Dân Việt

Tổng thống Mỹ Richard Nixon với "Lý thuyết người điên"

Nhật Minh 03/01/2018 10:30 GMT+7
Thời điểm cuộc khủng hoảng Triều Tiên - Mỹ đang ngày càng trở nên căng thẳng với những đe dọa tấn công nhau bằng vũ khí hạt nhân, cùng nhìn lại cách đây 43 năm, các phụ tá của Tổng thống Mỹ Richard Nixon cũng từng ám ảnh bởi việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ám ảnh hạt nhân

Khung cảnh ở bãi cỏ phía nam Nhà Trắng ngày 9.8.1974 vẫn còn sống động với nước Mỹ. Sáng hôm đó, Tổng thống Richard Nixon lên chiếc Marine One lần cuối cùng, nở một nụ cười tươi và giơ hai ngón tay tạo thành chữ V trước đám đông.

Tuy nhiên, một trong những điều thú vị nhất ngày hôm đó không diễn ra tại bãi cỏ phía nam: Mặc dù Tổng thống Nixon còn hơn hai tiếng nữa mới kết thúc nhiệm kỳ, nhưng công cụ quan trọng nhất của một tổng thống Mỹ thời hiện đại đã không còn ở cạnh ông nữa. Ông Nixon không bao giờ biết rằng chiếc vali hạt nhân không đi cùng mình khi ông lên chiếc trực thăng Marine One và chiếc Không lực Một lúc ông bay về California.

img

Tổng thống Nixon (giữa) cùng trợ lý Haig (trái) và Kissinger tại Florida.

Trong một quốc gia dân chủ mà quyền lực không được kế thừa kiểu cha truyền con nối, chiếc vali hạt nhân là thứ hữu hình duy nhất đại diện cho nguyên thủ quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, vào ngày tháng 8 đó, nó đã bị tước khỏi tay ông Nixon một cách lặng lẽ và yên vị trong Nhà Trắng với vị Tổng tư lệnh mới Gerald Ford.

Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger nhiều năm sau nhớ lại rằng, trong những ngày cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống, Tổng thống Nixon đã đưa ra một loạt mệnh lệnh chưa từng có tiền lệ: Nếu tổng thống ra lệnh phóng hạt nhân, các vị tư lệnh quân đội cần phải kiểm tra với cả tổng thống hoặc Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger trước khi thực hiện mệnh lệnh. Ông Schlesinger sợ rằng Tổng thống Nixon, người dường như đang chán nản và uống nhiều rượu, có thể ra lệnh nhấn nút hạt nhân, tạo ra ngày tận thế.

Bản thân ông Nixon từng khiến các quan chức Mỹ sợ hãi khi trong một cuộc họp với các nghị sĩ đã nói: "Tôi có thể vào văn phòng, nhấc điện thoại và trong vòng 25 phút, hàng triệu người sẽ chết". Thượng nghị sĩ Alan Cranston đã gọi điện cho ông Schlesinger, cảnh báo về việc "cần phải ngăn một tổng thống cáu tiết đẩy chúng ta vào kỳ diệt chủng".

Lo ngại của ông Cranston cũng là mối lo ngại từ những ngày đầu Chiến tranh Lạnh. Hệ thống hạt nhân của Mỹ được thiết kế để thực hiện lệnh phóng của Tổng tư lệnh ngay lập tức. Tên lửa sẽ rời hầm chứa chỉ bốn phút sau khi tổng thống ra lệnh bằng miệng. Trong Chiến tranh Lạnh, một giây cũng không thể lãng phí.

Quyền đơn phương ra lệnh dùng vũ khí hạt nhân lớn và đáng sợ đến mức mà nhiều năm trước vụ bê bối Watergate, tổng thống Nixon đã biến nó thành chiến lược chính trị của riêng mình và đặt ra “Lý thuyết người điên” (Madman Theory). Theo đó, ông đe dọa Liên Xô và Việt Nam rằng ông ta có thể điên rồ tới mức tấn công hạt nhân cả hai nước này nếu họ không chịu làm theo yêu cầu của ông.

