Tên thật là chìa khóa để xác ướp được yên nghỉ vĩnh hằng.
Theo Daily Mail, các nhà nghiên cứu tại Đại học London (UCL) sử dụng kỹ thuật quét mới để xác định danh tính xác ướp Ai Cập, vốn được trưng bày tại lâu đài Chiddington ở Kent.
“Xác ướp Ai Cập trưng bày tại đây mới được các nhà nghiên cứu tại Đại học London đến giám định, nhằm xác định tên thật của xác ướp tồn tại cách đây 3.000 năm”, nhân viên lâu đài, Maria Esain nói.
“Truyền thuyết Ai Cập kể rằng, nếu đọc đúng tên của xác ướp quá cố, chúng ta có thể đưa người ấy đến với cuộc sống vĩnh hằng. Đó chính là điều mà các nhà nghiên cứu muốn xác định, thông qua những dòng chữ ghi bên cạnh quan tài”.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học London sử dụng kỹ thuật hình ảnh đa quang để chụp ảnh xác ướp, thông qua quang phổ điện từ.
Xác ướp Ai Cập 3.000 năm tuổi lưu giữ tại lâu đài Chiddington ở Anh.
Tiến sĩ Kathryn Piquette, chuyên gia đến từ UCL dùng đến bộ lọc hồng ngoại để tìm kiếm những dòng chữ tượng hình được che giấu cẩn thận.
Kết quả thu được là rất khả quan. Những chữ tượng hình ngay lập tức hiện ra. Sau vài ngày tham khảo các chuyên gia Mỹ và Ai Cập, tiến sĩ Piquette nói nhóm nghiên cứu khác chắc chắn tên của xác ướp là Irethorru hoặc Irethoreru.
Đây là một cái tên khá phổ biến của người đàn ông sống ở Ai Cập giai đoạn năm 664 trước Công nguyên – 30 sau Công nguyên.
Các nhà khoa học Anh cũng hy vọng công nghệ này sẽ giúp đọc được chữ tượng hình Ai Cập xa xưa trên nhiều hiện vật mà không cần thiết phải phá hủy hiện vật.
“Thật khó chấp nhận khi chúng ta chứng kiến những đồ vật cổ xưa không còn nguyên vẹn chỉ để cố gắng đọc được những dòng chữ in trên đó”, tiến sĩ Piquette nói.
Xác ướp tìm thấy có niên đại hơn 1.000 năm được bảo quản trong điều kiện rất tốt với quan tài trang trí cầu kỳ.