Nhiều "kỷ lục"
Nếu kể tên các chương trình hài Tết trên truyền hình thì Táo quân chỉ là một trong rất nhiều "món ăn" tinh thần của khán giả nhưng vị trí của chương trình vẫn chưa bao giờ bị "soán ngôi". Tính đến nay, Táo quân đã tròn 15 năm, là chặng đường khó quên đối với thế hệ các nghệ sĩ hài nổi danh phía Bắc như: Quốc Khánh, Công Lý, Chí Trung, Xuân Bắc, Quang Thắng, Vân Dung, Tự Long...
Có lẽ, tính đến thời điểm hiện tại, Táo quân sẽ là chương trình giữ nhiều kỷ lục nhất trong đó có kỷ lục về số lượng nghệ sĩ hài nổi tiếng tham gia và kỷ lục về tư liệu sự kiện nổi cộm trong năm ở hầu hết lĩnh vực được gói gọn, chuyển tải trên sân khấu. Đặc điểm này khiến Táo quân khác biệt so với các chương trình hài xuân, hài Tết dù mục đích vẫn là mang lại tiếng cười cho công chúng.
Các "Táo" gạo cội của chương trình "Gặp nhau cuối năm".
Táo quân ghi dấu sự trưởng thành của thế hệ nghệ sĩ hài phía Bắc từ khi họ còn là một diễn viên bình thường như: Xuân Bắc, Quang Thắng, Tự Long... cho đến khi họ thành NSƯT, NSND vẫn chọn sân khấu Táo quân để cống hiến nghệ thuật.
Qua 15 năm, thế hệ nghệ sĩ như Chí Trung, Quốc Khánh bây giờ đã qua tuổi U50, chẳng bao lâu nữa chạm ngường U60 nhưng chương trình vẫn chưa tìm ra thế hệ kế nhiệm các "Táo" cũ. Vậy câu hỏi công chúng đặt ra là: Đóng Táo quân có khó đến mức không tìm được người thay thế? Hay thế hệ nghệ sĩ trẻ không đủ tài năng, tâm huyết cho một chương trình "nặng đô" thế này?.
Trả lời câu hỏi ấy, NSƯT Quang Thắng cho hay: "Bản thân người làm nghề như tôi cũng rất mong có sự thay đổi, kế nhiệm. Nếu bảo thế hệ diễn viên trẻ không đủ tài thì không đúng nhưng sự trau dồi, tâm huyết với sân khấu một cách nghiêm túc, miệt mài thì không phải ai cũng đảm bảo. Nhiều bạn trẻ mới vào nghề chỉ thích chạy show kiếm tiền, nhận một vai diễn chóng vánh chứ không dốc tâm sức, tài năng thực sự cho ánh đèn sân khấu". Qua câu chuyện cùng chúng tôi, nghệ sĩ hài Quang Thắng cũng cho hay, không chỉ anh mà các đạo diễn, đồng nghiệp vẫn chú ý phát hiện ra các gương mặt tiềm năng.
Mở rộng ra, chẳng riêng gì vị trí của các "Táo" mà đến MC chương trình là MC Thảo Vân cũng là một vị trí khó thay thế. MC Thảo Vân đã đồng hành với "Gặp nhau cuối tuần", "Gặp nhau cuối năm" từ những ngày đầu lên sóng với nét dẫn duyên dáng, truyền cảm, hoạt bát. Trong công việc lẫn ngoài đời, cô cũng có mối quan hệ thân thiết, ăn ý với ê-kíp chương trình.
Kịch bản "nặng", đầu tư cao
NSƯT Đỗ Thanh Hải cũng là tổng đạo diễn chương trình Táo quân nhiều năm nay. Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, vì một năm mới làm chương trình một lần nên ê-kíp sáng tạo luôn cố gắng hết khả năng từ khâu kịch bản đến kiến tạo vai diễn nhằm đem đến chương trình hấp dẫn với khán giả.
Năm 2017 nổi cộm nhiều sự vụ, từ câu chuyện BOT, đề xuất cải cách tiếng Việt, câu chuyện đau lòng về bạo lực đối với trẻ em… nhưng chọn lựa, biến hóa thế nào để những câu chuyện ấy mang lại tiếng cười trào phúng, sâu cay cho công chúng lại không hề đơn giản.
