Có cơn ghen dẫn đến chết người được ghi trong trong sử sách như cái chết của vị tướng Tô Trung Từ, em vợ Trần Lý, người có công từ việc phò vua Lý Cao Tông đến việc đưa thái tử Hạo Sảm lên ngôi, tức Lý Huệ Tông.
Sách Việt sử lược chép: “Tháng 6.1211, Tô Trung Từ ban đêm sang nhà ở Gia Lâm để cùng với công chúa Thiên Cực tư thông, bị chồng của công chúa là quan nội hầu Vương Thượng giết chết”.
Theo luật pháp nhà Lý khi đó, nếu nam nữ tư thông mà bị bắt quả tang thì người chồng có thể giết tình địch mà không bị tội. Sau này đến đời Trần, mới có lệnh cho gian phu được lấy 300 quan tiền chuộc tội chết.
Nhưng ở đời Trần, thì Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đã suýt mất mạng trong vụ thông dâm với vợ Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, con trai Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn vì là con trai Hưng Đạo vương, lại công đánh giặc nên rất có uy thế, Thượng hoàng mới cho cưới Thiên Thụy công chúa. Thế mà Trần Khánh Dư ngang nhiên quan hệ với Thiên Thụy, đến nỗi bị phát giác.
Danh tướng Trần Khánh Dư
Sử sách không nói đến cơn ghen của Hưng Vũ vương thế nào, tuy nhiên khi vụ việc được đưa ra xét xử, thì Trần Thánh Tông vì sợ phật ý Hưng Đạo vương mà đã ra lệnh “Đem Khánh Dư ra Hồ Tây đánh chết”.
Dù vậy, Trần Khánh Dư lại là con nuôi của vua, nên Trần Thánh Tông lại ngầm hạ lệnh cho lính đánh chúc đầu gông xuống, nhờ thế mà qua 100 gậy Trần Khánh Dư vẫn còn sống.
Theo luật thời đó, qua 100 gậy mà không chết nghĩa là trời tha, nhờ vậy mà ông đã được miễn tội chết. Sau đó, ông bị phế truất binh quyền, tịch thu gia sản phải trở về Chí Linh làm nghề bán than.
Nhưng có lẽ lửa thù giận trong lòng cha con Hưng Đạo vương không cháy lâu dài. Vì đến khi quân Nguyên lại sang xâm lược, vua Trần lại triệu Trần Khánh Dư phong cho làm Phó Đô tướng quân trấn giữ Vân Đồn, dưới quyền của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương.
Đến khi Hưng Đạo vương viết sách Vạn Kiếp tông bí truyền thư, thì Trần Khánh Dư lại là người được đề nghị viết lời tựa.
Có lẽ Trần Hưng Đạo cũng có phần… thông cảm với Trần Khánh Dư, vì thời trẻ, chính ông cũng đã vượt qua được cơn ghen của một vị vương khác khi ngang nhiên cướp vợ chưa cưới của ông này.
Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn
Đó là sự kiện năm 1251, khi Trần Quốc Tuấn 19 tuổi. Chàng vương tử tài ba đem lòng yêu người em họ là Công chúa Thiên Thành, và dù nhà vua đã được hứa gả công chúa cho Trung Thành vương, cho nàng đến ở trong dinh Nhân Đạo vương (cha của Trung Thành vương), mà Quốc Tuấn vẫn lẻn vào để tư thông với công chúa ngay hôm chuẩn bị lễ cưới.
May có Thụy Bà công chúa là mẹ nuôi của Quốc Tuấn biết chuyện, đang đêm chạy vào cung điện cáo cấp, xin Trần Thái Tông cứu Quốc Tuấn.
Hôm sau, Thụy Bà công chúa dâng 10 mâm vàng đến chỗ Trần Thái Tông xin lễ cưới Thiên Thành công chúa cho Trần Quốc Tuấn. Thái Tông bắt đắc dĩ phải gả công chúa cho Quốc Tuấn và lấy 2.000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên để hoàn lại sính vật cho Trung Thành vương, một cuộc đền bù hết sức tốn kém. Sử sách đương thời không ghi chép phản ứng của cha con Nhân Đạo vương thế nào.
Một cơn ghen khác của một bà Hoàng hậu triều Lý đã khiến con bà mất cả ngôi thái tử. Đó là bà Chiêu Linh hoàng hậu, vợ vua Lý Anh Tông. Con bà là Lý Long Xưởng, trước đã được lập làm thái tử. Tuy nhiên Long Xưởng có tính hiếu sắc, ở trong cung có cung phi nào được vua yêu quý, Long Xưởng cũng đều tư thông cả. Nhà vua rất ghét sự vô lễ ấy.
Vua Anh Tông có bà Nguyên phi là Từ thị rất được vua yêu, Chiêu Linh Hoàng hậu ghen bèn sai Long Xưởng lén lút đến tư tình để gây sự ngờ vực cho nhà vua, muốn rằng Từ thị từ đó bị vua đối xử nhạt nhẽo đi.
Từ thị cứ tình thực tâu vua. Vua giận bèn phế Long Xưởng, lập hoàng tử Long Trát mới hơn một tuổi làm thái tử. Đến khi vua Anh Tông băng hà, Lý Long Trát được tôn lên làm vua, tức Lý Cao Tông, và mẹ con bà Chiêu Linh Thái hậu dù tìm đủ mọi cách vẫn không thể nào giành lại được ngôi báu về tay.
Ngoài những cơn ghen tình ái, thì trong cung đình Đại Việt còn có những cơn ghen tức về quyền lực, vị thế cũng gây ra hậu quả thảm khốc.
Như sau khi vua Lý Thánh Tông băng hà, vua Lý Nhân Tông lên ngôi khi mới 7 tuổi, mẹ đích của vua (vợ cả của vua cha) là Thượng Dương Hoàng hậu họ Dương được buông rèm nhiếp chính.
Bà mẹ đẻ của vua là Nguyên phi Ỷ Lan, lúc này được tôn là Linh Nhân Hoàng thái phi, sinh lòng ghen ghét, mới nói với vua rằng: "Mẹ già này khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng, toan để mẹ già này vào đâu?".
Nguyên phi Ỷ Lan
Vua tuổi còn thơ, nghe mẹ nói vậy liền nghe theo, sai giam Thượng Dương Hoàng thái hậu cùng 76 thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi ép phải chết, cho chôn theo lăng Lý Thánh Tông. Một cơn ghen của một bà thái hậu đã giết chết trên bảy chục mạng người, quả là bi thảm.
Đến triều Nguyễn, thì người ta cũng từng đồn đại rằng vua Bảo Đại là người rất phong tình, và dù cam kết với Nam Phương Hoàng hậu là chỉ cưới mình bà, nhà vua vẫn có hàng chục người tình khác mà Hoàng hậu không sao quản được.
Trong một lần vua Bảo Đại lên Tây nguyên săn bắn, người ta thấy vua bị gãy chân, đến nỗi Toàn quyền Đông Dương là Decoux phải điều một máy bay lên đưa vua về Sài Gòn chữa trị.
Các tin đồn đương thời cho rằng chuyến đó, vua Bảo Đại lấy cớ để đi hú hí với một cô đầm, không may ông chồng Tây của người tình biết được, nổi cơn ghen, bắn vua gẫy chân.
Còn trong truyền thuyết, vụ ghen tuông lâu dài, bền bỉ nhất chính là cơn ghen của Thủy Tinh trước việc Sơn Tinh cưới được Mỵ Nương công chúa, mà gây ra lũ lụt hết năm này đến năm khác.