Dân Việt

Đến thăm “Nhà hát của những giấc mơ”

Lưu Quang Định 01/01/2018 13:30 GMT+7
Chúng tôi đến sân vận động Old Trafford ở thành phố Manchester, Anh, lúc 12 giờ trưa. “Nhà hát của những giấc mơ” đón chúng tôi bằng cơn mưa nặng hạt và cái rét tê tái đầu đông.

Sân vận động hoành tráng hơn chúng tôi tưởng tượng. Nhìn từ phía ngoài, một kiến trúc bằng thép và gạch sừng sững. Bức tượng Sir Matt Busby huyền thoại đứng đối diện bộ 3 Denis Law, George Best, Sir Bobby Charlton. Matt Busby là huấn luyện viên đầu tiên của Manchester United (M.U) vào những năm 60 đạt được những thành tích vẻ vang, đưa MU tới châu Âu. Còn trong bộ 3 nói trên, Sir Bobby Charlton đã đưa đội tuyển Anh giành chức vô địch thế giới năm 1966, trong khi đó George Best với mái tóc dài nổi tiếng đã là người khởi khởi xướng truyền thống “tự do dân chủ” trong bóng đá châu Âu. Người hâm mộ vẫn gọi Best là “thành viên thứ 5 của Beatles”, tượng trưng cho lối chơi tấn công phóng khoáng, giống như những giai điệu của ban nhạc Beatles.

img

img

Bên ngoài sân vận động Old Trafford với tượng 4 huyền thoại.  Ảnh: A.P

Sau gần 2 giờ đồng hồ lang thang trong “Nhà hát của những giấc mơ”, chúng tôi đều cảm nhận rất rõ ràng: Hơn cả những đồng tiền, hơn cả triệu này tỉ kia, tài sản lớn nhất của M.U chính là những con người như Steve và rất rất nhiều những cổ động viên trung thành khác.

Đế chế M.U

Tất cả những người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới đều biết: M.U còn ơn cả là một câu lạc bộ (CLB) bóng đá. Với 20 chức vô địch quốc gia, 12 cúp FA, 5 cúp Liên đoàn, 2 siêu Cup châu Âu… chắc chắn M.U là câu lạc bộ giàu thành tích bậc nhất trên thế giới.

Không chỉ giàu thành tích, M.U còn là CLB giàu tiền bạc nhất trên thế giới. Năm 2012, M.U ký một hợp đồng tài trợ với General Motor (thương hiệu Chevrolet) tổng trị giá 559 triệu bảng Anh. Từ mùa giải 2015 – 2016, hàng sản xuất đồ thể thao Adidas cam kết sản xuất áo đấu cho M.U trong 10 năm, trị giá 750 triệu bảng Anh – kỷ lục thế giới đối với 1 hợp đồng tài trợ cho 1 CLB thể thao.

Trên toàn thế giới, M.U có hơn 200 hội cổ động viên chính thức với 333 triệu cổ động viên – con số khủng nhất, trên cả Real Madrid và Barcelona.

Nhà hát của những giấc mơ

img

Sân vận động của M.U – sân Old Trafford được biết đến nhiều hơn với tên gọi Nhà hát của những giấc mơ. Nói như vậy bởi sân vận động này quá đẹp.

Khi chúng tôi đến, nhiệt độ ngoài trời đang là dương 2 độ C. Bước chân vào sân, điều đầu tiên đập vào mắt khách tham quan là một hệ thống sưởi ấm sân vô cùng hiện đại. Từng ngọn cỏ của sân được một hệ thống đèn chiếu sưởi ấm, nâng niu. Thảo nào mà dù trong thời tiết nào, thảm cỏ của Old Traford vẫn xanh mướt, mềm mại.

Sân vận động Old Traford được khánh thành năm 1910. Ngay từ thời đó, nó đã được các ký giả Anh mô tả “đó là một cầu trường rộng rãi, phi thường bậc nhất… Một sân bóng không đối thủ trên khắp hoàn cầu, một niềm vinh dự lớn lao cho thành Manchester…”.  Trải qua nhiều thay đổi, nâng cấp, ngày nay sân có sức chứa hơn 75.000 chỗ ngồi. Đây là sân vận động lớn thứ hai của Liên hiệp Anh (sau sân Wembley), và là sân vận động lớn nhất dành cho CLB.

