Dân Việt

Phim TH Việt “tràn ngập” kịch bản ngoại: Mừng trước mắt, vui có bền?

Mỵ Lương 02/01/2018 06:21 GMT+7
Việc đầu tư sản xuất những bộ phim có kịch bản ngoại như: “Sống chung với mẹ chồng”; “Người phán xử”… và thu hút khán giả quan tâm được cho là tín hiệu tốt của phim truyền hình Việt Nam trong năm qua. Dưới góc nhìn của các đạo diễn, các nhà làm phim thì đó là điều đáng mừng, nhưng nhìn về lâu dài thì vẫn tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Bùng nổ phim kịch bản ngoại

Thay vì nhập “nguyên đai, nguyên kiện” phim ngoại, trong vài năm qua nhiều nhà sản xuất phim điện ảnh và truyền hình Việt Nam tất bật săn lùng kịch bản phim ăn khách từ Hàn Quốc, Thái Lan... về làm lại, bước đầu thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

img

img

img

img

img

Phim “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” sản xuất từ kịch bản nước ngoài đã thu hút khán giả màn ảnh nhỏ trong năm 2017.  Ảnh: Đ.P

"Tôi chú ý và theo dõi những bộ phim được quảng cáo rầm rộ, phim nhận được những phản hồi tích cực từ phía bạn bè, người thân theo dõi. Tôi xem và không quan tâm đến kịch bản có nguồn gốc từ nước ngoài hay của Việt Nam, miễn sao phim có nội dung, tình tiết lôi cuốn, dàn diễn viên đẹp, nhập vai không gượng gạo là được”.

Khán giả Bùi Thị Thuận

Nổi bật trong số đó phải kể tới các phim: “Em là bà nội của anh” – từ “Miss Granny” của Hàn Quốc; “Bạn gái tôi là sếp” - từ kịch bản “ATM Er Rak Error” của Thái Lan, “Sắc đẹp ngàn cân” làm lại từ “200 Pounds Beauty” từng gây sốt ở Hàn Quốc… Không chỉ được chiếu ở rạp, các phim có kịch bản của nước ngoài được Việt hóa còn phủ sóng trên nhiều kênh truyền hình, thậm chí được lên sóng khung giờ vàng như phim: “Người phán xử” chuyển thể từ “The Abitrator” - tác phẩm của Israel với 6 tỷ lượt xem trong suốt 3 phần; hay phim “Sống chung với mẹ chồng” được chuyển thể từ tiểu thuyết của Trung Quốc. Hai bộ phim này được coi là mốc đánh dấu sự thành công trong quá trình “Việt hóa” phim có kịch bản ngoại.

Năm 2017 được xem là năm “đại thắng” của những phim truyền hình có kịch bản được Việt hóa từ những bộ phim của nước ngoài. Sau “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, vào thời điểm cuối năm 2017, VTV cũng đang phát sóng phim khai thác kịch bản từ tiểu thuyết của Trung Quốc “Phù thủy dưới đáy biển”, và bộ phim “Cả một đời ân oán”  được chuyển thể từ bộ phim từng “làm mưa làm gió” màn ảnh nhỏ châu Á “Cô dâu triệu phú” (2006) và “Cô dâu bạc triệu” (2014).

Đạo diễn Nguyễn Phương Điền thừa nhận, xu thế hiện nay các nhà làm phim đi tìm là kịch bản ngoại, nhất là của Hàn Quốc. “Hàn Quốc có nhiều kịch bản ăn khách ở cả điện ảnh lẫn truyền hình. Vì thế, các nhà làm phim Việt đã săn tìm kịch bản hay từ nước này cũng như một số nước châu Á có văn hóa tương đồng. Sau khi mua bản quyền kịch bản, họ thuê biên kịch sửa đổi một số chi tiết cho phù hợp văn hóa ứng xử người Việt để làm phim”.

Về phía khán giả, khi được hỏi về bộ phim truyền hình đang theo dõi họ có quan tâm đến kịch bản thuần Việt hay không, đa số câu trả lời mà phóng viên nhận được là không quan tâm đến nguồn gốc của kịch bản mà chỉ chú trọng đến nội dung, tình tiết, diễn viên thể hiện... trong phim. “Tôi chú ý và theo dõi những bộ phim được quảng cáo rầm rộ, phim nhận được những phản hồi tích cực từ phía bạn bè, người thân theo dõi. Tôi xem và không quan tâm đến kịch bản có nguồn gốc từ nước ngoài hay của Việt Nam, miễn sao phim có nội dung, tình tiết lôi cuốn, dàn diễn viên đẹp, nhập vai không gượng gạo là được” – khán giả Bùi Thị Thuận (xã Hoàng Hanh, huyện Ninh Giang, Hải Dương) bày tỏ.

“Sính” hàng ngoại liệu có tốt bền?

Ngoài sự theo dõi của đông đảo khán giả, thành công của bộ phim còn thể hiện rõ nhất thông qua số spot quảng cáo mà các nhãn hàng sẵn sàng chi trả để có thể xuất hiện trước và trong bộ phim. Đáng chú ý trên đơn giá của trang thông tin dịch vụ truyền hình, nhà đài đưa ra mức giá cho mỗi suất quảng cáo trong giờ chiếu phim Sống chung với mẹ chồng (Kênh VTV1, lúc 20 giờ 45-21 giờ 35 thuộc mục Phim truyện ngày thứ 4, thứ 5) có giá 90 triệu đồng/10s, 108 triệu đồng/15s, 135 triệu đồng/20s và 180 triệu đồng/30s. Thời điểm phát sóng của phim, ngoài những chương trình truyền hình thực tế ăn khách, không có bất cứ bộ phim truyền hình nào đủ sức cạnh tranh với phim có kịch bản ngoại này.

