Dân Việt

Chính phủ quyết loại trừ nhũng nhiễu, đồng bộ giữa nói và làm

"Chính phủ lấy hiệu quả làm thước đo cho hoạt động. Đã làm thì phải sáng tạo, quyết liệt", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ về thông điệp năm 2018.

img

- Thưa Bộ trưởng, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, hành động, đến giờ phút này, ông đánh giá kết quả thế nào?

Ngay sau khi được Quốc hội khóa XIV bầu và phê chuẩn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hướng tới Chính phủ hành động phục vụ người dân. Đó là thông điệp rất quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ.

Trong chỉ đạo điều hành, Thủ tướng thể hiện rất rõ kiến tạo là gì, là tạo hành lang thuận lợi, hoàn thiện thể chế, cơ sở pháp lý để người dân và doanh nghiệp đều phải tuân thủ, chấp hành. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải tuân thủ thực hiện theo quy định của pháp luật. Cùng với đó là việc hoàn thiện thể chế, chính sách; nhất là môi trường đầu tư kinh doanh được Thủ tướng quan tâm, giao cho bộ, ngành địa phương đi vào từng vấn đề cụ thể.

Chính phủ liêm chính là nói không với tiêu cực. Thủ tướng yêu cầu cán bộ công chức thực hiện đúng chức trách, nâng cao hiệu quả năng suất và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

img

Khi thành lập mới Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng tập trung chỉ đạo ngay là việc phải hoàn thiện vấn đề quy trách nhiệm của Chính phủ, ban hành các chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ. Thứ hai là phải rà soát toàn bộ các văn bản có hiệu lực thi hành; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ được giao, xây dựng trình Chính phủ các nghị định để triển khai cụ thể các luật, pháp lệnh.

Có lẽ từ trước đến nay chưa bao giờ Chính phủ không nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Đó là điều Thủ tướng đã làm được.

Trong chỉ đạo điều hành của Thủ tướng bao giờ cũng ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, đưa ra thảo luận công khai, lấy ý kiến của đối tượng bị tác động là người dân và doanh nghiệp. Các chính sách đăng công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và của các bộ, cơ quan ngang bộ. Đây là cách làm rất quyết liệt, rõ ràng.

Thủ tướng cũng quan tâm việc phân cấp, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai và đề cao trách nhiệm người đứng đầu, trong đó đặc biệt rất coi trọng vai trò của bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói về hoạt động của Chính phủ: Chính phủ lấy hiệu quả làm thước đo cho hoạt động. Đã làm thì phải sáng tạo, quyết liệt.

img

- Bộ trưởng chia sẻ gì về thông điệp của Chính phủ năm 2018?

Năm 2018, chúng ta vẫn phải thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đó là cái xuyên suốt của giai đoạn 2016-2021. Việc điều hành phải bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vấn đề điều hành theo mục tiêu của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội, trong đó ba điểm nghẽn về xây dựng thể chế, vấn đề hạ tầng và nguồn nhân lực, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện.

img

Về chủ đề cụ thể của 2018 thì Chính phủ tiếp tục đặt vấn đề kỷ cương, kỷ luật, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, trên chuyển dưới chưa chuyển; hay chỗ nào đó còn tỷ lệ công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tỷ lệ cán bộ công chức hạn chế về năng lực. Tại sao chậm, tại sao ì ạch? Lý do tôi cho là hoặc anh giỏi quá thì anh “đánh võng, vòi vĩnh hoặc là anh kém.

Thứ hai là phải tranh thủ thời cơ, thách thức, tạo ra sự phát triển nhanh, bền vững, tạo ra chuyển động toàn bộ hệ thống. Năm 2017, tình hình không thuận lợi như ảnh hưởng của sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, vấn đề hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, rét đậm rét hại đầu năm ở các tỉnh phía Bắc, cơn bão số 10, 12 gây thiệt hại lớn... nhưng có thể nói cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với sự cố gắng đồng bộ, quyết tâm cao. Chúng ta đã xử lý tổng thể, động viên nhân dân, động viên cán bộ, chiến sĩ, cộng đồng doanh nghiệp và đạt kết quả là một môi trường được thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, vị thế của Việt Nam khác nhiều.

