Tối 3.1, sau khi HĐXX của TAND tỉnh Đắk Nông tuyên án, hàng chục người dân đã la hét gây hỗn loạn trước cửa tòa án. Bà Mai Thị Khuyên, vợ bị cáo Đặng Văn Hiến cho biết, việc bà và người dân gây náo loạn trước tòa là nhằm phản đối bản án vừa tuyên.
Theo bà Khuyên, chồng bà vì quá bức xúc trước việc Công ty Long Sơn phá hoại cây trồng của gia đình nên mới gây ra tội lỗi. Gia đình bà ngoài mảnh đất đang có tranh chấp với Công ty Long Sơn ra không còn nơi nào để canh tác lấy tiền sinh sống. Chính vì thế, khi có người đến "cướp" thì chồng bà không thể không bảo vệ.
Người dân tụ tập trước tòa phản đối mức án đối với Đặng Văn Hiến và Nghiêm Xuân Thiên Sửu.
Bà Khuyên cũng như người dân mong muốn pháp luật cần xem xét cho bị cáo Đặng Văn Hiến, đồng thời, cần xử lý người của Công ty Long Sơn bởi chính họ mới là đối tượng châm ngòi cho mọi tội lỗi.
Nhiều ý kiến đề nghị xem xét giảm hình phạt cho Đặng Văn Hiến.
Nhiều ý kiến đề nghị xử lý hành vi xem thường pháp luật, tự ý tổ chức cưỡng chế trái luật của Công ty Long Sơn.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Thiên Thanh "Khi các luật sư và nhà báo được tin tưởng, đi xuyên đêm vào rừng để đưa các bị cáo ra đầu thú với cơ quan điều tra Bộ công an, họ đã tin vào sự khoan hồng của pháp luật, họ đã tin vào công lý. Từ năm 2009, vụ việc đã được đặt trên bàn của những người có trách nhiệm cao nhất, đã có những báo cáo đầy tâm huyết của các chuyên viên, cán bộ trong thanh tra Chính phủ chỉ rõ những sai phạm, cảnh báo các hệ lụy có thể xảy ra tại vùng biên giới này. Tuy nhiên, sự vô cảm, thờ ơ của các cán bộ được giao trách nhiệm đã dẫn đến hệ lụy này! Việc tuyên án tử về mặt pháp lý không sai nhưng cũng chưa thật sự ổn. Án tuyên phải bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tính răn đe, trừng phạt những hành vi vi phạm. Nhưng sẽ không có tính giáo dục, cảm hoá khi không xem xét đến hoàn cảnh xảy ra vụ việc, chưa xem đến yếu tố lỗi của bị hại, chưa thực hiện đúng chính sách khoan hồng của pháp luật khi sự đầu thú, thành khẩn khai báo của bị cáo". |
Ông Nguyễn Quang Sáng (trú tại thôn 4, xã Đường Mười, huyện Bù Đăng, Bình Phước) cho biết, bản thân ông có một số diện tích đất trong khu vực này nên biết rất rõ nội tình dẫn đến hành vi của Đặng Văn Hiến. Ông Sáng cho rằng, mọi nguyên nhân khởi nguồn từ việc Công ty Long Sơn xem thường lợi ích của người dân. Người dân sai phạm thì đã có pháp luật xử lý, Công ty Long Sơn không có quyền đàn áp, phá hoại tài sản của dân. Nếu Công ty Long Sơn làm đúng pháp luật, chờ cơ quan chức năng vào cuộc xử lý thì mọi việc đã không xảy ra. Do đó, cần phải xem xét giảm án cho bị cáo Đặng Văn Hiến.
Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông cho rằng, mặc dù Đặng Văn Hiến có hành động hết sức tàn bạo, tước đoạt mạng sống của người khác, song hành động của bị cáo Hiến không bắt nguồn từ ý thức chủ quan của bị cáo mà do khách quan đưa đến. Nếu Công ty Long Sơn không đưa người đến trấn áp, phá hủy miếng cơm, manh áo của mình thì bị cáo Hiến đã không phạm tội. Sau khi gây án, bị cáo Hiến đã ra đầu thú và thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả… Do đó, pháp luật nên mở lượng khoan hồng cho bị cáo này.
