Dân Việt

Bảo mật thông tin về người tố cáo tham nhũng

04/11/2011 06:46 GMT+7
(Dân Việt) - Tại hội thảo quốc tế "Bảo vệ người tố cáo tham nhũng", nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc bảo vệ người tố cáo cũng cần phải có chính sách khuyến khích người tố cáo tham nhũng.

Người tố cáo vẫn bị trả thù

Mở đầu cuộc hội thảo ngày 3.11 do Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) tổ chức, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, ông Nguyễn Đình Phách cho rằng, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, trong khi đó số người tố cáo tham nhũng còn ít, nhiều người trong số họ bị trả thù dưới các hình thức khác nhau.

img
Cá nhân có thành tích xuất sắc về đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tuyên dương hồi tháng 9.2010.

Theo ông Phách, hiện cơ chế, chính sách bảo vệ người tố cáo tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Các quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành bảo vệ người tố cáo, trong đó có bảo vệ người tố cáo về tham nhũng chưa thật sự đầy đủ và khả thi. “Bảo vệ an toàn cho người tố cáo tham nhũng là nhằm khuyến khích người dân tham gia phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng”.

Ông Lê Văn Lân - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN bày tỏ lo ngại về những hành vi, thủ đoạn trù dập người tố cáo tham nhũng hiện nay.

Ông Lân cho biết, có nhiều trường hợp bị đánh đập; có người bị sa thải, đuổi việc; có trường hợp bố mẹ đấu tranh chống tham nhũng nhưng con cái không được bổ nhiệm, bị thôi việc; có người tố cáo tham nhũng là nông dân thì bị phá hoại hoa màu, con cái bị đe dọa cả tính mạng, người thân lâm vào cảnh hoảng loạn tâm thần; có những người vợ của người đấu tranh chống tham nhũng chết vì không chịu nổi áp lực của sự đe dọa; có người còn bị đánh mìn vào nhà hoặc bị giết hại…

“Đây là một trong những nguyên nhân lớn khiến cho nhiều người không muốn tố cáo hoặc không dám tố cáo hành vi tham nhũng”- ông Lê Văn Lân khẳng định.

Ai bảo vệ?

Cùng quan điểm với ông Lân, ông Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ người tố cáo tham nhũng thông qua việc giữ bí mật thông tin, tài liệu về người tố cáo trong quá trình tiếp công dân, tiếp nhận xử lý giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng.

Ông Hùng kiến nghị cần sớm ban hành quy định cụ thể về bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng gắn với quy định về khen thưởng người có thành tích tố cáo hành vi tham nhũng. “Như thế mới khuyến khích được người dân, cán bộ, công chức tích cực tham gia đấu tranh, tố cáo tham nhũng trong giai đoạn tới”- ông Hùng nói.

Trao đổi với báo chí trong khuôn khổ hội nghị, ông Lê Văn Lân - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN cho biết thêm, hiện Luật PCTN hay Luật Khiếu nại tố cáo cũng đã có quy định bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Tuy nhiên, quy định chưa được chi tiết nên việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

“Bảo vệ thông tin bí mật cá nhân của người tố cáo tham nhũng là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho họ. Một khi thông tin cá nhân của người tố cáo bị lộ cần phải có biện pháp bảo vệ” - đại diện của Tổ chức minh bạch thế giới tán thành với ý kiến của ông Hùng. Vị này cũng cho rằng, nếu người tố cáo được bảo vệ an toàn thì thông tin bảo mật sẽ được đảm bảo và nếu những người làm công tác thanh tra không đảm bảo được yếu tố này sẽ đánh mất niềm tin của người tố cáo.

Một số đại biểu quốc tế cũng khẳng định, để làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo tham nhũng, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần quan tâm và thực hiện tốt việc bảo mật thông tin người tố cáo và xử lý, giải quyết nhanh, dứt điểm các thông tin của người tố cáo; đồng thời có biện pháp xử lý mạnh mẽ những hành vi trả thù người tố cáo.