Niềm tin của thị trường, niềm tin của xã hội được nâng lên, cộng với việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Bên cạnh đó là các vấn đề cụ thể như tinh giản biên chế cán bộ, công chức, tự chủ của đơn vị sự nghiệp hướng tới giảm dần chi thường xuyên để tăng cho đầu tư phát triển...

Nếu quyết tâm ngay từ những ngày đầu, tháng đầu thì chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ của 2018 với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-6,7% như Quốc hội đã đặt ra. Và quan trọng là tăng trưởng bền vững, chất lượng chứ không phải tăng trưởng để tạo ra những gì bất ổn lâu dài.

img

- Tại hội nghị Chính phủ với 63 tỉnh, thành mới đây, Thủ tướng đưa ra phương châm hành động 10 chữ của Chính phủ năm 2018 là: Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả. Phương châm này được hiểu như thế nào?

Đây là chủ đề năm 2018 trong tinh thần xuyên suốt của một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, tạo mọi điều kiện cho sản xuất kinh doanh. Năm 2018, Chính phủ nhấn mạnh việc kế thừa, tận dụng đà của năm 2017. Trong đó, hai điều cốt lõi là kỷ cương và hành động.

Nói cụ thể, ở đây có 2 vế. Thứ nhất, Chính phủ đề cao kỷ cương và liêm chính. Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân, xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ. Những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực và thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm sẽ bị thay thế.

Thứ hai, Chính phủ lấy hiệu quả làm thước đo cho hoạt động. Phải có sự đồng bộ giữa nói và làm, đã làm thì phải sáng tạo, quyết liệt cốt sao đạt hiệu quả cao nhất chứ không cứng nhắc theo quy trình. Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống sáng tạo và sáng tạo hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ, luôn tìm ra giải pháp tối ưu để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới với công nghệ liên tục thay đổi; phải làm sao để sử dụng nguồn lực ít nhất nhưng đem lại hiệu quả phục vụ nhân dân tốt nhất.

Về nhận thức, đó là bước cụ thể hóa trong chỉ đạo, điều hành. Nó thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, dám đối diện khó khăn, hành động vì dân, vì doanh nghiệp, vì sự phát triển của đất nước.

img

- Nói về cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng khẳng định đây là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Tuy nhiên, lĩnh vực công nghệ, công nghiệp trình độ cao ở nước ta gần như còn rất nhỏ bé, rất ít sản phẩm có thể nhớ tên như Zalo, Bphone, Flappy Bird… Vậy, Nhà nước có chính sách cụ thể gì để hỗ trợ, giúp các sản phẩm "Made in Vietnam" vươn tầm thế giới?

Thực tế, nói về phát triển thị trường công nghệ thông tin hay phát triển công nghiệp 4.0, chúng ta còn khiêm tốn. Trong bài phát biểu tại hội nghị với các địa phương vừa rồi, Thủ tướng cũng nhắc lại rằng nền kinh tế của chúng ta vẫn chưa sẵn sàng với công nghiệp 4.0; còn hạn chế trong bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và chưa có giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng lợi dụng mạng xã hội đưa tin xấu độc...

img

Mục tiêu của Thủ tướng là làm sao tạo ra thành phố thông minh, Chính phủ điện tử cho đến các sản phẩm cụ thể như các phần mềm ứng dụng... Cơ chế để tạo ra sản phẩm này là khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đổi mới, doanh nghiệp sáng tạo.

Khi Thủ tướng tiếp tỷ phú Jack Ma thì nhận ra ở nước ngoài họ quyết liệt thực hiện thanh toán điện tử. Nếu chúng ta cứ thanh toán tiền mặt như hiện nay thì không thể giảm chi phí, không thể kiểm soát thị trường được.

Đi vào vấn đề cụ thể, Chính phủ đang giao cho Bộ Khoa học Công nghệ xây dựng kế hoạch để thưc hiện cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là chương trình rất lớn, trong đó có cả những vấn đề liên quan đến Chính phủ điện tử, cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển công nghiệp 4.0.

