Phát biểu với báo giới, ông Liow cho biết chính phủ đã nhất trí nối lại công tác tìm kiếm và hoạt động này sẽ dựa trên nguyên tắc "không hiệu quả, không trả tiền". Hợp đồng sẽ được hoàn tất vào tuần tới. Điều này có nghĩa công ty Mỹ sẽ sẵn sàng tìm kiếm một khu vực rộng 25.000 km2 do các chuyên gia vạch ra gần các vùng biển Australia.
One Infinity cho biết sẽ đưa Seabed Constructor, con tàu mà công ty sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, tới gần khu vực tìm kiếm tiềm tàng khi mà thời tiết đang tương đối thuận lợi. Hồi đầu tuần công ty trên cho biết họ "hy vọng nhận được hợp đồng cuối cùng về việc nối lại tìm kiếm MH370 trong những ngày tới".
Máy bay mang số hiệu MH370 chở theo 239 hành khách đã bị mất tích vào ngày 8.3.2014 trong hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh.
Cục An toàn giao thông Australia (ATSB) bắt đầu cuộc tìm kiếm chiếc MH370 dưới biển Ấn Độ Dương vào đầu tháng 10.2014, gần 6 tháng sau khi các cuộc tìm kiếm trên không và trên mặt biển kết luận không thành công. Diện tích khu vực tìm kiếm ban đầu dự kiến là 60.000 km vuông. Để thực hiện việc tìm kiếm dưới mặt nước, trong lòng đại dương bao la, ATSB đã huy động tất cả các phương tiện dò tìm tối tân nhất hiện có, kể cả tàu ngầm robot tự hành để dò đáy đại dương.
Đến tháng 4.2015, với hơn 40% diện tích khu vực tìm kiếm chưa được lục soát, 3 nước liên quan trong cuộc tìm kiếm (Australia, Malaysia, Trung Quốc) đã quyết định mở rộng phạm vi tìm kiếm thêm 60.000 km vuông, nâng tổng diện tích phu vực tìm kiếm lên 120.000 km vuông. Khu vực tìm kiếm đã được khu biệt về Nam Ấn Độ Dương, dọc theo “Cung số 7” nằm ngoài khơi Tây Nam Australia, cách bờ biển 2.500 km, kéo dài xuống đến khu vực giữa vĩ tuyến 33 và 36 độ Nam.
Tháng 1.2017, ATSB chính thức thông báo dừng cuộc tìm kiếm MH370, chấm dứt một cuộc tìm kiếm khổng lồ trong lịch sử đương đại của thế giới. Ngày 3-10-2017, bản báo cáo cuối cùng về kết quả cuộc tìm kiếm đã được ATSB công bố, trong đó kết luận vị trí của chiếc MH370 là một bí ẩn “hầu như không thể giải thích được”.