Theo tính toán, làm vụ 3 chi phí rất cao, nhất là chi phí đắp đê, rồi phải bón phân thêm nhiều hơn, do đất trong vụ này không tốt bằng những vụ trước. Đây lại là thời điểm trong mùa mưa, ít ánh sáng, nên cũng phát sinh thêm nhiều loại sâu, bệnh, người dân phải xịt thuốc nhiều hơn và tất nhiên cũng gây ô nhiễm môi trường hơn. Có thể nói làm vụ 3 gặp rất nhiều bất lợi.
Còn vấn đề đã làm lúa vụ 3, thì phải xác định được vùng quy hoạch ở đây là vùng nào. Bởi như chúng ta đã biết, ở ĐBSCL có hàng trăm dòng cát rất rộng, vì đây là đồng bằng son trẻ (mới hình thành 10.000 năm). Nếu những vùng nào làm ngay trên những dòng cát đó thì lũ xảy ra ít hơn, vì có dòng cát cao chắn lũ. Do đó, khi quy hoạch làm lúa vụ 3 ở trên những dòng cát đó là hợp lý, còn nếu “nhảy” xuống các vùng trũng, để rồi làm đê bao cao lên, một mặt vừa tốn kém, lại vừa vẫn bị vỡ đê, không hiệu quả.
Theo tôi, trong những năm tới đây không nên lặp lại việc tăng diện tích vụ 3 lên quá mức. Ở những vùng sản xuất lúa vụ 3, cần tập trung chỉ đạo vào sản xuất 2 vụ chính ăn chắc bằng cách tăng năng suất, sản lượng mỗi vụ lên, còn nếu mở thêm diện tích một cách không thích hợp sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Hơn nữa, nếu tính toán kỹ ra, chi phí cho làm lúa vụ 3 sẽ rất đắt do chúng ta phải bỏ rất nhiều tiền để làm đê bao và rất lãng phí khi làm như vậy. Ngoài ra, hệ thống kênh mương phục vụ cho sản xuất vụ này cũng phải lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng tất cả những cái đó lại không được hạch toán vào giá thành sản xuất lúa.
Tôi cho rằng, đối với lúa vụ 3 chỉ nên làm trong khoảng 500.000ha ở những vùng chắc ăn như Long An, Tiền Giang, một phần của Đồng Tháp; còn xuống tới vùng trũng của Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang mà làm là rất nguy hiểm. Theo tôi, trong những năm tới vẫn phải giảm diện tích đi, vì chúng ta có thể làm được rất nhiều thứ khác ở mùa lũ, như cách nuôi tôm ở Tam Nông (Đồng Tháp) chẳng hạn.
GS Võ Tòng Xuân