Cỗ máy làm tiền

img

Tác giả và anh Steve. Ảnh: Q.P

Để vào tham quan sân, mỗi chúng tôi phải trả 18 bảng Anh (gần 600.000 đồng). Hướng dẫn viên đoàn chúng tôi bảo vì bây giờ đang là mùa đông, không cần mua vé trước. Chứ còn vào mùa hè, mỗi ngày có hàng ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới xếp hàng vào tham quan sân, nhiều khi không mua nổi vé.

Du khách được đi tham quan rất nhiều hạng mục của sân, đều gắn với những chi tiết rất thú vị đối với các fan hâm mộ bóng đá: Những chiếc cup mà M.U đã giành được; những bộ áo đấu; những ngôi sao qua các thời kỳ - từ David Beckham đến Eric Catona; những trang lịch sử oai hùng và bi thương của CLB - nhất là vụ tai nạn máy bay thảm khốc ngày 6.2.1958 tại Munchen (CHLB Đức) làm 23 người, trong đó có 8 cầu thủ M.U thiệt mạng…

Du khách được vào phòng họp báo, phòng thay đồ, bảo tàng M.U, ngồi nhấm nháp ly cà phê trong nhà hàng sang trọng, được lên những cabin sang trọng dành riêng cho những bình luận viên truyền hình nổi tiếng trên thế giới ngồi “chém gió” mỗi khi trận đấu diễn ra… Du khách được đứng trong đường hầm, khi tiếng nhạc bắt đầu trận đấu nổi lên, tưởng như mình là một cầu thủ của M.U chạy ra sân trong tiếng hoan hô rầm rập của hơn 75.000 khán giả…

Cảm nhận của tôi về chuyến thăm Old Trafford là đáng giá đến từng xu. Ngoại trừ một điều: tốn nhiều tiền quá. 18 bảng vào sân rồi,  nhưng cái gì cũng phải tiếp tục trả tiền. Và tiền rất cao. Chỉ đơn giản 2 ví dụ:

Đầu tiên là vào cửa hàng lưu niệm. Có đến hàng nghìn sản phẩm đóng dấu M.U. Dây đeo chìa khóa, khăn quàng cổ, các đồ chơi, linh vật, sách vở, bưu thiếp… Tôi mua 1 cái áo thi đấu màu đỏ rực truyền thống của M.U: 60 bảng/áo; In thêm tên tôi sau lưng: + 15 bảng; In 2 cái logo hai tay áo: + 6 bảng. Hơn 80 bảng đi vèo.

Sau đến chuyện chụp ảnh. Một anh chàng rất đẹp trai trong đồng phục câu lạc bộ đứng chặn đường mời chào chụp ảnh… miễn phí. Bọn tôi OK ngay. Nhưng chụp xong, anh ta giải thích ngay: Miễn phí là 1 tấm. Nhưng chúng tôi chụp cho anh 5 tấm, 4 tấm còn lại anh phải trả tiền 20 bảng. Cộng với tấm bìa dày cộp rất oai, cộng với “câu chuyện” hoành tráng rằng anh là một ngôi sao mới nổi của M.U. Mời anh móc túi nộp ra 30 bảng nữa. Thực là “đắng lòng”!

Steve năm nay 48 tuổi. Anh là nhân viên của CLB nhận nhiệm vụ đưa chúng tôi đi tham quan sân vận động, giới thiệu về lịch sử của CLB. Nhà Steve chỉ cách Old Trafford hơn 100m. Ông nội anh là cổ động viên của M.U. Cha anh là cổ động viên của M.U. Từ năm lên 9 tuổi Steve đã ra sân hàng tuần cổ vũ cho M.U. Chắc chắn con anh, cháu anh cũng vẫn là cổ động viên của M.U mà thôi. Tình yêu của Steve với CLB này là điều ai cũng có thể cảm nhận rõ ràng.

Chẳng trách M.U là CLB giàu có nhất thế giới. Sân vận động Old Trafford trị giá hơn 500 triệu bảng, đội hình các cầu thủ tương đương 2 triệu bảng, còn giá trị của CLB theo đánh giá mới nhất của hãng kiểm toán uy tín Delloitte là hơn 2,3 tỷ bảng Anh.