Thời Chiến tranh Lạnh, giới quan sát đều cho rằng lãnh đạo của Mỹ và Liên Xô đủ lý trí để tránh một cuộc chiến tranh hạt nhân khiến cả hai nước bị hủy diệt. Tuy nhiên, “Lý thuyết người điên” đã buộc thế giới phải xem xét một lựa chọn đáng sợ hơn: Rằng người chịu trách nhiệm với vũ khí hạt nhân có thể không lý trí.

Quay lại với Tổng thống Nixon, như nhiều nhân viên Nhà Trắng lo ngại về tình trạng tâm thần của ông. Đầu nhiệm kỳ, ông đã bay ra nước ngoài trên chiếc máy bay "Không lực Một Ngày tận thế" (Doomsday Air Force One), tức máy bay điều khiển hạt nhân của tổng thống, và thực hiện các cuộc diễn tập hạt nhân.

Sau này, chánh văn phòng Nhà Trắng khi ấy, H. R. Haldeman viết trong nhật ký rằng Tổng thống Nixon tỏ ra sốt sắng với cuộc diễn tập. Ông hỏi rất nhiều câu về năng lực hạt nhân của Mỹ và rõ ràng lo lắng khi biết tấn công hạt nhân có thể khiến hàng triệu người chết.

Chỉ có điều, Ngoại trưởng Kissinger hiểu Tổng thống Nixon sẽ không bao giờ thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn điên rồ mà Lầu Năm Góc đã vạch sẵn trong trường hợp Liên Xô tấn công Mỹ. Ông Kissinger nói: "Nếu đó là tất cả những gì đang có, ông ấy sẽ không làm điều đó".

Kế hoạch dọa Liên Xô

Tuy nhiên, Tổng thống Nixon chắc chắn đã tìm cách làm cho Liên Xô tin rằng ông ta sẽ dùng vũ khí hạt nhân. Mùa hè năm 1969, ông biết mình cần làm một điều gì đó về cuộc chiến ở Việt Nam. Ông ta được bầu làm tổng thống để chấm dứt cuộc chiến. Nhưng nhiều tháng sau, hòa bình vẫn mất dạng.

img

Chiếc vali hạt nhân.

Lúc này, Nixon quay ra "Lý thuyết Người điên", một lý thuyết trò chơi để gieo rắc sự bất an vào tâm trí người Liên Xô, để họ phải băn khoăn liệu tổng thống Nixon có dùng vũ khí hạt nhân không nếu bị kích động. Nhà Trắng cần phải thuyết phục Liên Xô rằng ông sẽ dùng tới bất kỳ biện pháp gì, kể cả tấn công hạt nhân, để có được hòa bình ở Việt Nam. Tổng thống Nixon chưa bao giờ công khai dùng thuật ngữ "người điên" nhưng ông ta muốn các đối thủ có cảm giác rằng không bao giờ có thể biết ông ta sẽ làm gì tiếp theo.

Bước đầu tiên trong “Kế hoạch người điên” là đặt một hạn chót công khai cho tiến triển trong đàm phán hòa bình. Cả tổng thống Nixon và Kissinger đồng ý hạn chót là 1.11 và trong một cuộc gặp bí mật tháng 8, Kissinger đã chuyển hạn chót này cho miền Bắc Việt Nam. Ông Nixon muốn dư luận biết rằng ông ta đã đạt tới điểm có thể làm bất kỳ điều gì để chấm dứt chiến tranh.

Ngày 6.10, Kissinger ra lệnh thực hiện một loạt biện pháp cảnh báo tăng cường để đánh tiếng cho Liên Xô biết rằng các lực lượng chiến lược Mỹ đang ngày càng sẵn sàng.

