Dân Việt

Đoạn đời lầm lạc của thiếu niên “sa chân” năm 14 tuổi

Tô Hương Sen 04/01/2018 07:16 GMT+7
Nhìn cậu bé có khuôn mặt hiền lành, giọng nói có phần rụt rè, không ai nghĩ đây là đối tượng đã thực hiện hành vi giết người.

Đâm chết người chỉ vì một câu nói

Trong số những em nhỏ đang theo học tại Trường Giáo dưỡng số 4, thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), tôi ấn tượng nhất với cái tên Đoàn Văn Phương (14 tuổi, quê tỉnh Cà Mau). Các cán bộ tại đây cho biết, Phương vào trường từ tháng 6.2017.

Nhìn cậu bé có khuôn mặt hiền lành, giọng nói có phần rụt rè, tôi không nghĩ đây là đối tượng từng có hành vi sát nhân. Cuộc trò chuyện diễn ra trong không khí thân tình dù Phương trả lời lí nhí và không mấy tự tin.

img

Phương chia sẻ câu chuyện cuộc đời với PV báo Người Đưa Tin.

Phương bảo em mới vào trường được mấy tháng mà cứ ngỡ đã rất lâu. Cậu lí nhí chia sẻ: “Vào đây, được đi học, có bạn bè nên em rất vui. Nhưng em không tài nào vơi bớt cảm giác nhớ nhà, nhất là nhớ ba. Ngày xưa ở nhà, em chẳng bao giờ nhớ và thương ba. Nhưng bây giờ, đêm nào em cũng nhớ và thương ba lắm”.

Được các thầy cô giáo ở trường khuyên răn, nhắc nhở việc gọi điện thoại về thăm gia đình, Phương vui nhưng rồi lại buồn tủi. Phương nói: “Mỗi lần em gọi về, ba đều khóc. Thế là em cũng khóc theo. Hai ba con ôm điện thoại khóc nên chả nói được gì nhiều. Em hứa với ba sẽ cố gắng học hành thật tốt để về với ba. Bây giờ, em được các thầy cô giáo ở đây dạy điều hay lẽ phải. Những ngày qua, em rất hối hận về những việc mình đã làm. Nghĩ lại, em buồn lắm”.

Nhìn ánh mắt Phương, tôi biết em không muốn nhắc lại chuyện quá khứ. Dường như, chuyện đó là quá sức tưởng tượng với một đứa trẻ mới bước vào tuổi 14. Thế nhưng, sau khi biết rằng câu chuyện sai trái của mình có thể giúp cảnh tỉnh nhiều người khác, Phương đồng ý lật lại quá khứ mà bấy lâu em đã muốn lãng quên. Phương buồn bã: “Chỉ chút tức giận thôi chị à, vậy mà em cướp đi sinh mạng của một con người...”.

Đó là một ngày của tháng 6.2017, Phương và một nhóm bạn đi uống cà phê. Tại quán, Phương gặp một nhóm khác ngồi bàn bên cạnh. Hai bên nói chuyện qua lại. Sau đó, 1 người tên N sang gây sự với bạn cùng bàn của Phương. Thấy vậy, Phương vào can ngăn. Sau đó, nhóm của Phương bỏ lên trên sân thượng ngồi. Khi Phương vừa bước đi, N nói với theo: “Tao không sợ thằng nào”.

Câu nói ấy đã đụng chạm đến tính hiếu thắng của cậu trai mới lớn. Máu yêng hùng nổi lên, Phương với lấy con dao trong quán, lao đến đâm N đổ gục. Được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, N đã tử vong trên đường đi.

“Khi em được các chú công an gọi đến làm việc, em mới biết N đã chết. Lúc này, em thực sự hối hận. Đến bây giờ, em cũng không hiểu vì sao mình lại ra tay tàn nhẫn như thế. Em không cố ý giết N. Em chỉ định dằn mặt N thôi”, Phương nói.

Cố gắng học tốt để về với ba

Sau khi vào đây, Phương nói người duy nhất Phương nhớ là ba bởi ba đã vất vả nuôi Phương từ tấm bé. Tôi hỏi sao không nhắc đến mẹ, Phương buồn bã: “Em không có nhiều ký ức về mẹ. Vì mẹ bỏ anh em em đi lấy chồng khi em còn nhỏ. Lâu lâu, mẹ về thăm, cho gói kẹo rồi lại đi”. Ngừng một chút, Phương kể tiếp, ba mẹ Phương làm nghề nông. Vì khó khăn nên ba đã bán gần hết số đất canh tác. Cũng vì nghèo mà sau khi sinh anh em Phương, ba mẹ Phương đã chia tay nhau.

