Dân Việt

Nhiễm sán bị chẩn đoán nhầm mắc ung thư giai đoạn cuối

Hà Quyên 30/12/2017 18:05 GMT+7
Bà H. tuyệt vọng do được chẩn đoán mắc ung thư mật di căn gan giai đoạn cuối. Sau nhiều tháng, bác sĩ tìm ra căn bệnh khác không phải ung thư.

Ths.BS Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Điều trị, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho hay đơn vị này đang điều trị cho nữ bệnh nhân N.T.H (sinh năm 1962, tại Đồng Hới, Quảng Bình) do bệnh sán lá gan lớn.

Khi vào viện, bệnh nhân H. rất suy sụp bởi trước đó, bà được chẩn đoán mắc ung thư mật, thậm chí đã di căn sang gan. 

img

Bác sĩ Thọ đang điều trị cho bệnh nhân H. Ảnh: HQ.

Vào đầu năm 2016, bà H. bắt đầu có triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, sút cân liên tục. Tháng 6/2016, bà tới bệnh viện tại Huế khám thì được kết luận ung thư gan. Một lần tái khám tại viện khác, bà tiếp tục được kết luận mắc ung thư mật di căn gan giai đoạn cuối.

Do quá tuyệt vọng bà H. đã từ bỏ điều trị về nhà uống thuốc lá. Sau đó, bà ra Bệnh viện Bạch Mai khám do chỉ số bạch cầu không hề giảm. Bác sĩ nghi ngờ bác H. không phải ung thư mà mắc căn bệnh khác nên chỉ định tới Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương điều trị.

“Kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân H. dương tính với sán lá gan, chứ không phải ung thư. Bạch cầu tăng do có kháng thể lại sán, siêu âm có tổn thường gan. Bệnh nhân H. được điều trị theo phác đồ của bệnh nhân sán lá gan sức khỏe có khởi sắc rất nhiều so với lúc nhập viện”, bác sĩ Thọ cho hay.

Bác sĩ cũng cho biết qua điều tra tiền sử ăn uống được biết bệnh nhân này rất thích ăn các loại rau sống mua tại chợ, có thể đây là nguồn gây bệnh sán lá gan.

Nang sán theo đường ăn uống đi vào dạ dày sẽ phá vỡ và giải phóng ra ấu trùng, ấu trùng xuyên qua thành tá tràng vào ổ bụng rồi di chuyển đến gan. Ấu trùng sẽ sinh trưởng và phát triển trong gan tiết ra các chất độc phá hủy nhu mô gan gây áp-xe gan. Vì vậy, người bệnh khi đi khám có tổn thương gan rất dễ bị chẩn đoán nhầm thành ung thư.

Triệu chứng khi bị nhiễm sán lá gan mệt mỏi, đau nhẹ ở hạ sườn, đau bụng âm ỉ không rõ vị trí, gan sưng to và đau. Một số trường hợp có rối loạn tiêu hóa, dị ứng da nốt sẩn trên ở đùi, mông, lưng, cảm giác ngứa, khó chịu…

“Cách phòng bệnh sán lá gan tốt nhất là thực hiện ăn chín uống sôi. Không ăn những thức ăn tái, rau sống. Vệ sinh tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn. Tuyệt đối không uống nước lã, nước sông, suối, hồ…”, bác sĩ Thọ khuyến cáo.

Xem thêm: Lý do nên tầm soát ung thư từ tuổi 40