Kỳ lạ tinh hoàn trong… ổ bụng
Các bác sĩ khoa Ngoại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) vừa tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân Q bị ung thư tinh hoàn, đồng thời, tinh hoàn cũng bị ẩn trong ổ bụng. Khi phẫu thuật đưa được tinh hoàn ẩn ra ngoài, các bác sĩ đều ngạc nhiên vì tinh hoàn của bệnh nhân này to như quả trứng đà điểu.
Một ca cấy hạt phóng xạ điều trị ung thư của Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Diệu Linh
Bác sĩ Nguyễn Đình Liên (khoa Ngoại – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, bệnh nhân là H.T.Q (51 tuổi) vào viện khám trong tình trạng đau tức bụng vùng hạ vị, kèm theo khó đi đại tiện khoảng 2 tháng nay. Sau khi thăm khám lâm sàng, các bác sĩ phát hiện có khối chắc vùng hạ vị và có thể di chuyển chậm ở phía trong. Đặc biệt, khi thăm khám nam khoa, các bác sĩ không phát hiện tinh hoàn trái trong bìu, tinh hoàn phải vẫn bình thường. Sau đó, bệnh nhân được cho đi siêu âm và kết quả là phát hiện hình ảnh u tinh hoàn trái ở vùng hạ vị.
Bệnh nhân Q cho biết, từ nhỏ ông đã phát hiện mình không có tinh hoàn bên trái, nhưng vì sinh sống ở vùng núi lạc hậu, không thấy sức khỏe của mình có biểu hiện bất thường, nên ông nghĩ “một hòn” là bình thường. Bệnh nhân cũng đã lấy vợ và sinh được 2 con. Gần đây, bệnh nhân Q cảm thấy đau tức vùng hạ vị, khó đi đại tiện nên đã đi khám và ngỡ ngàng khi biết mình bị ung thư tinh hoàn. Đồng thời, tinh hoàn của mình đã ẩn trong vùng bụng nhiều năm mà ông không hề biết.
Trước đó, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng phát hiện một trường hợp ung thư tinh hoàn còn rất trẻ. Bệnh nhân mới 25 tuổi, nhập viện trong tình trạng ho kéo dài. Chẩn đoán cho thấy, anh này bị ung thư phổi do di căn từ ung thư tinh hoàn. Trước đó, bệnh nhân bị đau sưng tinh hoàn phải nhưng sau đó lại hết đau. Đi khám, các bác sĩ phát hiện khối u cứng, không đau, nhưng bệnh nhân thấy hết đau nên không đi khám chuyên sâu hơn. Điều này khiến khối u phát triển và di căn sang các bộ phận khác.
Dễ chữa nếu phát hiện sớm
Bác sĩ Nguyễn Đình Liên cho biết, ung thư tinh hoàn là bệnh ít gặp, chiếm khoảng 1% ung thư ở nam giới. Tuy nhiên, đây là ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất ở nam giới lứa tuổi từ 25-35. Ở Mỹ hàng năm ước tính có khoảng 7.100 trường hợp mới mắc và 370 trường hợp tử vong. Theo bác sĩ Liên, những người có tinh hoàn ẩn thường có nguy cơ bị ung thư cao hơn. “Những người có tinh hoàn ẩn thì 80 - 85% trong số họ bị ung thư tinh hoàn và 15-20% xảy ra ở tinh hoàn đối bên. Những yếu tố khác gây bệnh ung thư tinh hoàn là tiền sử quai bị, tràn dịch màng tinh hoàn, thoát vị bẹn, tiền sử đã bị ung thư tinh hoàn” - bác sĩ Liên nói.
Đánh giá về khả năng điều trị, BS Liên cho biết đây là căn bệnh có khả năng chữa khỏi rất cao, tỷ lệ sống thêm cho tất cả các giai đoạn là 92%, chỉ riêng giai đoạn lan tràn thì có tới 70% có khả năng chữa khỏi.
Để phòng tránh căn bệnh này, BS Liên khuyến cáo đàn ông cần tự kiểm tra tinh hoàn của mình. Đối với trẻ nhỏ thì bố mẹ cần kiểm tra cho con. Khi phát hiện thấy có dấu hiệu bất thường như: Không thấy tinh hoàn, tinh hoàn sưng to, u cục ứng ở tinh hoàn… thì cần đưa ngay đến cơ sở chuyên khoa để khám và có sự can thiệp kịp thời.
Theo các bác sĩ, khi chẩn đoán ung thư tinh hoàn, thường chỉ định cắt bỏ tinh hoàn, đặt tinh hoàn giả cho bệnh nhân với mục đích ổn định tâm lý. Trước khi phẫu thuật, người bệnh có thể thu giữ tinh trùng và bảo quản trong ngân hàng tinh trùng nếu như sau này tiếp tục muốn có con. Đặc biệt, các bác sĩ nhấn mạnh, việc mất “ngân hàng con giống” hoàn toàn không gây rối loạn chức năng tình dục, ảnh hưởng đến chất lượng phòng the của bệnh nhân.
Tỷ lệ ung thư tinh hoàn khá thấp so với các loại ung thư khác, đồng thời tỷ lệ chữa khỏi cũng khá lớn. Phương pháp siêu âm có thể giúp chẩn đoán chính xác các khối u tinh hoàn từ rất sớm. Việc phát hiện và điều trị sớm ung thư tinh hoàn giúp bệnh nhân có tỷ lệ khỏi lên đến 90-95%”. GS-TS Mai Trọng Khoa – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. |