Theo các chuyên gia, hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) thường rất phức tạp, đa dạng. Dưới đây là một số vi phạm thường gặp:
Việc đưa hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH vào xử lý hình sự nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động
(ảnh minh họa). Ảnh: Diệu Linh
Trốn đóng BHXH cho người lao động
Lợi dụng cơ chế, chính sách BHXH còn có kẽ hở; chế tài xử lý nợ chậm đóng BHXH cho người lao động chưa nghiêm nên doanh nghiệp cố tình chây ỳ trốn đóng hoặc chiếm dụng BHXH của người lao động.
Ngoài ra, người sử dụng lao động lách luật bằng cách hợp đồng miệng hoặc ký liên tiếp chuỗi hợp đồng theo thời vụ hoặc chuỗi hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng hoặc kéo dài thời gian thử việc. Vì theo quy định của Luật BHXH năm 2006, người lao động có hợp đồng lao động dưới 3 tháng không phải tham gia BHXH bắt buộc.
Trước khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực (từ 1.1.2016), thủ đoạn này xảy ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp vừa, nhỏ và hộ gia đình. Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, đơn vị sử dụng lao động không phải đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động nhằm trốn đóng BHXH cho người lao động. Nếu bị phát hiện thì doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt.
Để đóng mức BHXH thấp hơn mức quy định, doanh nghiệp đã lập và sử dụng hai hệ thống số lương khác nhau. Một hệ thống lương dùng để chi trả lương thực tế cho người lao động; một hệ thống lương khác dùng để đăng ký tham gia và làm cơ sở tính mức đóng BHXH (mức lương này chỉ bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng một chút). Với thủ đoạn này, các doanh nghiệp đã trốn đóng một khoản tiền BHXH mà theo quy định pháp luật họ phải đóng cho cơ quan BHXH.
Gian lận để hưởng các chế độ BHXH
Thậm chí, người gian lận có thể thu gom sổ BHXH của người tham gia BHXH đã nghỉ việc mà không nhận lại sổ, sau đó lập hồ sơ BHXH khống, chiếm đoạt tiền BHXH |
Người vi phạm lập khống, giả mạo hồ sơ BHXH làm căn cứ cho việc thanh toán chế độ ốm đau, thai sản nhằm chiếm đoạt tiền BHXH. Để lừa dối cơ quan chức năng nhằm chiếm đoạt tài sản, người vi phạm làm giả giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, giấy khám thai hoặc sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy tờ này hoặc móc nối với cơ sở y tế để được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, giấy khám thai không đúng quy định làm căn cứ thanh toán tiền trợ cấp ốm đau, thai sản.
Ngoài ra, người vi phạm còn thành lập doanh nghiệp “ma”, sau đó làm hợp đồng tuyển dụng lao động khống cho nhân viên nữ để đăng ký đóng BHXH hoặc hợp đồng tuyển lao động nữ có thai. Thực tế, họ không làm việc mà vẫn đăng ký đóng BHXH đầy đủ 6 tháng theo quy định. Người vi phạm lập hồ sơ BHXH khống và làm thủ tục đề nghị thanh toán chế độ thai sản, chiếm đoạt tiền BHXH.
Một số trường hợp gian lận chế độ BHXH bằng cách hợp thức hóa những tai nạn không thuộc diện tai nạn lao động thành tai nạn lao động để hưởng trợ cấp, hoặc đăng ký tham gia BHXH sau khi đã xảy ra tai nạn để được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp.