Miền Tây là nơi quanh năm có nhiều hoa thơm quả ngọt nên mảnh đất này cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi: dơi quạ, dơi sen, dơi chó, dơi hương…
Người dân miệt sông nước chỉ sử dụng hai loại dơi chính dơi sen và dơi quạ để chế biến món ăn. Dơi quạ là dơi đen và to con hơn, dơi sen màu lông chuột. Hai loại dơi này đều xấu và hôi nhưng dơi bắt được ngửi càng hôi thì thịt lại càng thơm và trở thành món nhậu ngon trứ danh của người dân nơi đây.
Loài dơi thường sống thành bày đàn. Ảnh: VTV
Để bắt được dơi, vào chập tối, người ta dùng lá mì chụm lại thổi, bắt chước tiếng dơi kêu để dẫn dụ chúng đến. Sau khi nghe tiếng dơi mồi kêu, dơi thường tìm đến và sà xuống thấp. Cứ thể, dân săn dơi cứ dùng dợt mà bắt. Càng về đêm, dơi xuống càng nhiều nên việc bắt dơi lúc đó vô cùng dễ dàng. Dơi nhờ ăn toàn trái cây nên thịt rất ngon, ăn rất mát và bổ, có thể chế biến thành nhiều món như: dơi khìa nước dừa, trộn gỏi bắp cải, cuốn bánh tráng chấm nước mắm chua ngọt, nướng chao, nướng than tàu…nhưng nhiều người rất thích nhất vẫn là món dơi sen nấu cháo và dơi xào lăn.
Nghe thì hấp dẫn nhưng những người lần đầu được chứng kiến cách chế biến dơi cũng thấy "chết khiếp" bởi con dơi trông rất đen, xấu và trông dữ tợn. Để làm món dơi ngon, thao tác làm thịt dơi phải đúng cách, nếu không thịt dơi sẽ mất đi hương thơm và vị ngọt. Đặc biệt, khi làm thịt dơi không được rửa nước. Người chế biến nắm cánh dơi, lột da, rồi ngắt phía sau rút hết ruột, thế là xong.
Để nấu cháo, thịt dơi có thể băm nhỏ hoặc xắt miếng, bắc chảo lên khử tỏi cho thơm, rồi để thịt vào xào, vừa chín thì lấy ra cho vào nồi cháo nấu tiếp, nêm nếm vừa ngon thì dùng tô đã chuẩn bị sẵn, rau bắp chuối để dưới và múc cháo vào, ăn nóng. Tiêu, ớt, chanh xắt và nước mắm chua ngọt sẵn sàng để tuỳ theo khẩu vị mà người ăn có thể thêm vào. Điểm độc đáo là cháo dơi rất thơm ngọt tự nhiên.
Cháo dơi là món ăn được nhiều du khách đến miền Tây thích thú. Ảnh: Foody
Đơn giản nhất vẫn là dơi xào lăn. Sau khi sơ chế, dơi được chặt thành từng khúc nhỏ, xào với sả, ớt. Miếng thịt dơi xào lăn vừa mềm vừa giòn, ngọt đượm đà, bùi bùi, ngai ngái đặc trưng lẫn trong sả cay, ớt nồng khiến ta vừa ăn vừa hít hà và nhớ mãi. Theo kinh nghiệm của người dân, dơi càng hôi thì thịt càng đậm đà. Huyết dơi có tính hàn, mát, trong dân gian thường pha huyết dơi với rượu được cho là có tác dụng chữa bệnh hen suyễn, thị lực kém…
Bởi thế, có dịp đến miền Tây, bạn nhất định phải tìm ăn cho được món ăn từ dơi, để tận hưởng mùi thịt dơi thơm ngọt tự nhiên, cảm nhận món ăn đặc sản của miệt sông nước.
Xem thêm: Những món ăn "sởn da gà" không phải ai cũng dám thử khi đến miền Tây