Cuối cùng, Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Hội đồng An ninh Quốc gia đã thống nhất 8 lựa chọn, trong đó có ngừng các chuyến bay huấn luyện, duy trì tình trạng im lặng liên lạc và phái máy bay ném bom hạt nhân tới các sân bay khắp nước.

Ngày 10.10, hàng nghìn nhà hoạt động phản chiến đã tiến về Washington để biểu tình cuộc đầu tiên trong hàng loạt cuộc biểu tình kéo dài. Quân đội Mỹ bắt đầu lên kế hoạch bí mật cho một cuộc chiến. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân đã gửi điện cho các tướng Mỹ khắp thế giới, ra lệnh cho họ trong trạng thái sẵn sàng. Ông này giải thích: "Những hành động này cần được cho người Liên Xô thấy rõ nhưng không mang tính chất đe dọa".

Lầu Năm Góc lệnh cho từng đơn vị quân đội Mỹ thực hiện các bước khác nhau vào những ngày khác nhau, bắt đầu từ ngày 13.10 - trùng với ngày diễn ra một cuộc diễn tập quân sự khác tên là HIGH HEELS 69 với sự tham gia của hàng chục đơn vị quân đội Mỹ và cơ quan tình báo để diễn tập chiến tranh hạt nhân. Để giảm thiểu nguy cơ rò rỉ, chỉ bốn quan chức Nhà Trắng gồm Tổng thống Nixon, Kissinger, Haldemand và Alexander Haig (trợ lý quân sự của Kissinger) biết về kế hoạch.

Ngày 13.10, Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược, tức lực lượng máy bay ném bom hạt nhân Mỹ, đã báo cho 176 máy bay ném bom và 189 máy bay tiếp liệu sẵn sàng. Động thái này là điều khiến Liên Xô sẽ chú ý.

Haldermann viết trong nhật ký ngày 17.10 rằng Kissinger đã thực hiện đủ loại hoạt động tín hiệu trên khắp thế giới để tìm cách tác động tới Liên Xô. Điều đó đã có hiệu quả. Chỉ vài ngày diễn tập, Đại sứ Liên Xô Anatoly Dobrynin, đã đề nghị gặp khẩn tổng thống Nixon và Kissinger. Trước khi diễn ra cuộc gặp, Kissinger nhấn mạnh với tổng thống: "Mục tiêu cơ bản của ngài sẽ là khiến cho Liên Xô lo ngại về việc chúng ta có thể làm vào ngày 1.11".

Trong cuộc gặp đó, ông Nixon đã thúc ép Liên Xô về vấn đề Việt Nam. Kissinger ấn tượng trước vẻ lạnh lùng của Tổng thống Nixon và sau này nói với ông ta rằng ông ta có "gan của một tay đánh bạc chuyên nghiệp".

Trong khi Đại sứ Dobrynin báo cáo lại với Điện Kremlin với một biên bản dài dằng dặc, Tổng thống Nixon đã nói rằng ông ta sẽ không bao giờ chấp nhận bị đánh bại nhục nhã hoặc các điều kiện nhục nhã. Ông Dobrynin cảnh báo với các lãnh đạo Liên Xô: "Cuộc nói chuyện với Tổng thống Nixon cho thấy rõ ràng là các sự kiện quanh cuộc khủng hoảng Việt Nam giờ đã hoàn toàn chiếm lĩnh tâm trí Tổng thống Mỹ. Rõ ràng là điều này nhuốm màu cảm xúc đến mức ông Nixon không thể kiểm soát chính mình thậm chí là khi nói chuyện với một đại sứ nước ngoài".