-  Thủ tướng bày tỏ sự lo ngại trước các thông tin xấu độc trên mạng xã hội và những bất cập trong phương thức quản lý. Bên cạnh đó, vấn đề thất thu thuế, kiểm soát dòng tiền của các trang mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube gần đây được nói đến nhiều từ cả các chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước. Theo ông, chúng ta cần biện pháp gì để hạn chế, ngăn chặn?

An ninh mạng, an ninh thông tin là vấn đề lúc nào Thủ tướng cũng đề cập tới bởi nó rất quan trọng, liên quan đến an ninh quốc gia. 

Chúng ta đặt vấn đề là máy chủ của Google, Facebook toàn bộ ở nước ngoài. Thời đại công nghệ 4.0, thông tin số mà bảo họ mang máy chủ đặt ở Việt Nam thì không phải, đặt đâu không quan trọng. Đây là bài toán rất khó, rất lớn, Trung Quốc làm được nhưng nhiều nước tiềm lực kinh tế lớn hơn ta rất nhiều cũng chưa làm được.

Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Quốc phòng đã vào cuộc rất mạnh và chúng ta đã làm giảm được rất nhiều để ngăn chặn tình trạng lợi dụng để nói xấu, tạo ra những luận điệu không tốt nhưng nói triệt để thì chưa. Cho nên, vấn đề kiểm soát thông tin độc thế nào, thông tin xấu thế nào thì các cơ quan chức năng phải từng bước giải quyết. Biện pháp cụ thể thế nào thì không thể nói hết được nhưng tinh thần là chúng ta minh bạch.

Khi tiếp lãnh đạo các tập đoàn Google, Facebook, Thủ tướng đề nghị kiểm soát thông tin độc, thông tin nói xấu, thông tin không đúng. 

Thủ tướng, Bộ trưởng nói về cách mạng công nghiệp 4.0: Cách mạng công nghệ 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt.

img

- Trở lại vai trò người đứng đầu Tổ công tác của Thủ tướng, thời gian đầu  hoạt động, Tổ vấp phải những sức ép ngược lại từ các bộ, ngành, địa phương. Bộ trưởng từng kể câu chuyện “Ông là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao ông kiểm tra phê bình tôi?”. Bây giờ thì sao?

Nét mới của Chính phủ mới là việc thành lập Tổ công tác Thủ tướng với nhiệm vụ đôn đốc các bộ, ngành việc Thủ tướng, Chính phủ giao. Đây có thể nói là nhiệm vụ rất nặng nề, chưa có tiền lệ, chưa có thông lệ và quy định.

img

Điều đầu tiên khi kiểm tra là phải nghiên cứu đầy đủ chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, xem kiểm tra gì, nói gì; cái nào thuộc thẩm quyền của Tổ công tác, cái nào truyền tải ý kiến của Thủ tướng, vấn đề nào Thủ tướng khen ngợi, nhắc nhở, phê bình… Đây là việc rất nhạy cảm và dễ va chạm.

Khi Tổ công tác có những cuộc kiểm tra đầu tiên ở Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính, đúng là có câu chuyện như bạn hỏi. Thực ra, trước khi thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi đã lường được. Chúng tôi cũng nói rõ rằng đây là nhiệm vụ Thủ tướng giao, chúng tôi không có thẩm quyền phê bình mà chỉ chuyển tải thông điệp, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tới Bộ trưởng.

Tổ công tác kiểm tra nhiệm vụ Chính phủ giao, chỉ muốn tìm ra lý do chưa hoàn thành, để cùng nhau phối hợp chứ không phải là cơ quan thanh tra, kiểm tra và không mang tính bới móc, soi mói. Chúng tôi cũng sẵn sàng nhận lỗi nếu như Văn phòng Chính phủ tham mưu cho Thủ tướng giao các đơn vị thực hiện nhiệm vụ không đúng về thời gian hay điều kiện thực hiện.

Qua đó, Tổ giúp Thủ tướng đánh giá được việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành. Và quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách ban hành nếu không đi vào cuộc sống.

Sau một thời gian ngắn thì các bộ trưởng khác rất mong mỏi Tổ công tác về giúp cho bộ của mình.

Quan điểm “Anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao anh kiểm tra tôi” giờ đã lãng quên rồi, không còn nữa.

