Từ đó dẫn đến sự khác nhau về đặc điểm tính chất như: Tỷ trọng đất (khoáng vật và chất hữu cơ chứa trong đất), dung trọng đất (độ xốp của đất), tính liên kết của đất (tỷ lệ sét, khả năng giữ nước và sức cản của đất)...
Ngoài ra, thành phần cấp hạt đất còn ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ trao đổi ion và dự trữ dinh dưỡng trong đất. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá độ phì của đất. Thành phần cấp hạt đất cũng gián tiếp ảnh hưởng tới hoạt động sống của các động thực vật và vi sinh vật, tức đặc tính sinh học đất.
Đất chứa Fe cao thích hợp trồng các cây công nghiệp lâu năm như hồ tiêu, cà phê... |
Dựa theo tiêu chuẩn thành phần cấp hạt đất, các nhà thổ nhưỡng Mỹ đã chia đất thành 12 loại dựa trên 3 cấp hạt: Cát (sand), bùn (limon) và sét (clay). Đó là: Đất cát, đất cát pha thịt, đất thịt pha cát, đất thịt, thịt pha bùn, thịt pha sét và cát, bùn, thịt pha sét và bùn, thịt pha sét, sét pha bùn, sét pha cát và đất sét.
Mỗi cấp hạt tượng trưng cho 1 cạnh tam giác và đặc tính của tam giác được chia thành 10 hàng, mỗi hàng tương ứng với giá trị là 10%. Hàm lượng của 3 nhóm cấp hạt cát, bùn, sét được biểu thị 3 đường thẳng song song với đáy tam giác. Dựa vào điểm giao nhau của 3 đường thẳng trong tam giác sẽ biết được loại đất cần tìm.
Ví dụ: Nếu ô số 1 (đỉnh cát của tam giác) có loại đất là đất cát thì vị trí ô này sẽ có từ 90 - 100% là cát và có thể từ 10 - 1% là sét. Tương tự ta sẽ có ô số 12 là loại đất sét.
Trong dân gian, người nông dân gọi tên đất theo màu, như đất đỏ, đất xám, đất xám bạc màu, đất đen, đất nâu vàng... Người ta dựa vào màu sắc để đánh giá được độ phì của đất, bởi lẽ chính màu sắc này đã phản ánh khá chính xác hàm lượng mùn và thành phần khoáng, hoá học của đất.
Các nguyên tố hoá học trong đất bao gồm: Nguyên tố đa lượng, trung lượng: H, O, C, N, K, P, Ca, Mg, S và các nguyên tố vi lượng: Fe, Zn, Mn, Cu, B, Mo, Cl.
Một số nguyên tố và hợp chất có màu đặc trưng và làm nền màu cho đất. Chẳng hạn, các hợp chất chứa sắt có màu đỏ, nhóm chứa oxytsilic, canxicacbonat và canxisunfat đặc trưng màu trắng, màu xám. Chính 3 nhóm hợp chất này đặc trưng cho 3 màu cơ bản của đất: Đen, đỏ, trắng. Tùy theo hàm lượng, tỷ lệ khác nhau của các chất màu trên và một số loại phụ khác đã tạo nên màu khác nhau. Như đất có hàm lượng các hợp chất hữu cơ và mùn cao sẽ có màu đen hay nâu thẫm, có hàm lượng các hợp chất chứa Fe cao sẽ màu đỏ (đất đỏ, nâu đỏ, đỏ vàng...).
TS Nguyễn Đăng Nghĩa