Phương nói: “Vì thường xuyên chứng kiến cảnh ba mẹ cãi nhau nên em buồn lắm. Những lúc như vậy, em chỉ biết khóc. Tình trạng đó kéo dài cho đến khi mẹ bỏ ba con em mà đi”.

Phương còn nhớ như in ngày ấy khi Phương mới 7 tuổi. Sáng đó, em được mẹ mua cho ổ bánh mì rồi nói mẹ đi kiếm việc làm trên thành phố, xa lắm... Phương nghĩ mẹ cũng đi làm như cô Hai, cô Ba hàng xóm, sau vài tháng rồi sẽ về với anh em Phương. Nhưng rồi ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, Phương vẫn không thấy mẹ về, cũng không có bất cứ cuộc điện thoại nào của mẹ.

Phương hỏi ba vì sao mẹ không về. Những lúc như vậy, ba Phương không nói gì. Ông lặng lẽ ngồi uống rượu với ít cóc, ổi, rồi khóc một mình.

“Từ đó trở đi, em không bao giờ hỏi ba về mẹ nữa. Mấy năm sau đó, em thấy mẹ tạt qua nhà. Mẹ luôn vội vã như người bị ai đó rượt. Mẹ đưa cho anh em em mấy gói bánh kẹo rồi vội vàng đi. Em chẳng cần mẹ cho bánh kẹo, chỉ cần mẹ ở nhà là được. Nhưng thấy mẹ về, mẹ không nói lời nào với ba, em nghĩ đã có chuyện không vui. Sau đó mẹ nói với hai anh em vài câu. Em sợ mẹ đi mất nên chạy theo ôm chân mẹ khóc. Lúc đó, em còn nói với anh trai em là giữ mẹ lại nhưng mẹ em vẫn cứ đi...”, Phương ngậm ngùi.

Kể đến đây, Phương nghẹn lại, cúi mặt xuống đất. Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt vẫn còn ngây thơ. Sau ngày ấy, cậu mới được ba cho biết ba mẹ đã chia tay và mẹ đã có chồng mới.

“Lúc ấy, em hận ba mẹ lắm. Họ đã không nói với em. Nhưng sau khi nghe ba lý giải rằng, ba không muốn nói vì sợ tụi em buồn nên em cũng khuây khỏa. Ba nói, mẹ thực sự không ở bên em nữa. Nói cách khác là mẹ đã không là của em như ngày xưa nữa. Mẹ đã có một gia đình khác, những đứa con khác”, Phương nói.

Phương bảo đó là quãng thời gian kinh khủng nhất cuộc đời. Phương nhớ lại: “Dù còn nhỏ nhưng em đã chứng kiến cảnh vợ chồng bỏ nhau. Rồi ba mẹ sẽ phải lấy người khác, bỏ bê con cái. Em rất sợ cảnh đó bởi trong xóm em có mấy người cũng bỏ nhau, con họ rất khổ. Bây giờ, đến lượt nhà em nên em rất lo sợ”.

Nhưng điều gì phải đến cũng đã đến, Phương không muốn cũng phải chấp nhận việc mẹ đã bỏ ba con Phương. Một mình ba phải làm đủ thứ nghề để nuôi anh em Phương. Ăn còn không đủ nên việc học của cậu đành dở dang khi đang học lớp 5.

Từ khi bỏ học, vì rảnh rỗi nên Phương bắt đầu theo đám bạn đi chơi. Những cuộc chơi ban đầu chỉ là lê la trong xóm. Dần dà, Phương đi uống cà phê rồi tập tành nhậu nhẹt. 13 tuổi, Phương đã nhậu thành thạo, có khi nhậu thâu đêm suốt sáng.

Phương nhớ lại: “Lúc đó, em theo những đứa bạn cũng bỏ học như em. Khi được ba cho tiền thì tụi em góp lại rồi nhậu. Có lần bọn em đánh nhau nhưng chỉ động tay động chân chứ không gây ra hậu quả nghiêm trọng gì. Vì chuyện này mà ba em buồn lắm. Nhiều hôm đi làm về, ông nghe hàng xóm chửi mắng em, nói em hư hỏng, phá phách. Ông khóc hoài. Em biết ba em hiền, lại thương anh em em không có mẹ nên chiều lắm. Mỗi lần như vậy, ông cũng chỉ mắng vài câu chứ chưa bao giờ đánh em”.

Phương nói: “Từ khi em vào trường, lâu lâu, ba lại bắt xe lên thăm, cho em rất nhiều quà bánh. Có lần, ba em vào rồi ôm em khóc. Những lúc ấy, em mới thấm thía hậu quả của việc mình làm. Em sẽ cố gắng nghe lời thầy cô giáo, học hành tốt để sớm về với ba. Em hứa sẽ không bao giờ phạm lỗi để ba em vui lòng”.