Đây cũng được xem là một trong những giải pháp cứu vãn tình cảnh xuống dốc của phim truyền hình Việt, mà  đạo diễn Lê Cung Bắc nhận định là khuynh hướng tốt. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn mà có nhiều phim thể loại làm lại sản xuất thế này cũng thật đáng lo.

“Việc “sính” kịch bản ngoại liệu có tốt bền bằng việc tự sản xuất kịch bản Việt?” là câu hỏi mà khá nhiều người thắc mắc, các đạo diễn, các nhà làm phim trăn trở. Đạo diễn phim “Người đẹp Tây Đô” cũng chỉ ra thực tế, kịch bản phim truyền hình trước đây được chăm chút kỹ lưỡng, còn bây giờ kịch bản được viết theo công nghệ mới. “Một kịch bản biên kịch phải nghĩ mất mấy năm trời, rồi cả năm ôm ấp viết ra đường dây câu chuyện. Vì thế cảm xúc, đường dây câu chuyện nhất quán. Bây giờ kịch bản được viết theo công nghệ mới, mỗi nhóm viết một phần rồi ráp lại. Hỏi sao chuyện phim không rời rạc. Mặt khác, nhiều người viết kịch bản còn trẻ, kinh nghiệm sống không nhiều nên vì thế phim hời hợt. Người xem phim truyền hình phần lớn là người lớn tuổi, đã có trải nghiệm, có vốn sống nên xem phim nào nhàn nhạt thì hờ hững thôi!” – đạo diễn Lê Cung Bắc bày tỏ.

Nhìn vào thực tế đội ngũ người viết kịch bản điện ảnh ở Việt Nam hiện nay, biên kịch Châu Thổ thừa nhận là rất ít, đếm trên đầu ngón tay trong khi khán giả yêu cầu ngày càng cao những câu chuyện mới lạ, kết cấu chặt chẽ. Đáp ứng được điều này một biên kịch phải sửa đi sửa lại nhiều lần, mất khoảng thời gian 1 -2 năm. Thêm vào đó, yếu tố giá cả kịch bản phim điện ảnh Việt khá đắt, tác phẩm tốt cũng khoảng 500 – 600 triệu đồng...

Vì những lý do này, không ít nhà sản xuất chọn cách mua kịch bản của nước ngoài - vốn đã thành công, để đưa vào sản xuất vừa nhanh vừa dễ thu hồi vốn.

Ở góc độ tích cực, điện ảnh Việt đang phát triển, theo quy luật trào lưu nào cũng có lên, có xuống. Khi thấy khán giả hào hứng đón nhận dòng phim kịch bản ngoại, các nhà đầu tư sẽ lao vào mua để làm phim, nhưng đến lúc khán giả “bội thực” thì họ sẽ dần chuyển hướng...

img

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC, Đài Truyền hình Việt Nam): Đến hội thảo để học cách chuyển hóa kịch bản

Đơn vị chúng tôi ngoài kịch bản tìm được ở hội chợ phim thì cũng tham gia các hội thảo truyền hình để nghiên cứu cách thức như thế nào để chuyển hóa kịch bản nước ngoài thành Việt Nam. Khi truyền hình nước ngoài phát triển thì một trong những tiêu chí đầu tiên họ lựa chọn là vấn đề kỹ thuật. Chúng ta phải nâng cao hạ tầng kỹ thuật mới đáp ứng được yếu tố kịch bản của họ.

img

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng (VFC): Học hỏi được nhiều điều

Việc dùng kịch bản phim Việt hóa là một bước đi mới ở nước ta và cũng là việc bình thường như các nước đã làm, thể hiện nỗ lực của các nhà sản xuất đưa về những kịch bản tốt, tương đồng về văn hóa và phù hợp thị hiếu của khán giả Việt Nam. Chính trong quá trình tìm kiếm, Việt hóa kịch bản, sản xuất phim và đưa phim đến khán giả, những nhà làm phim nước ta có thể soi xét lại mình và học hỏi đồng nghiệp nước ngoài nhiều điều bổ ích. Thí dụ, cấu tứ cũng như cách kể chuyện trong kịch bản phim Người phán xử rất chặt chẽ, sáng tạo. Họ biết cách giấu chuyện, luôn tạo ra các mâu thuẫn, xung đột, gợi nên sự tò mò để giữ khán giả trước màn hình và biết cách khai thác đề tài đến cùng, với nhiều cung bậc, không bỏ qua bất cứ chi tiết nào...

img

Nhà biên kịch Dương Nữ Khánh Thương: Khuyến khích và đầu tư hàng Việt

Kịch bản Việt không yếu, nhưng các nhà sản xuất chưa chịu “đãi cát tìm vàng”, kiên nhẫn khuyến khích và đầu tư kịch bản thuần Việt. Thay vì vay mượn từ bên ngoài những thứ đã định hình, nên chăng cần nghĩ đến một giải pháp kích cầu nghề nghiệp lâu dài và có nền tảng bền vững hơn. Các cơ quan quản lý nên có hướng hỗ trợ tài chính, đặt hàng, tổ chức đào tạo, tìm kiếm và bồi dưỡng những cây bút xuất sắc...

Việt Phương (tổng hợp)