Dân Việt

Quảng Ninh đã làm được những gì để các địa phương học hỏi ?

Nguyễn Quý 01/01/2018 18:44 GMT+7
Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương trong ngày 29.12.2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh thời gian qua có nhiều sáng tạo trong huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Thủ tướng đề nghị các địa phương trong cả nước cần phải học tập cách làm của tỉnh Quảng Ninh…

Nơi không chỉ có than

Năm 2017, mặc dù công nghiệp khai khoáng gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, lượng than tồn kho lớn, sản lượng khai thác than giảm nên chỉ số phát triển của ngành khai khoáng tăng trưởng âm, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp - xây dựng, song lĩnh vực xây dựng và đặc biệt khu vực dịch vụ của Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng cao đã góp phần bù đắp sự giảm sút của công nghiệp khai khoáng, bảo đảm duy trì tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao và ổn định.

img

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long (đứng giữa) chào đón các vị khách quốc tế đến "xông đất" Hạ Long trong ngày 1.1.2018. (Ảnh: Nguyễn Quý)

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, sản xuất than đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh (đóng góp 46,9% tổng thu ngân sách nội địa, chiếm 18,5% GRDP). Tuy nhiên, năm 2017 ngành than gặp nhiều khó khăn: Sản lượng than sạch giảm 0,9% cùng kỳ; lượng than cung cấp cho nhà máy nhiệt điện chạy than giảm mạnh (4 triệu tấn) do ngành điện ưu tiên huy động các nhà máy thủy điện để khai thác tối đa nguồn nước; than cung cấp cho xi măng giảm 18,2%; giá thành than tăng cao (do thuế, phí, khai thác xuống sâu, tăng hệ số bóc đất, tăng cung độ vận chuyển...).

Không những vậy, xuất khẩu than cám vào thị trường Trung Quốc gặp rào cản về mặt kỹ thuật; chủ trương của Chính phủ cho phép các đơn vị ngoài TKV, Tổng công ty Đông Bắc được phép cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện; lượng than sạch tồn kho lớn (trên 10 triệu tấn)...

Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực (GRDP) của Quảng Ninh đạt 10,2%, cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước và các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) ước đạt 122.576 tỷ đồng, tăng 10,8%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.528USD/người/năm, tăng 11,8% (năm 2016: 4.050USD). 

img

Các kỹ sư đang thực hiện giám sát kỹ thuật tại gói thầu xây dựng nhà ga, Dự án Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn. (Ảnh: Nguyễn Quý)

Tổng số khách du lịch ước đạt 9 triệu 872 nghìn lượt, tăng 18% cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt trên 4,28 triệu lượt, tăng 23%. Tổng doanh thu ngành du lịch đạt 17.885 tỷ đồng, tăng 30% cùng kỳ.

Để có được những con số ấn tượng này, theo ông Nguyễn Văn Thành, là nhờ sự phát triển mạnh mẽ của nhiều ngành, khu vực, trong đó nổi bật nhất là khu vực dịch vụ. Năm 2017 là năm Quảng Ninh đã thực sự phát huy được lợi thế từ du lịch. Hoạt động du lịch có bước tiến quan trọng, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, môi trường kinh doanh du lịch được cải thiện; mở rộng thị trường, quảng bá xúc tiến, truyền thông du lịch hướng đến tính chuyên nghiệp. Nhiều dự án đầu tư về du lịch đã đưa vào khai thác, tạo dấu ấn đặc sắc, tăng sức hấp dẫn, lưu giữ du khách dài ngày hơn. 

Xây dựng "Nơi cần đến và đáng sống"

Nếu đến Quảng Ninh vào thời điểm hiện tại, dễ nhận thấy nơi đây đang ngổn ngang với những đại công trường. Hàng loạt dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu kinh tế, chỉnh trang đô thị đã và đang được đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng như: Đường cao tốc Hạ  Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Cẩm Hải - Vân Đồn, Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến, cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18A đoạn Hạ Long - Mông Dương, Cảng hàng không Vân Đồn, Dự án đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với Khu công nghiệp - Nam Tiền Phong; Nút giao thông Loong Toòng…

Chưa dừng lại, một số công trình, dự án trọng điểm như: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, đường trục chính từ Cảng hàng không đến khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, Cảng khách Hòn Gai... đang chuẩn bị thủ tục đầu tư.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  thị sát việc xây dựng các công trình quan trọng tại Vân Đồn. (Ảnh: Minh Cương)

Hàng loạt công trình nghìn tỷ đã và đang được xây dựng ở Quảng Ninh, góp phần đưa đất mỏ thành "Nơi cần đến và đáng sống" - thương hiệu mà địa phương này đang phấn đấu xây dựng.

Cũng trong năm 2017, Quảng Ninh đã dồn sức tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Mọi chu trình đã được tiến hành khẩn trương và thận trọng, từ lấy ý kiến của cử tri, ý kiến của HĐND cấp xã, cấp huyện Vân Đồn, đến trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và báo cáo Hội đồng thẩm định Trung ương.

Đồng thời, Quảng Ninh đã tích cực, chủ động tham gia cùng Bộ, ngành T.Ư xây dựng dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Ngày 10.10.2017 Chính phủ đã có Tờ trình 411/TTr-CP trình Quốc hội xem xét dự án Luật.

img

Phối cảnh dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.

“Khi Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn được Quốc hội thông qua, sẽ góp phần tạo động lực, mô hình mới, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh trong những năm tiếp theo” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành khẳng định.

Tỉnh Quảng Ninh đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong năm mới 2018. Đó là tiếp tục kế thừa những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được; hiệu ứng tích cực của Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn sau khi được Quốc hội thông qua; cùng với các quy hoạch chiến lược, các dự án động lực sẽ phát huy mạnh mẽ; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước; cùng với sự tích cực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân sẽ tạo ra thế và lực mới, những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.