Dân Việt

Tiêu thụ nông sản qua hợp đồng: Mới chỉ đạt 2%

04/11/2011 12:16 GMT+7
(Dân Việt) - Sau gần 10 năm thực hiện Quyết định (QĐ) 80 Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản qua hợp đồng, đến nay sự liên kết giữa “4 nhà” vẫn hết sức lỏng lẻo, kết quả rất thấp.

Một đề án mới về nội dung này đang được Bộ NNPTNT xây dựng.

“Sợi dây” liên kết lỏng lẻo

Khái niệm liên kết "4 nhà" bắt đầu xuất hiện kể từ năm 2002 khi QĐ 80 ra đời, nhưng cũng kể từ đó đến nay liên kết "4 nhà" vẫn chỉ là một khái niệm chưa có... khái niệm. Sở dĩ có tình trạng như vậy là do việc xác lập một "sợi dây" liên kết giữa nhà nông - Nhà nước- nhà khoa học - nhà doanh nghiệp vẫn chưa được định hình. Kết quả, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng, chủ yếu mới đạt dưới vài phần trăm, như lúa hàng hóa 2,1%, chè 9%, rau quả 0,9%...

img
Có rất ít nông sản được tiêu thụ qua hợp đồng. Trong ảnh: Sơ chế quả sơn tra ở Sơn La.

Nguyên nhân dẫn đến số lượng hàng hóa nông sản tiêu thụ qua hợp đồng chiếm số lượng quá ít ỏi, theo đánh giá của Bộ NNPTNT là do thiếu cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, không có vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến. Thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã (HTX) tham gia tổ chức dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên...

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng cho rằng: "Liên kết "4 nhà" chưa thành công vì không có địa chỉ, chúng ta cứ nói nhà nọ, nhà kia, nhưng lại không thấy nông dân ở đâu, doanh nghiệp ở đâu. Nói là "4 nhà", nhưng thực chất chỉ có nông dân và doanh nghiệp. Điều quan trọng là nông dân phải liên kết lại, chứ nếu chúng ta cứ nói chung chung "4 nhà", thì có đến 5 năm nữa tình hình vẫn như thế này. Do đó, vấn đề là cần phải có địa chỉ cụ thể".

Mục tiêu quá xa xôi

Theo đề án mới nhất mà Bộ NNPTNT đang xây dựng dự thảo lấy ý kiến, đối với một số mặt hàng chiến lược, việc tiêu thụ nông sản qua hợp đồng vẫn còn quá xa xôi. Cụ thể, với lúa hàng hóa, mục tiêu đến năm 2015 tiêu thụ được 2% và phải đến năm 2020 mới "phấn đấu" lên 20%. Tương tự, rau an toàn đến 2015 tiêu thụ 2% và đạt 30% vào năm 2020. Các loại trái cây, cà phê, chè sạch cũng chỉ dám đặt mục tiêu đạt lượng tiêu thụ qua hợp đồng từ 15-20% vào năm 2020.

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ NNPTNT đã xây dựng một số chính sách hỗ trợ các đối tượng tham gia liên kết tiêu thụ nông sản, đó là hỗ trợ doanh nghiệp 30% kinh phí nâng cấp, tu sửa hạ tầng vùng sản xuất nguyên liệu. Định kỳ 6 tháng một lần tổ chức đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước do Bộ NNPTNT chủ trì với các doanh nghiệp nông nghiệp để trao đổi về các chính sách thực hiện. Riêng nông dân sẽ được tư vấn pháp lý miễn phí trong các hợp đồng, được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề sản xuất. Còn HTX được miễn không thu thuế doanh nghiệp trong 10 năm (2012- 2022)...

img Dự thảo thúc đẩy liên kết "4 nhà" lần này vẫn chưa thấy có công cụ kiểm tra, giám sát, cũng như chưa tạo được động lực cho các tổ chức cá nhân tham gia, nên sẽ khó đi vào cuộc sống. img

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên

Ông Nguyễn Thành Biên- Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: "Dự thảo thúc đẩy liên kết "4 nhà" lần này vẫn chưa thấy có công cụ kiểm tra, giám sát, cũng như chưa tạo được động lực cho các tổ chức cá nhân tham gia, nên sẽ khó đi vào cuộc sống. Như Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo đã có sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người dân, có quy trách nhiệm cho doanh nghiệp xuất khẩu để chia sẻ lợi ích, như thế mới hiệu quả".

Từ góc độ một chuyên gia, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) nhận xét: "Hiện nay đang có tình trạng chênh lệch giá nông sản, thực phẩm giữa người nông dân được hưởng và người tiêu dùng phải trả. Sở dĩ có sự chênh lệch đó, một phần có thể do thiếu hụt nguồn cung cục bộ, dẫn tới việc đầu cơ găm hàng, nhưng điều quan trọng hơn cả là thông tin về thị trường của chúng ta không minh bạch, mà muốn có thông tin minh bạch, thì phải tổ chức thành một chuỗi tiêu thụ sản phẩm khép kín".