Giáo sư "Xoay" (trái) là người viết kịch bản Táo Quân.
Đạo diễn của chương trình Táo Quân thừa nhận, ngay khâu kịch bản đã nặng nề, hóc búa, áp lực... song chính điều đó là động lực để các nghệ sĩ thêm yêu nghề, có cảm hứng sáng tạo và ý thức cao về trách nhiệm của một nghệ sĩ dưới ánh đèn sân khấu, trước hàng triệu khán giả chờ đợi một năm để xem Táo Quân một lần.
Trải qua 15 năm, Táo quân luôn đứng trước thách thức làm mới một format cũ. Có những năm Táo quân thay đổi farmat, có năm lại quay về đúng format cũ song điều làm cả dàn nghệ sĩ Táo quân làm được, khán giả ghi nhận là nghệ sĩ "diễn như không diễn", tương tác sân khấu tốt, đôi khi không cần thoại, chỉ một cử chỉ điệu bộ khán giả đã cười nghiêng ngả.
Trong quá trình ê-kíp Táo quân tiến hành khảo sát khán giả họ đã nhận thấy điểm chung khán giả mong đợi là phần các Táo báo cáo vấn đề xảy ra trong năm. Chỉ là báo cáo nhưng làm sao đảm bảo sự sâu cay, hài hước là thách thức với mọi nghệ sĩ đóng Táo quân.
Công việc ấy đâu phải chỉ thuần học thuộc lời thoại, kịch bản là xong mà mỗi nghệ sĩ phải bộc lộ được nét diễn, tài năng, cá tính riêng trong tổng thể chung chương trình. Hiện tại, kịch bản Táo quân vẫn do một ê-kíp sáng tạo và nhiều năm liền có sự tham gia của "Cù Trọng Xoay" Đinh Tiến Dũng.
Tại sao không mời "Táo" miền Nam?
Theo dõi chương trình Táo quân những năm gần đây, khi đội ngũ "Táo" được bổ sung thêm các gương mặt mới thì khán giả vẫn chỉ yêu thích nhất là dàn nghệ sĩ cũ với thương hiệu được "đóng đinh" bấy lâu. Vấn đề đa dạng hóa diễn viên hai miền cũng đang được đặt ra cho Táo quân với nhiều thách thức.
Năm nay, tổng đạo diễn chương trình cho hay ê-kíp vẫn tiến hành casting diễn viên mới nhằm tìm ra gương mặt triển vọng. Riêng việc mời các nghệ sĩ phía Nam thì ê-kíp gặp khó khăn bởi hai miền có sự tập luyện, cách diễn khác nhau.
"Trấn Thành, Trường Giang chưa chắc hợp với phía Bắc, tuy nhiên nếu chúng ta khai thác khéo họ lại trở thành nhân tố đặc biệt. Dù vậy, tôi phải nói rằng chúng tôi đòi hỏi tập luyện kỹ lưỡng, mất nhiều thời gian chưa biết họ có dành thời gian cho chúng tôi không", NSƯT Đỗ Thanh Hải nhấn mạnh.
Câu chuyện mà đạo diễn Đỗ Thanh Hải đề cập đến là vấn đề không chỉ người trong nghề mà công chúng cũng nắm được phần nào khó khăn. Cụ thể, ai cũng mong sự đa dạng vùng miền, giọng điệu, cá tính... trên sân khấu Gặp nhau cuối năm nhưng vấn đề ấy không hề đơn giản khi bắt tay vào thực hiện.
Chỉ tính riêng lịch tập luyện của Táo quân làm sao để các nghệ sĩ Bắc - Nam cùng "khớp" được đã khó. Ê-kíp Táo quân 15 năm qua là những nghệ sĩ có mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè khá thân thiết, nhiều người có lịch công việc trùng nhau, có thể thay thế nhau khi tập luyện nếu người kia chưa có mặt nhưng giả sử mời thêm vài gương mặt nghệ sĩ phía Nam thì tổng thể đã khác.
Chưa kể, cuối năm, giới nghệ sĩ đều bận chạy sô. Những gương mặt ăn khách như Trấn Thành, Trường Giang... có nhận được lời mời chưa chắc đã có điều kiện tham gia tập luyện, biểu diễn trong quỹ thời gian hạn hẹp.