Về phía Công ty Long Sơn, ông Gấm cho rằng, đây chính là tác nhân chính của mọi tội lỗi. Công ty Long Sơn đã có sai phạm nghiêm trọng khi tự ý tổ chức cưỡng chế, hủy hoại cây trồng - là nguồn sống - của những người dân nghèo. Chính vì thế, việc chỉ xét xử nguyên Phó giám đốc Công ty Long Sơn tội Hủy hoại tài sản là chưa thỏa đáng, cần phải xem xét đầy đủ các khía cạnh xoay quanh hành vi tổ chức cưỡng chế trái phép của bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ông Hồ Gấm cho biết, trên địa bàn Tây Nguyên, hiện tình trạng xâm lấn rừng đang là vấn đề rất nóng. Để tránh những vụ việc đau lòng tương tự, người nông dân trước hết cần phải sống thượng tôn pháp luật, các doanh nghiệp được giao đất giao rừng nếu có diện tích nào chồng lấn hoặc bị người dân lấn chiếm cần phải có báo cáo để cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, tuyệt đối không đưa "luật rừng" ra xử.
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM), tòa sơ thẩm áp dụng tình tiết "phạm tội có tính chất côn đồ" đối với bị cáo Đặng Văn Hiến là yếu căn cứ. Theo luật sư Hưng, nguyên nhân gây án của Hiến là do hành vi trái pháp luật của nạn nhân và Công ty Long Sơn.
“Do đó, tòa bác tình tiết "phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của nạn nhân" đối với Hiến cũng thiếu cơ sở. Hiến phạm tội do bị ức chế, dồn nén bởi hành vi trái pháp luật của công ty Long Sơn trong 10 năm qua. Công ty Long Sơn đã nhiều lần san ủi phá hủy cây cối và nhà cửa của dân.
Vợ bị cáo Hiến (bìa trái) cho biết từ khi chồng đi tù, gia cảnh của chị rất khó khăn, một mình phải nuôi 2 con nhỏ.
Hiến bị dồn vào đường cùng không còn sự lựa chọn nào khác, bởi nương rẫy là nguồn sống duy nhất, là chén cơm manh áo của gia đình. Tuyên Hiến tội chết không những không đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa của hình phạt mà thậm chí tạo ra ngọn lửa bức xúc âm ỉ cháy của người dân nơi đây”, luật sư Hưng nói thêm.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luât sư Hà Nội) cho biết, mức án với Hiến là quá nặng. Theo luật sư này, bị cáo Hiến phạm tội trong trạng thái tinh thần kích động mạnh. Bằng chứng là mâu thuẫn giữa Công ty Long Sơn với Hiến đã xảy ra từ lâu, mâu thuẫn dồn nén vì trước đó doanh nghiệp này san ủi cây trồng của Hiến.
Ngoài ra, bị cáo Hiến có 4 tình tiết giảm nhẹ hình phạt như đầu thú, khắc phục hậu quả sau vụ án, khai báo thành khẩn và được gia đình nạn nhân làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông cho rằng cần xem xét mở lượng khoan hồng đối với bị cáo Hiến.
Như Dân Việt đã đưa tin chiều 1.4, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt tử hình đối với Đặng Văn Hiến, tuyên phạt Ninh Viết Bình 20 năm tù, Hà Văn Trường 12 năm tù về tội Giết người; tuyên phạt Đoàn Văn Diện 9 tháng tù về tội Che giấu tội phạm. Về nhóm bị cáo là người của Công ty Long Sơn, HĐXX tuyên phạt Nghiêm Xuân Thiên Sửu 6 năm tù, Phạm Công Thiện 4 năm tù về tội Hủy hoại hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản.
Ngày 27.10.2016, ông Hiến và gia đình đã nhờ Báo NTNN/Dân Việt đưa ông ra đầu thú. Nhóm phóng viên Báo NTNN/Dân Việt và luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Trưởng Hãng luật Giải Phóng - Đoàn luật sư TP.HCM) đã đến Tuy Đức đã làm các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật để các cán bộ Cục C45 vào rừng gặp và tiếp nhận ông Hiến đầu thú. |
Trước đó, Công ty Long Sơn được UBND tỉnh cho thuê đất tại tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức để thực hiện dự án nông lâm nghiệp. Trên diện tích này cũng có nhiều hộ dân canh tác, làm nhà ở dẫn đến tranh chấp giữa hai bên. Mặc dù UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Long Sơn tạm dừng tác động đến diện tích tranh chấp để chờ xử lý nhưng công ty này (do Nghiêm Xuân Thiên Sửu làm Phó giám đốc) vẫn tổ chức cưỡng chế trái pháp luật.