Sáng 26.10, Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược đã điều 6 máy bay ném bom B-52 có trang bị vũ khí tới khu vực Alaska. Người Liên Xô chắc chắn hiểu dụng ý. Đây là lần đầu tiên trong gần hai năm máy bay ném bom hạt nhân Mỹ được phái đi. Trong ba ngày, các máy bay này đã thử nghiệm hệ thống phòng không của Liên Xô, "nhảy múa" gần không phận Liên Xô một cách khiêu khích hơn bao giờ hết kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

Cùng ngày đó, trong một bức điện gửi tới Moscow, Đại sứ Dobrynin báo cáo tiếp tình hình sau cuộc gặp với tổng thống Nixon. Ông cảnh báo rằng ông Nixon ngày càng cảm tính và thiếu cân bằng.

Sau đó, mọi thứ đột ngột dừng lại. B-52 không hoạt động nữa, các cảnh báo chấm dứt, giai đoạn yên tĩnh trở lại mà không báo trước. Mỹ không bao giờ nhận được một yêu cầu giải thích nào từ một nước đồng minh. Không phóng viên nào hỏi về điều đó. Cả thế giới không biết về cảnh báo hạt nhân toàn cầu mùa thu năm 1969 đó cho đến giữa những năm 1980 và mãi đến giữa những năm 1990, thế giới mới biết đầy đủ.

Hư hư thực thực

Trong những tháng tiếp theo, rõ ràng là các động thái của Mỹ không mấy tác động tới tình hình Việt Nam hay thay đổi cán cân giữa Mỹ và Liên Xô. Dù vậy, Tổng thống Nixon về sau vẫn nói rằng vụ cảnh báo hạt nhân đó khiến Liên Xô nhanh chóng đàm phán về kiểm soát vũ khí trong những năm 1970. Ông ta cho rằng động thái cảnh báo đó vẫn đáng thử.

img

Tổng thống Nixon chuẩn bị rời đi trên chiếc Marine One sau khi từ chức vào tháng 8.1974.

Một câu hỏi lớn là: Người Liên Xô đã có thể làm gì? Nếu họ thực sự nghĩ ông Nixon đủ điên rồ để phát động tấn công hạt nhân thì họ đã có thể quyết định tấn công trước? Ít nhất có một số chỉ huy quân đội Mỹ sợ khả năng đó và không quá lạc quan về động thái đánh nghi binh chiến tranh hạt nhân. Đại tá Robert Pursley, người đã phát triển kế hoạch dọa Liên Xô nói trên cùng với Haig, về sau nói: "Chọc gậy qua song sắt vào con thú đang bị giam cầm là điều sai lầm và đó không phục vụ lợi ích chiến lược của chúng ta".

Toàn bộ chiến lược "người điên" cho thấy một thực tế mấu chốt: Tổng thống có thẩm quyền không hạn chế và ngay lập tức nhấn nút hạt nhân. Đó là hành động đơn phương quyền lực nhất mà một vị tổng tư lệnh có thể thực hiện. Trong khi hầu hết các quyền lực khác  của tổng thống đều được kiểm tra kỹ lưỡng bởi nhánh tư pháp và lập pháp, nhưng trong nhiều thập kỷ qua, nước Mỹ lại điều chỉnh quy trình phóng vũ khí hạt nhân để loại bỏ bất kỳ sự kiểm tra hay tính cân bằng nào có thể trì hoãn hoặc ảnh hưởng tới việc nhấn nút của tổng thống. Điều quan trọng với Mỹ là có thể phóng vũ khí hạt nhân càng nhanh càng tốt. Và đó là điều thật đáng sợ.

Ông Joe Cirincione, người điều hành Quỹ Ploughshares ủng hộ loại bỏ vũ khí hạt nhân, nói: "Tất cả đều do cách nghĩ thời Chiến tranh Lạnh. Tổng thống cần có thể phóng tên lửa trước khi Liên Xô phá hủy chúng. Toàn bộ quy trình được lập nên sao cho nhanh chóng và quyết đoán. Bất kỳ cái gì làm cản trở nó đều bị loại bỏ. Chúng ta có một hệ thống biến tổng thống thành một ông vua hạt nhân".