Tăng lương tối thiểu vùng
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng được áp dụng từ ngày 1-1-2018 như sau: Mức 3,98 triệu đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp trên địa bàn thuộc vùng I; Mức 3,53 triệu đồng/tháng trên địa bàn vùng II; Mức 3,09 triệu đồng/tháng trên địa bàn vùng III và mức 2,76 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp trên địa bàn vùng IV (quy định cũ quy định lần lượt là 3,75 triệu đồng/tháng; 3,32 triệu đồng/tháng; 2,9 triệu đồng/tháng và 2,58 triệu đồng/tháng).
(Nghị định 141/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực ngày 25-1-2018 quy định)
Lãi suất ngân hàng tính theo năm
Từ 1.1.2018, lãi suất tính lãi được quy đổi theo lãi suất năm, 1 năm được xác định là 365 ngày. Cho phép tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng về thời hạn tính lãi và thời điểm xác định số dư để tính lãi.Tổ chức tín dụng phải cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng về phương pháp tính lãi và mức lãi suất tính lãi trước khi thực hiện giao dịch. Trường hợp có thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng về phương pháp tính lãi trước năm 2018, được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm ký kết.
(Thông tư 14/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc quy định phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, có hiệu lực từ ngày 1.1.2018).
Miễn giảm tiền sử dụng đất
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có quyết định giao đất, người sử dụng đất nộp hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền sử dụng đất tại cơ quan thuế quản lý thu trực tiếp hoặc tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.
Trường hợp nộp hồ sơ miễn, giảm tiền sử dụng đất tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính về đất đai thì việc luân chuyển cho cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thuế xác định và ban hành quyết định miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định hoặc thông báo không được miễn, giảm tiền sử dụng đất do không đủ điều kiện theo quy định.
(Nghị định 123/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018).
Giá cước gửi hồ sơ thủ tục hành chính
Giá cước tối đa đối với dịch vụ nhận gửi hồ sơ giải quyết TTHC được quy định cho từng khu vực và tương ứng với khối lượng hồ sơ từ 100g - 500g.Cụ thể, giá cước trong nội tỉnh từ 26.000 đồng - 30.500 đồng, mỗi 500g tiếp theo, tính thêm 2.200 - 2.900 đồng.Giá cước liên tỉnh từ 31.000 đồng - 51.000 đồng; mỗi 500g tiếp theo tính thêm 6.300 - 9.700 đồng; riêng giá cước nội vùng được quy định dao động từ 30.500 đồng - 32.500 đồng, mỗi 500g tiếp theo tính thêm 3.600 đồng. Với dịch vụ chuyển trả kết quả, mức giá cước tối đa cũng tương đương với giá cước nhận gửi hồ sơ.
(Thông tư 22/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc quy định mức giá cước tối đa và chính sách miễn, giảm giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, có hiệu lực từ ngày 1.1.2018).
Giá cước dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước
Theo Thông tư số 23/2017/TT-BTTTT, mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước ở địa phương (gọi là dịch vụ bưu chính KT1) bao gồm: Mức giá cước tối đa dịch vụ KT1; Mức giá cước tối đa dịch vụ KT1 theo độ khẩn: Hỏa tốc, Hẹn giờ và mức giá cước tối đa dịch vụ KT1 theo độ mật: A, B, C.Trong đó, mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính KT1 được quy định cho từng khu vực và tùy khối lượng. Nội tỉnh dao động từ 11.364 - 15.000 đồng; Giá cước liên tỉnh dao động từ 13.636 - 27.273 đồng.
Riêng nội vùng, giá cước được tính từ 13.182 - 15.455 đồng.Mức giá cước tối đa dịch vụ KT1 theo độ khẩn bằng mức giá cước đối đa dịch vụ KT1 cộng với mức giá cước tối đa theo độ khẩn tương ứng hẹn giờ là 18.182 đồng; Hỏa tốc là 40.000 đồng.
Mức giá cước tối đa dịch vụ KT1 theo độ mật (A, B, C) bằng mức giá cước tối đa dịch vụ KT1 cộng với mức giá cước tối đa theo độ mật: Tuyệt mật (A) là 48.636 đồng; Tối mật (B) là 37.273 đồng; Mật (C) là 30.909 đồng.
(Thông tư 23/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc quy định mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước ở địa phương, có hiệu lực từ 1-1-2018).
Bán cổ phần ưu đãi cho người lao động
Người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa sẽ được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc với giá bán bằng 60% giá trị 1 cổ phần tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
Tuy nhiên, người lao động phải nắm giữ số cổ phần bán với giá ưu đãi này và không được chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ thời điểm nộp tiền mua cổ phần ưu đãi.
Riêng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và người quản lý của doanh nghiệp cổ phần hóa, thuộc đối tượng doanh nghiệp cần sử dụng và có cam kết làm việc lâu dài trong ít nhất 3 năm thì được mua thêm mức 200 cổ phần cho mỗi năm cam kết làm việc tiếp nhưng sở hữu tối đa không quá 2.000 cổ phần.
Trường hợp người lao động là các chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn cao được mua thêm mức 500 cổ phần cho mỗi năm cam kết làm việc tiếp nhưng tối đa không quá 5.000 cổ phần.
(Nghị định 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, có hiệu lực từ ngày 1.1.2018).
Còn tiếp...
* Tít bài do Dân Việt đặt lại.