Vợ chồng chị chọn chăn nuôi và trồng rừng làm hướng phát triển kinh tế.
Được tham gia các lớp tập huấn KHKT do Hội ND xã tổ chức, kết hợp với kiến thức qua xem ti vi, sách báo về cách làm kinh tế để thoát nghèo..., năm 2000 vợ chồng chị mạnh dạn vay vốn để mua một đôi bò sinh sản. Chị kể: "Bỏ ra tiền triệu để mua một đôi bò, mình lo lắm. Lúc đó, tài sản đắt giá nhất trong gia đình là con bò, nên vợ chồng dành hết thời gian để chăm bò”.
Đàn bò của gia đình chị Quân lúc nào cũng có trên chục con. |
Khi đồng cỏ chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp, dịch bệnh gia súc ngày càng nhiều khiến nhiều gia đình trong xã phải bán hết trâu, bò, nhưng nhờ tiêm phòng định kỳ, làm chuồng trại kín gió, làm cây rơm lấy thức ăn dự trữ cho bò vào mùa đông nên đàn bò của gia đình chị Quân vẫn tăng đều qua mỗi năm. Những năm gần đây, đàn bò của gia đình chị lúc nào cũng có trên chục con, với 6 con bò cái sinh sản. Năm nào chúng cũng cho gia đình chị 6 con bê con. Toàn bộ bê con chị nuôi lớn mới bán, mỗi năm chúng đem về cho gia đình chị trên 30 triệu đồng.
Cùng với nuôi bò, vợ chồng chị còn trồng hơn 5ha keo và bồ đề. Đầu năm nay, bán keo, bồ đề vợ chồng chị cũng có trên 30 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, chị còn nuôi một lợn nái sinh sản, một đàn lợn chục con, mỗi năm xuất chuồng hai lứa. Riêng nuôi lợn, trừ chi phí mỗi năm chị lãi trên 20 triệu đồng.
Hơn 10 năm trông nuôi bò, trồng rừng, giờ đây vợ chồng chị Quân đã xây được một căn nhà sàn khang trang với đầy đủ ti vi, xe máy và hệ thống công trình nước sạch, vệ sinh...
Bà Hoàng Thị Bình - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Lạc cho hay: “Chúng tôi đang nhân rộng mô hình làm kinh tế của chị Quân ra các hộ khác trong xã...”.
Triệu Huấn