống chính trị trong công tác đào tạo nghề, coi đây là nhiệm vụ quan trọng để giảm nghèo và thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và những năm tiếp theo; thực hiện tốt sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trong hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn”. 
Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến
 

Vậy thời gian tới, việc đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT sẽ có những nét mới như thế nào, để lao động sau đào tạo có việc làm ổn định và những doanh nghiệp, hợp tác xã có nguồn nhân lực chất lượng?

- Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta đang diễn ra mạnh mẽ, tác động rất lớn đến cơ cấu lao động, đòi hỏi lực lượng lao động phải không ngừng nâng cao chất lượng, thay đổi về cơ cấu để đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới.

Các cơ quan chức năng từ Trung ương đến cơ sở rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách đồng bộ, cụ thể để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo nghề và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Ưu tiên bố trí ngân sách hàng năm cho công tác đào tạo nghề cho LĐNT, nhất là những nơi khó khăn. Phân định rõ nguồn vốn đào tạo nghề cho LĐNT trong nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Rà soát và bổ sung chính sách về xã hội hóa công tác đào tạo nghề cho LĐNT, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, tôn vinh các tập thể cá nhân thuộc các cơ quan, tổ chức, thành phần kinh tế tham gia để huy động các nguồn lực xã hội.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp xác định công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT là nhiệm vụ rất quan trọng để nâng cao trình độ của người sản xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Về huy động và sử dụng nguồn kinh phí: Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, huy động nguồn ngân sách của địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp ở địa bàn để bố trí đủ kinh phí cho kế hoạch đào tạo hàng năm. Trên cơ sở xác định được nhu cầu đào tạo, đề nghị UBND cấp tỉnh giao chỉ tiêu kinh phí cho UBND cấp huyện tổ chức thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho đối tượng chính sách, an sinh xã hội. Còn các đối tượng khác giao cho Sở NNPTNT (Chi cục Phát triển nông thôn) phối hợp với các cơ sở đào tạo thực hiện kế hoạch của tỉnh giao.

Xin cảm ơn bà!