Chiều 8.1, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) cùng đồng phạm, tiếp tục phần mở đầu phiên tòa.
Tại phiên tòa này có 46 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại 4 ngân hàng: Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CB), Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Do số lượng bị cáo cùng những người tham gia tố tụng đông nên trong ngày đầu, HĐXX chỉ mới tiến hành đến phần thẩm tra lý lịch những người tham dự phiên tòa.
Thành phần HĐXX tại phiên tòa.
Đáng chú ý, trong phần thẩm tra lý lịch những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tại tòa có hai nhân vật nổi tiếng có mặt, đó là bà Vũ Bạch Yến (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CBBank) và bà Trần Ngọc Bích (Tập đoàn Tân Hiệp Phát). Còn bà Hứa Thị Phấn - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín (sau đổi thành VNCB, CB) vắng mặt chưa rõ lý do; nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà cũng vắng mặt tại tòa…
Trong phiên tòa buổi chiều, do sức khỏe không đảm bảo nên Phạm Công Danh được chủ tọa phiên tòa cho ra ngoài để bác sĩ chăm sóc. Tương tự, tại phiên tòa, ông Trầm Bê (nguyên Chủ tịch HĐTD, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank), Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt) tỏ ra mệt mỏi và được HĐXX cho phép ra ngoài để bác sĩ chăm sóc. Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, 2 bị cáo Phạm Công Danh và Trầm Bê cũng được HĐXX cho phép ra ngoài để bác sĩ chăm sóc vì sức khỏe không đảm bảo.
Bị cáo Phạm Công Danh được dẫn giải đến tòa.
Theo hồ sơ, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng VNCB và nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Phạm Công Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống vay vốn tại các ngân hàng: Sacombank, TPBank, BIDV; đồng thời dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng trên để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay. Sau đó, bị 3 ngân hàng thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.129 tỷ đồng.
Các công ty làm hồ sơ vay khống không thực hiện kinh doanh theo phương án cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Còn VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được số tiền bảo lãnh từ các công ty. Từ đó dẫn đến thiệt hại cho VNCB hơn 6 ngàn tỷ đồng. Cụ thể, hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank, cho vay, bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty gây thiệt hại cho VNCB trên 1.835 tỷ đồng; hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay vốn để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.740 tỷ đồng. Còn hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV bảo lãnh và trả nợ cho 12 công ty của mình vay vốn, gây thiệt hại trên 2.550 tỷ đồng.
Ngoài ra, cáo trạng còn xác định hành vi làm trái của Nguyễn Việt Hà và đồng phạm trong việc nhận ủy thác đầu tư số tiền 903 tỷ đồng từ VNCB qua Công ty cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt, giúp Phạm Công Danh có 900 tỷ đồng để dùng cho mục đích cá nhân.
Do kết luận giám định xác định thiệt hại thuộc về Ngân hàng VNCB nên trong quá trình điều tra, VNSND Tối cao đã yêu cầu về việc thu hồi hơn 6.126 tỷ đồng cho VNCB để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa thực hiện do đó VKSND Tối cao đề nghị trong phiên tòa tới đây HĐXX và đại diện VKS tiếp tục điều tra công khai tại phiên tòa để xác định các khoản tiền phải thu hồi do hành vi cố ý làm trái của các bị can, người liên quan gây ra.
Hiện phiên tòa vẫn tiếp tục với phần thẩm tra lý lịch những người tham gia tố tụng.
Theo dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 1 tháng (từ ngày 8.1 - 7.2), do thẩm phán Phạm Lương Toản làm chủ tọa. Trong thành phần HĐXX còn có thẩm phán Huỳnh Thị Việt Tiên và 3 hội thẩm nhân dân, đồng thời có 2 thẩm phán dự khuyết. Bên cạnh đó, phiên tòa có hơn 70 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong giai đoạn 2 của vụ án, tòa triệu tập gần 200 người tham gia tố tụng. |