Dân Việt

Học sinh lên Facebook viết tâm thư 'chết lặng' vì bị ép học thêm

Lê Bằng 04/01/2018 11:26 GMT+7
“Các thầy cô chỉ biết thu tiền, các thầy cô cạnh tranh nhau xây nhà lầu sắm xe hơi nhưng có biết phía sau những đồng tiền đó là nhiều mồ hôi nước mắt đã đổ xuống. Thầy cô có biết trong trường chúng em phải cố gắng nén ấm ức mà làm trò ngoan, còn nơi quán trà sữa, quán ăn vặt thầy cô luôn là đề tài bàn tán, nhân vật phản diện không trong mỗi bức xúc của các em không?”

“Tôi đau lắm”

Đã hơn nửa tháng trôi qua, nhưng khi nhắc lại chuyện tâm thư thầy Thiện ngồi ngẩn ngơ, khuôn mặt nặng trĩu.

Thầy cầm bức thư đã được đánh máy, in ra giấy, thở dài: “Đau nhất không phải là chuyện ép học sinh học thêm. Cái đau ở đây là thầy cô trong trường không đủ sự tin tưởng để các em tìm đến tâm sự. Bởi nhà trường có hòm thư, có đường dây nóng, nơi các em có thể gửi những bức xúc của mình vào đó. Nhưng các em phải dùng Facebook ảo để nói lên những sự ấm ức, lén lút bày tỏ cái bực trong thời gian dài”.

img

Thầy Thiện đang đọc thư học sinh

 “Thưa thầy cô. Em biết mình lên tiếng trên mạng xã hội như vậy là không hay và sẽ làm tổn thương nhiều thầy cô. Nhưng em không thể nói thẳng bởi không ai bênh vực em, em xin mượn Facebook để nói lên những khó khăn. Hằng ngày hằng đêm xung quanh thị trấn (Núi Thành) các địa điểm dạy thêm học thêm tại nhà các thầy cô luôn đông đúc học sinh. Trong số này nhiều bạn có nhu cầu nhưng có bạn không muốn học cũng phải đi.

Đầu năm học chúng em đã bị hù dọa đủ các kiểu để đăng ký học thêm như: có giáo viên bắt chúng em ai đi học thêm giơ tay ngay trong giờ học chính. Đi học thêm thầy cô sẽ giải hoặc gợi ý những bài sẽ cho ra đề kiểm tra. Không đi học thêm thầy cô chèn ép. Có trường hợp không học thêm thì không bao giờ được học sinh giỏi.

Thưa thầy cô, trường mình có nhiều bạn gia đình rất khó khăn. Nhiều bạn có cha, mẹ làm nghề biển lênh đênh trên biển hàng tháng trời. Những ngày biển động như mưa bão vừa qua, các bạn phải cùng mẹ, chị ngóng trong thắc thỏm đợi người thân từ biển trở về. 300.000-500.000 đồng học thêm với những bạn đó là cả một khoản lớn không dễ kiếm. Nhiều bạn phải bỏ học đi học nghề, đi phụ quán kiếm tiền".

Đang đọc bức thư, thầy Thiên bỗng dưng dừng lại và thốt lên “Choáng váng, đau lắm! 34 năm làm giáo viên cũng đã từng dạy thêm nhưng đây là nỗi đau lớn nhất trong nghề giáo viên. Nhiều câu các em viết ra quá nặng nhưng đâu thể trách được, vì mình đã sai đâu đó” – thầy Thiên thốt lên, ánh mắt không nhìn thẳng người đối diện.

Ngồi ngẩn ngơ, cúi mặt xuống bàn, đâu đó trong đôi mắt không phải là nỗi buồn mà đã thành nỗi đau hằn sâu lên suy nghĩ của thầy giáo già.

Im lặng một lúc, thầy Thiện lại đọc tiếp:

 “Các thầy cô chỉ biết thu tiền, các thầy cô cạnh tranh nhau xây nhà lầu sắm xe hơi nhưng có biết phía sau những đồng tiền đó là nhiều mồ hôi nước mắt đã đổ xuống. Thầy cô có biết trong trường chúng em phải cố gắng nén ấm ức mà làm trò ngoan, còn nơi quán trà sữa, quán ăn vặt thầy cô luôn là đề tài bàn tán, nhân vật phản diện trong mỗi bức xúc của các em không?”.

Vừa đọc, thầy Thiện lại vừa thở dài: “Chắc có lẽ, các em hận chúng tôi lắm và phải chịu nỗi đau này lâu lắm rồi!”.

“Những lời mà chúng em hay nghe người ta ca ngợi nhưng ít thấy trong trường chúng ta, ngay cả thầy cô dạy văn, những người dạy cho chúng em những lời hay ý đẹp” – đọc đến đây, thầy Thiện im lặng…

Tạm dừng học thêm

Sau khi bức tâm thư xuất hiện trên Facebook với nhiều lần chỉnh sửa, có đến 500 lượt thích và bình luận trái chiều. Hằng ngày, thầy Thiện lên đọc từng lời bình luận của mọi người “Nhiều bình luận nói nặng lắm nhưng cố gắng mà đọc. Thà đau một lần rồi mình gắng thay đổi”.

Những ngày sau khi bức thư được đăng tải, không khí ở Trường THPT Núi Thành bao trùm một nỗi buồn. Sự im lặng đến đáng sợ trôi qua ở những tiết học. Nhiều thầy cô nhìn học sinh với ánh mắt không vui.

Ngay sau đó, thầy Thiện đã đến nhiều lớp và có buổi nói chuyện với toàn trường,

“Mình đứng đầu, sai trái gì tính sau nhưng phải làm công tác tư tưởng để các em yên tâm vào việc học, và việc thi cử cũng gần đến”, thầy Thiện cho hay.

Thứ nhất, nhà trường sẽ chọn cách im lặng vì việc phản ảnh trên mạng, không chính danh.Bức thư làm cho nhà trường chịu tổn thương quá lớn. Nhiều thắc mắc của mọi người được đặt ra, nhằm tìm ra chủ nhân. Và 3 giả thiết cũng là 3 sự lựa chọn để giải quyết.

Thứ hai, sẽ tìm ra người đăng Facebook và có một cuộc phản bác về những nội dung sai đúng trong bức thư.

Nhưng thầy Thiện đã chọn cách thứ ba.

img

Một cuộc họp được diễn ra vào chiều 28/12/2017 với 85 thầy cô, ban giám hiệu nhà trường tham dự. Tại đây, bức tâm thư được thầy Thiện đọc ra trước cuộc họp, mỗi thầy cô dù có hay không có việc ép học thêm, sẽ tự vấn lương tâm mình, nhìn nhận lại những gì bản thân mình đã làm.

Ngoài việc "tự suy nghĩ lại việc bản thân mình đã làm”, 85 thầy cô giáo đã đồng loạt đặt bút ký cam kết về việc thực hiện đúng quy tắc đạo đức nhà giáo, nâng cao lòng yêu thương săn sóc học trò, không ép buộc học sinh mình phải đi học thêm, không dạy thêm trái quy định.

Ngoài ra, nhà trường tạm dừng việc dạy thêm trong trường, để tổ chức lại thầy cô đứng lớp dạy cũng như nội dung dạy thêm.