Trong cuộc gặp mặt báo chí nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất sáng nay, giới truyền thông đã dành nhiều thời gian "tâm sự" với lãnh đạo VFF (ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực VFF, ông Nguyễn Xuân Gụ - Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông VFF, ông Lê Hoài Anh - Tổng thư ký VFF) về những luồng thông tin trái chiều hướng vào nội bộ VFF khi mà Đại hội nhiệm kỳ VIII (2018-2022) đang ngày càng tới gần.
Ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực VFF khẳng định bóng đá Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong năm 2017. Ảnh: I.T
Tựu trung lại, các lãnh đạo VFF đều khẳng định đại ý là chúng ta nên nhìn mọi thứ theo hướng tích cực: "Người ta còn quan tâm tới bóng đá thì mới nói, mới góp ý" (lời của ông Gụ); "Những góp ý có đúng, có sai và chúng ta phải rút kinh nghiệm từ những góp ý đúng" (lời của ông Hoài Anh).
Đáng chú ý nhất là khẳng định của Phó Chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn: "Không thể phủ nhận bóng đá Việt Nam trong năm qua đã có những thành công. Các đội U16, U19, U23, đội tuyển quốc gia nam, đội tuyển quốc gia nữ, futsal nam giành quyền góp mặt tại vòng chung kết châu Á. Đặc biệt là việc đội U20 có mặt tại FIFA U20 World Cup 2017".
"Những gì chúng tôi làm thời gian qua tất cả đều biết. Phải làm sao cho các đội trẻ thường xuyên có mặt tại vòng chung kết châu Á. Sau đó, khi hội đủ mọi yếu tố, chúng ta sẽ nghĩ tới đấu trường thế giới. Đội futsal, đội U20 là những đội đã có mặt tại World Cup".
Ông Trần Quốc Tuấn (phải) có nhiều mối quan hệ tốt ở AFF, AFC. Ảnh: I.T
Theo dòng tâm sự, ông Tuấn còn tiết lộ: "Trong một số cuộc tiếp xúc, lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Trung Quốc luôn khẳng định phải học hỏi bóng đá Việt Nam. Đơn giản, thành tích của các đội tuyển Trung Quốc thời gian qua rất thất thường, dù họ đầu tư rất nhiều tiền vào bóng đá".
Giải thích sự khác biệt này, ông Tuấn cho rằng đó cũng là một bài học kinh nghiệm của bóng đá Việt Nam: "Thời gian qua, bóng đá Trung Quốc đầu tư nhiều nhưng hầu hết đầu tư vào giải vô địch quốc gia. Họ có nhiều HLV, ngoại binh giỏi, các đội bóng đạt thành tích nổi bật, doanh nghiệp có thể quảng bá thương hiệu nhờ bóng đá. Nhưng điều này lại lại không có lợi cho sự phát triển của các đội tuyển".
"Thời gian qua, rất may là các đội bóng tại V.League đều hiểu và cùng sát cánh với VFF trong việc hạn chế ngoại binh, giúp các cầu thủ nội, đặc biệt là các cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội ra sân hơn. Và kết quả là gì chúng ta đã thấy rõ. Việc đầu tư cho các đội tuyển và V.League phải cân đối sao cho đạt kết quả mong muốn".
U20 Việt Nam góp mặt tại vòng chung kết FIFA U20 World Cup là điểm sáng lớn nhất của bóng đá Việt Nam năm 2017. Ảnh: I.T
Ông Tuấn bày tỏ thêm: "V.League hiện nay ít khán giả (trung bình 5619 người/trận - số liệu thống kê của VPF mùa giải 2017 - PV) nhưng Thai League còn ít hơn, trung bình chỉ 5 nghìn người/trận. Singapore, Malaysia... cũng lâm vào tình trạng "khủng hoảng khán giả" như vậy do sự phát triển của công nghệ thông tin, người ta có thể ngồi nhà xem bóng đá qua ti vi, máy tính, điện thoại..."
"Thời gian tới, VFF và VPF cùng các đội bóng sẽ phải cùng nhau tìm cách biến mỗi trận bóng đá thành một ngày hội, qua đó lôi kéo khán giả tới sân nhiều hơn, giúp mỗi người tới sân được tận hưởng bầu không khí thể thao sôi động".
Trước câu hỏi của báo chí về việc ứng cử vào chức danh chủ chốt của VFF nhiệm kỳ VIII, ông Tuấn cho hay: "Lúc này chúng tôi vẫn tập trung hết sức làm việc theo đúng kế hoạch. Nhiệm vụ của quý I-2018 rất nhiều, trong đó gần nhất là việc U23 Việt Nam thi đấu vòng chung kết U23 châu Á. Đại hội sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 và mọi công việc đã có Ban tổ chức Đại hội cùng các tiểu ban đang gấp rút hoàn thiện. Chức danh Chủ tịch VFF sẽ do Đại hội quyết định".