Dân Việt

7 điều bạn không bao giờ nên nói với con

Minh Châu (Theo familyshare) 08/01/2018 01:24 GMT+7
Việc kiểm soát lời nói của bạn, đặc biệt khi nói chuyện với con cái rất quan trọng. Những câu nói của bạn sẽ in sâu vào tâm hồn trẻ và không dễ bị xóa. Hãy chú ý và đừng bao giờ thốt ra 7 điều sau đây với lũ trẻ.

1. Đừng nói dối

Không ai thích thuyết phục một đứa trẻ làm điều gì đó mà chúng đặc biệt không muốn, như uống thuốc, tiêm hoặc làm bài tập... Thông thường các bậc phụ huynh  sẽ sử dụng những “lời nói dối vô hại” để dụ dỗ con làm những điều này. Họ cho rằng những lời nói dối này sẽ không làm tổn thương trẻ hoặc không hề gây ra ấn tượng gì không tốt. Nhưng các bạn đã nhầm, hãy nhớ rằng bạn là một ví dụ và một tấm gương của con. Nếu biết bạn đã nói dối, trẻ cũng sẽ bắt chước bạn và bắt đầu nói dối, chúng không phân biệt được lời nói dối ấy có vô hại hay không.

img

2. Đừng luôn luôn nói "có" với trẻ.

Bất kỳ ông bố, bà mẹ nào cũng muốn những gì tốt nhất cho những người họ quan tâm, nhất là con cái. Tuy nhiên, tình yêu không được đo lường bằng mọi thứ luôn được đáp ứng, mà là thông qua các giới hạn được đặt ra. Tất nhiên, bạn không làm giảm sự sáng tạo, niềm vui, sự mong mỏi của con bạn bằng cách thường xuyên sử dụng từ "không", nhưng nếu bạn nhất nhất đáp ứng mọi sự đòi hỏi của con bạn, hậu quả sẽ có thể phản tác dụng, sự cân bằng và công bằng là chìa khóa để dạy trẻ.

3. Không “dán nhãn” con của bạn

Giống như một miếng bọt biển hút hết nước xung quanh, trẻ em hấp thụ mọi điều mà cha mẹ nói. Trẻ sẽ thực sự tin rằng bé ngu ngốc, đáng ghét, béo ú, xấu xí hoặc bất cứ điều gì khác bạn nói về bé. Không ai là hoàn hảo cả, không khen bé quá lời vì dễ tạo ra một đứa trẻ ngạo mạn, nhưng cũng đừng luôn miệng chê bai bé, “dán nhãn” lên người con những từ ngữ xấu xí.

4. Không so sánh

Con của bạn đã cố gắng hết sức để thu hút sự chú ý của bạn mỗi ngày. Khi bạn so sánh, sử dụng cụm từ như "Anh trai con giỏi hơn con", "Bạn con làm điều này tốt. Tại sao con không làm được?", "Tại sao con không giỏi như bạn ấy chứ?"... lũ trẻ sẽ cảm thấy buồn và tủi thân. Đừng bao giờ so sánh con với bất kỳ ai, nhất là “con nhà người ta” khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương, lòng tự trọng bị xúc phạm và cảm giác nổi loạn sẽ tràn ngập trong tâm hồn của bé. Điều này không chỉ đúng với trẻ em, mà cả thanh thiếu niên và người lớn.

img

5. Đừng chỉ trích

Hãy tích cực khen ngợi mọi sự sáng tạo của trẻ, khuyến khích và thể hiện bạn luôn tự hào với những thành công dù rất nhỏ của con. Thảo luận về chiến thắng cũng như sự thất bại của trẻ trên cơ sở động viên, khích lệ và tránh lên án hay công kích việc học tập, công việc, ngoại hình, bạn bè hoặc sự lựa chọn của bé cho dù nó có thể chưa đúng với ý muốn của bạn.

6. Không nói những điều chính bạn cũng không thích nghe

Đừng bao giờ chửi thề, mắng mỏ dữ dội, nói xấu người khác, phàn nàn về mọi thứ hoặc bất cứ điều gì khác mà chính bạn cũng không muốn nghe. Có một câu nói, "Những gì phát ra từ miệng bạn sẽ rất lớn, nhưng những gì bạn nghe được lại rất nhỏ".

img

7. Đừng đổ lỗi

Khi cuộc sống không hoàn hảo, chúng ta thường có xu hướng đổ mọi tội lỗi lên đầu con trẻ. Nếu nhà cửa là một mớ hỗn độn, trẻ sẽ trở thành người chịu trách nhiệm, thậm chí bé còn là nguyên nhân cho những cơn đau đầu của cha mẹ và những vị “quan tòa” này sẽ xử lý tình huống mà không cần mọi cáo buộc dù là trực tiếp hay gián tiếp. Đừng đổ lỗi cho trẻ, hãy công bằng trong việc “cai trị”, điều này sẽ khiến cho căn nhà của bạn rộn ràng và không còn những cơn giận dữ, chỉ trích hay trách mắng nữa.

Từ cách dạy và học ở Mỹ nhìn về Việt Nam

Đây là căn bệnh nan y ảnh hưởng không chỉ tới ngành giáo dục Việt Nam mà nó còn tác động không nhỏ tới mỗi nhân tố...