Khoảng 6h ngày 23.10.2016, Sửu đưa hơn 30 người được trang bị hung khí, khiên, giáp tiến vào san ủi hàng trăm cây điều lâu năm của ông Hoàng Văn Thắng và ông Đặng Văn Hiến tại tiểu khu 1535. Thấy vậy, Hiến cùng Ninh Viết Bình sử dụng súng thể thao bắn vào những người của Công ty Long Sơn, Hà Văn Trường cũng tham gia tiếp đạn cho Hiến bắn, dẫn đến làm 3 người của Công ty Long Sơn đi cưỡng chế trái pháp luật chết tại chỗ và 13 người bị thương tích từ 6 - 54%. Mặc dù biết Hiến phạm tội nhưng sau đó, Đoàn Văn Diện đã giúp Hiến bỏ trốn.
Công ty Long Sơn từng tổ chức cưỡng chế trái phép Theo hồ sơ mà chúng tôi có được, ngày 29.3.2013, Công ty Long Sơn đã tổ chức cưỡng chế, giải tỏa các hộ dân xâm canh trong khu vực thực hiện dự án. Theo đó, Công Ty Long Sơn đã hợp đồng với Nguyễn Văn Thành (tức Thành "nghĩa địa)" đưa khoảng 130 người (trong đó có 70 người của Công ty Long Sơn và 60 người của Thành). Hình thức cưỡng chế, giải tỏa của Công ty Long Sơn là sử dụng dao, gậy… để chặt phá cây trồng của người dân. Báo cáo ngày 11.4.2013 của UBND huyện Tuy Đức cho biết, mặc dù UBND huyện Tuy Đức đã đình chỉ việc cưỡng chế nhưng Công ty Long Sơn vẫn có dự định tiếp tục thực hiện việc giải tỏa khi chưa có ý kiến chỉ đạo của các cấp. |
Trong sự việc đáng tiếc này có trách nhiệm của các cơ quan chức năng của huyện Tuy Đức và tỉnh Đắk Nông về công tác quản lý, nắm địa bàn, xử lý đối với người dân xâm canh, phá rừng trái phép không kịp thời. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến trình trạng mua bán, chuyển nhượng đất rừng trái phép diễn ra phức tạp. Sau khi người dân đã sinh sống và canh tác ổn định, tranh chấp giữa hai bên kéo dài, chính quyền không giải quyết dứt điểm, mà để các bên tự giải quyết trái pháp luật, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trao đổi với PV Dân Việt chiều 4.1 về việc xử lý các cơ quan chức năng của huyện Tuy Đức và tỉnh Đắk Nông, ông Trương Thanh Tùng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông – cho biết: “Hiện nay tòa án mới xử, chưa gửi bản án nên tỉnh cũng đang chờ, chứ chưa có chỉ đạo gì. Khi tòa công bố bản án, trên tinh thần đó, tỉnh sẽ có hướng chỉ đạo xử lý các cơ quan liên quan”. Tuy nhiên, ông Tùng cũng cho biết, qua vụ này thấy rằng, việc các doanh nghiệp đứng ra tự đi giải tỏa đất của mình, tạo sự tranh chấp với người dân là thực sự không nên. “Toàn bộ mọi vấn đề đều phải giải quyết qua cơ quan hành chính, chính quyền phải vào cuộc, đứng ra dàn xếp, đối thoại thì sẽ ổn hơn. Còn doanh nghiệp tự ý giải tỏa thì không đúng pháp luật. Đây là một bài học lớn cho các doanh nghiệp khác nữa”, ông Tùng nói. Ông Tùng thông tin thêm, hiện nay Đắk Nông đang thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý dân cư gắn với quản lý đất đai. Theo ông Tùng, lâu nay việc quản lý dân cư ở chính quyền cơ sở có những thiếu sót nhất định, dân ở đâu tới, ở chỗ nào họ không biết được. Do vậy mọi vấn đề người dân ở đâu đến thì chính quyền phải biết được, có nắm được con người thì mới nắm được vấn đề đất đai, tranh chấp để có hướng giải quyết kịp thời. Nghị quyết này đã thực hiện được hơn một năm, đạt được một số kết quả, sắp tới Tỉnh ủy sẽ thành lập một số đoàn đi kiểm tra thực tế việc thực hiện nghị quyết này ở dưới cơ sở. |