- Khi giao nhiệm vụ cho Tổ công tác hơn một năm trước thì Thủ tướng yêu cầu rõ ràng là phải bắn trúng đích chứ không phải bắn chỉ thiên. Đến nay yêu cầu đó được thực thi thế nào?

img

Việc đó đã đạt được mong đợi ban đầu của Thủ tướng. Kiểm tra không phải cưỡi ngựa xem hoa mà phải có mục tiêu theo từng thời kỳ. Khi thành lập Chính phủ mới thì cái quan trọng nhất là phải rà soát lại toàn bộ thể chế, hoàn thiện thể chế. Trước đây nợ đọng văn bản nhưng giờ không còn nợ nữa thì tập trung kiểm tra, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện thể chế đó.

Vào giữa năm 2017, khi Thủ tướng chỉ đạo về tăng trưởng thì Tổ công tác giúp Thủ tướng đi thực tế xuống các tập đoàn, địa phương và thấy rằng cần có sự tháo gỡ.

Tháng 8/2017 khi Thủ tướng đưa ra Nghị quyết 75 và 115 của Chính phủ về cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho doanh nghiệp, cắt bỏ rào cản trong kiểm tra chuyên ngành và các điều kiện liên quan, Tổ công tác đã làm việc tại cơ quan hải quan tại Hải Phòng, rồi khu vực 3 của TP.HCM, xuống các bộ, ngành có liên quan đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Trong 41 lần, chúng tôi đã dành ra 9 cuộc kiểm tra chuyên ngành và thấy việc này đã bắn đúng chỗ, đi đúng đường. Tức là trước khi đi kiểm tra chúng tôi phải nghiên cứu kiểm tra chuyên ngành thế nào. Thủ tướng yêu cầu công khai minh bạch, có cơ quan báo chí và cộng đồng doanh nghiệp đi cùng, nên nếu Tổ công tác nói sai, kiểm tra sai thì không được. Còn đã kiểm tra đúng rồi thì các bộ, ngành phải thực hiện nghiêm túc.

Có thể nói hoạt động của Tổ công tác ban đầu đã đạt kỳ vọng. Chúng tôi mong muốn làm rất nhiều nhưng thời gian chỉ mới hơn một năm thôi.

img

- Làm việc cạnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một Thủ tướng rất năng động, ông có bao giờ thấy quả tải?

Thủ tướng quyết tâm như thế thì Văn phòng không thể khác được. Chúng tôi nói nhau là xây dựng Văn phòng Chính phủ hiện đại, chuyên nghiệp, không cần nhiều người, không đao to búa lớn nhưng công việc phải hiệu quả, làm sao người dân, doanh nghiệp hài lòng hơn.

Chúng tôi luôn mong nhận được sự đánh giá khách quan từ các bộ, ngành và địa phương. Ngay cả kênh tương tác Chính phủ với người dân, người dân cũng cho điểm. Khi trả lời không đúng là người ta cho điểm 0. Chúng tôi cũng đang viết lại phần mềm trang Doanh nghiệp với Chính phủ để họ chấm điểm, đánh giá khách quan.

Không chỉ riêng tôi mà tất cả các bộ ngành, địa phương đều áp lực vì một Chính phủ hành động thì hành động cả hệ thống. Tôi chỉ là hạt cát trong biển cát. 

img

- Thời điểm nhậm chức, ông chia sẻ áp lực bởi những người tiền nhiệm. Vậy giờ đây, khi chuẩn bị bước sang năm thứ 3 của nhiệm kỳ, ông cảm thấy thế nào?

Một ngày sau khi được Quốc hội phê chuẩn, trả lời báo chí, tôi nói đây là công việc áp lực lớn. Lớn vì sao, vì thứ nhất tôi nghĩ đến chuyện “từ ngòi ra biển”, làm những công việc ở địa phương không có. Thứ hai là áp lực của những người tiền nhiệm làm rất tốt, mình làm không được cũng chết.

