Dân Việt

Bộ trưởng Bộ Y tế: Giá thuốc giảm mạnh nhờ đấu thầu tập trung

Diệu Linh 04/01/2018 07:00 GMT+7
Chiều 3.1, chia sẻ với báo chí về những thành tựu mà ngành y tế đạt được trong năm 2017, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Nhờ đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, Việt Nam đã hạ giá thành thuốc xuống 17% so với đấu thầu thuốc thông thường, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng”.

“Giá bán buôn bao giờ cũng phải thấp hơn giá bán lẻ, thuốc gần hết bản quyền, sắp sản xuất thuốc generic thông thường không thể giữ giá cao. Do đó, chúng ta phải đàm phán, mặc cả để hạ giá thuốc xuống tốt nhất. Theo kinh nghiệm các nước từng đấu thầu thuốc tập trung, đấu thầu có thể hạ giá thuốc tới 25-30%” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

img

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ với báo chí.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, triển khai Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26.6.2014 và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã triển khai công tác đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia đợt 1 cho 21 mặt hàng thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, giảm 16,4% so với giá trúng thầu trung bình năm trước, khắc phục tình trạng chênh lệch giá thuốc trúng thầu giữa các vùng.

Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia bao gồm 5 nhóm hoạt chất sử dụng nhiều, giá thành cao và chiếm chi phí lớn trong tổng giá trị thuốc. Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia gồm 2 hình thức: đấu thầu thuốc giá cao, bao gồm các biệt dược,  thuốc gần hết hạn bản quyền và đàm phán, mặc cả giá.

Nhờ đấu thầu thuốc tốt mà biệt dược chúng ta hạ được 4% giá thành, còn thuốc generic gần 30%, tính trung bình giảm 16,4% so với giá trúng thầu trung bình năm trước, tiết kiệm được hơn 477 tỷ đồng.

img

Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia bao gồm 5 nhóm hoạt chất sử dụng nhiều, giá thành cao và chiếm chi phí lớn trong tổng giá trị thuốc. Ảnh minh họa

Thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức 3 hội nghị tại 3 miền công bố kết quả trúng thầu để các cơ sở y tế biết về khung giá và các nhà thầu trúng thầu. Các sở y tế tỉnh, thành phố và các bệnh viện căn cứ vào đó để đấu thầu thuốc theo giá đã được trúng thầu, tránh phải mua thuốc giá cao, mua giá chênh lệch quá lớn giữa các tỉnh, các bệnh viện.

Theo quy định, các Sở Y tế, các bệnh viện đều có thể tiếp tục tổ chức đầu thầu thuốc theo nhu cầu của bệnh nhân, chủ động nguồn thuốc cho bệnh viện.

Theo Bộ trưởng, đấu thầu thuốc tập trung quốc gia có nguy cơ là khi cung ứng lượng thuốc lớn có thể nhà thầu sẽ có sơ xuất nào đó mà không đảm bảo lượng thuốc cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, Bộ Y tế đã yêu cầu các nhà thầu ký cam kết đảm bảo cung ứng thuốc, nếu cần có thể liên kết với nhiều hãng thuốc để đáp ứng đủ thuốc.

Tiếp đó, Bộ Y tế đang chuẩn bị thực hiện đàm phán giá thuốc cấp quốc gia: thành lập Hội đồng đàm phán giá thuốc; thẩm định kế hoạch đàm phán giá thuốc đợt 2 gồm 8 mặt hàng thuốc biệt dược gốc quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BYT ngày 5.5.2016, dự kiến hoàn thành trong quý I.2018; xây dựng bổ sung Danh mục biệt dược gốc đã có nhiều thuốc generic thay thế thí điểm hình thức đàm phán giá (dự kiến 139 mặt hàng thuốc). 

Đối với đấu thầu trang thiết bị, vật tư, hóa chất, Bộ Y tế đã thành lập Ban Soạn thảo xây dựng thông tư hướng dẫn đấu thầu vật tư y tế tiêu hao, chuẩn bị thí điểm đấu thầu tập trung một số trang thiết bị, vật tư, hóa chất.