Tuy nhiên, với tâm thế lên đây giúp việc cho Thủ tướng nên tôi quyết tâm ngay từ đầu nắm bắt công việc, tạo sự đoàn kết thống nhất của cơ quan nhưng phải đổi mới. Chuyện va chạm là bình thường nhưng mình phải làm, không khác được. Tôi làm tốt việc, tôi đôn đốc là vì cái chung chứ không phải để mang về nhà. Sức ép công việc như thế tôi cho là đúng thôi, ai cũng thế.

Làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm có thể nhiều người muốn nhưng nói tiếp xúc báo chí thì không phải ai cũng thích. Nếu như không có bản lĩnh, không tâm huyết, không chịu xem, chịu đọc, chịu nhớ thì không đủ thông tin cung cấp cho báo chí, không đủ thông tin đối thoại doanh nghiệp... Sức ép rất lớn nhưng trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ là phải như vậy.

img

- Xin Bộ trưởng chia sẻ về thời gian biểu của một ngày làm việc điển hình. Sở thích, đam mê cá nhân nào ông buộc phải từ bỏ khi đảm nhiệm cương vị bận rộn hiện nay?

Tôi nghĩ tỷ lệ là 50-50. Một nửa thời gian làm việc với Chính phủ và một nửa dành cho công việc của Văn phòng.

Nói về sở thích thì thực ra tôi có nhiều nhưng phải tập trung thời gian cho công việc. Thời gian dành cho thể thao tuy hạn chế nhưng mình phải sắp xếp. Tôi động viên anh em trong văn phòng tự chọn cho mình môn thể thao hợp lý để rèn luyện, giữ sức khỏe.

Bản thân tôi rất ham mê tennis. Buổi sáng tôi dậy chơi từ 5h ở sân Khúc Hạo (quận Ba Đình - PV). Tôi đánh đến 6h15, sau đó thì phải bắt đầu công việc sớm. Buổi sáng tôi tranh thủ xem tài liệu, đọc báo, dành thời gian nghiên cứu tài liên quan tổ công tác, tổ tư vấn cải cách hành chính, trách nhiệm tham mưu xử lý cho Thủ tướng hay một số việc cụ thể. Nếu chỉ có chỉ đạo không mà không làm việc cụ thể thì không thể nắm bắt hết được.

- Điều hài lòng nhất và điều chưa hài lòng trong 2 năm qua của ông là gì?

img

Hài lòng nhất là khi kinh tế phát triển anh em Văn phòng Chính phủ cũng cảm thấy mình được góp một phần nhỏ bé vào thành công chung. Hay lúc có sự chuyển động tích cực từ Văn phòng Chính phủ thấy rất vui, trong cơ quan có sự đầm ấm, cởi mở. Anh em đi đâu cũng hồ hởi, không có hiện tượng mất đoàn kết, không có đơn thư khiếu kiện.

Thủ tướng nói xây dựng Chính phủ kiến tạo mà Văn phòng không chuyển, không đáp ứng yêu cầu thì không còn là văn phòng tham mưu cho Thủ tướng nữa. Mà không cẩn thận thành rào cản. Chính vì vậy chúng tôi quyết liệt áp dụng công nghệ thông tin để minh bạch hoá tất cả. Ứng dụng công nghệ thông tin thì không thể giấu giếm được vì ngày nào làm gì đều có lưu vết.

Những cán bộ để bị kiểm tra, nhắc nhở, phản ảnh của địa phương không tốt thì không thể chấp nhận. Giao công việc, để quá hạn thì phải chịu trách nhiệm. Khi có sự đánh giá công tâm, cán bộ sẽ tự gắn trách nhiệm không cần đôn đốc, quẹt thẻ. 

Hiện, cán bộ Văn phòng Chính phủ làm việc rất tự giác, đến 9-10h tối điện vẫn sáng, ngày nghỉ hầu như các vụ đều làm việc. Anh em làm việc tăng giờ, thêm giờ, làm việc ngoài giờ, điều đó có thể nói là rất mừng khi quyết tâm của Thủ tướng đã chuyển tải tới từng cán bộ công chức, viên chức của Văn phòng.

Sự chuyển động của Văn phòng cũng nhận được đánh giá tích cực từ các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, đối với tôi thì mong muốn còn phải tốt hơn nữa chứ chưa phải dừng ở mức như thế này.

img